Nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận và hành trình biến những điều không tưởng thành tinh hoa
(THPL) - Ẩn sâu trong dáng vẻ tần tảo, đậm nét thôn dã của người phụ nữ Việt Nam mảnh dẻ là một tình yêu và sức sáng tạo bền bỉ để biến những điều không tưởng, khác thường trở thành tinh hoa, niềm tự hào của lụa Việt. Bà là nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận, người dành cả đời để dệt nên những kỳ tích trong nghề dệt lụa thủ công truyền thống Việt Nam.

"Vị thần hộ mệnh”…
Ở vào tuổi ngoại thất thập, lăn lộn, nếm trải đủ ngọt bùi, cay đắng với nghề tằm tơ, canh cửi, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội) rút ra một chiêm nghiệm độc đáo về con tằm: “Hơn cả cơ nghiệp, con tằm chính là vị thần hộ mệnh của cuộc đời tôi”.
Tôn vinh tằm thành một vị thần, lại là thần hộ mệnh thì quả là độc lạ. Nhưng soi lại hành trình gần 70 năm gắn bó với nghiệp tằm tơ của người nghệ nhân tài hoa, sáng tạo với những đột phá táo bạo, thì hoàn toàn có thể lý giải được vì sao con tằm được bà nâng niu, tôn thờ đến vậy.
… Và phương pháp dệt có một không hai
Nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ dệt lụa ở Phùng Xá, Mỹ Đức, Hà Nội đã có từ năm 1929. Cuối những năm 60 đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, làng Phùng Xá từng được mệnh danh là “thủ phủ dâu tằm” của cả nước. Tuy nhiên, trước làn sóng các sản phẩm công nghiệp, tơ lụa Phùng Xá thoái trào, đứng trước nguy cơ mai một nghề truyền thống.
Sinh ra, lớn lên trong cái nôi của nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống, bà Thuận mang trong mình niềm tự hào bởi trong họ tộc, thế hệ đi trước từng có người nổi tiếng tổ chức những thợ giỏi dệt lụa bán cho Pháp. Rồi trực tiếp cụ ông thân sinh ra bà là người đầu tiên ở xã được vào làm tại xí nghiệp dệt của hợp tác tác xã thủ công nghiệp xã Phùng Xá, được ăn “gạo nhà nước”. Chứng kiến cảnh nhiều nghệ nhân trong làng “dứt áo” với nghề truyền thống, nhiều thợ dệt ngậm ngùi gỡ bỏ khung cửi, mưu sinh bằng nghề khác, bà không cam lòng.
Văng vẳng bên tai lời người xưa truyền lại: “Một lá dâu là sâu tiền”, rồi “Con tằm ăn lá nhả vàng”, bà canh cánh làm thế nào để sợi tơ tằm lại “nhả vàng”, tạo ra công ăn việc làm cho người làng Phùng Xá, nối lại mối duyên tơ xưa tưởng chừng “đứt gánh”.
Bà kể: “Nhìn thấy cảnh mọi người dần dần bỏ khung cửi để chạy đi làm máy móc công nghiệp, tôi xót xa lắm. Rồi tôi nghĩ, muốn giữ nghề truyền thống của quê hương thì phải thay đổi để làm sao cho việc ươm tơ bớt nhọc nhằn hơn. Mỗi hộ gia đình cũng không phải bỏ chi phí để đầu tư máy móc, rồi mất thời gian để đào tạo người sử dụng máy móc công nghiệp đó… Nuôi tằm, gắn bó với con tằm từ khi còn chưa biết mặt chữ. Rồi quan sát đặc điểm, tập tính, qui luật vận động, nhả tơ của tằm, tôi bắt đầu nghĩ đến việc huấn luyện chính con tằm làm thợ dệt, để thay cho những cái máy công nghiệp, cho “người rô - bốt”. Ban đầu tôi chỉ nghĩ đơn giản thế thôi”.

Bắt tay vào thực hiện ý tưởng chưa từng có này, người thân, họ hàng, làng trên xóm dưới không ai nghĩ bà sẽ thành công. Bởi hàng ngàn năm nay, để dệt thành tấm lụa, sau khi tằm hoàn thành sứ mệnh của mình là nhả tơ tạo kén, thì những công đoạn phía sau như: ươm tơ, guồng tơ, mắc cửi, dệt… đều phải nhờ hoàn toàn vào bàn tay, công sức của con người. Việc bắt tằm tự dệt thay con người được coi là điều không tưởng.
Bà tâm sự: “Bước đầu đi vào cái lối đi mới này thì từ người lớn, người nhỏ trong nhà, rồi đến anh em họ hàng không một ai đồng ý cho tôi làm. Ai cũng bảo tôi phá hoại, làm vớ làm vẩn, sao mà thành công được. Đến tuổi này rồi (khi ấy bà 55 tuổi - PV) mà mình vẫn còn cứ nghiên cứu mãi. Xong rồi mình làm như thế nào? Mình thu bằng cái gì? Nếu làm được rồi thì mình bán ra sao?”...
Vượt qua những lời can ngăn, suốt 1 năm dòng, một mình bà mò mẫm ở xưởng, kiên trì thử đi thử lại phương pháp mới. Nhiều đêm dòng thức trắng, ngày thì quên ăn, bên nong tằm, bà miết mải quan sát, huấn luyện, điều khiển, sắp xếp tằm thành hàng lối, sao cho tơ của nhiều con tằm quấn vào nhau, đan thành tấm thảm bông phẳng, mịn, gắn kết bền chắc tự nhiên.

Không phụ công người, những tấm vải, tấm chăn tơ đầu tiên do vạn "thợ dệt" siêu tài hoa hoàn thành, mịn màng, óng ả, không kỹ thuật dệt nào của con người có thể sánh kịp. Phương pháp này lại tiết kiệm được thời gian, công sức lao động, chi phí, nhờ giảm bớt nhiều công đoạn phức tạp như kéo kén, ươm tơ, cào bông...
Năm 2012, bà Thuận chính thức ra mắt sản phẩm chăn tơ do tằm tự dệt bằng phương pháp độc nhất vô nhị, rồi đăng ký độc quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ. Sản phẩm đã được Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen và đạt Giải nhất cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông toàn quốc lần thứ 6 năm 2015; được ghi vào sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2016. Chăn tơ do tằm tự dệt cũng nằm trong số không nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP 5 sao.
Bản thân bà không ngại xông pha khắp nhiều triển lãm, hội chợ, gặp gỡ khách hàng để vừa giới thiệu sản phẩm, vừa tìm hiểu nhu cầu của thị trường. “Từ phương pháp mới, để nhiều người biết đến sản phẩm của mình, tôi lại tìm cách pha chế màu sắc, trang trí họa tiết theo nhu cầu của khách hàng. Ví dụ, khách hàng thích thổ cẩm thì chúng tôi dệt thổ cẩm. Họ thích lụa trơn chúng tôi dệt lụa trơn. Họ thích lụa thô chúng tôi dệt lụa thô…” – Bà Thuận cho biết thêm.

Không ngừng trăn trở sáng tạo, sau sản phẩm chăn tơ tằm tự dệt, bà đã cho ra đời nhiều tấm mền, chăn, các loại gối chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa thích. Chăn bông, vải lụa do tằm tự dệt của bà Thuận có mặt ở khắp thị trường trong nước và xuất khẩu sang Nhật Bản, Thái Lan, Đức, Bỉ, Trung Quốc, Ả Rập Xê Út…
Táo bạo vượt qua giới hạn, vượt qua cách làm truyền thống để giữ hồn lụa quê hương, bà Thuận đã truyền cảm hứng để nhiều nghệ nhân, người thợ ươm tơ dệt vải trong làng, trong xã có thêm động lực bám trụ với nghề truyền thống, và nghề dệt lụa ở vùng quê Phùng Xá đã hồi sinh mạnh mẽ.
Còn với nghệ nhân Phan Thị Thuận, bà tôn sùng con tằm như một vị thần - cứu tinh của nghề truyền thống, bà tâm sự: “Mình chăm sóc họ (con tằm - PV) tốt thì họ sẽ khỏe mạnh, sẽ cho mình tài sản vô giá. Và vạn tằm sẽ rút ruột nhả cho mình những sợi tơ rất đẹp, ấy là những sợi vàng”.
Biến điều không tưởng thành tinh hoa
“Khi huấn luyện thành công con tằm làm thợ dệt, tôi cảm nhận được rằng tôi đã hoàn thành được nhiệm vụ của nghề tơ tằm”. Nghệ nhân Phan Thị Thuận hoàn toàn có thể tự bằng lòng với cống hiến của mình cho nghề truyền thống của quê hương Phùng Xá, Mỹ Đức cũng như cho nghề dệt lụa Việt Nam với sản phẩm và phương pháp có thể nói lần đầu tiên có trong lịch sử loài người như thế.
Nhưng không, quả như Nguyễn Du từng nói: “Đã mang lấy nghiệp vào thân”, ở tuổi 64, bà lại một lần nữa khiến thế giới kinh ngạc khi là người đầu tiên ở Việt Nam nghiên cứu thành công sản phẩm lụa từ sợi tơ sen, mang đậm hồn quê Việt.
Năm 2017, từ gợi ý của đại biểu quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, cộng với tình yêu những đầm sen bát ngát của quê hương và một trí óc không ngừng sáng tạo, luôn muốn thử thách mình để vượt qua những giới hạn, bà lại miệt mài hành trình mới dẫu biết rằng đầy chông gai.
“Khi tôi làm tơ sen thì cũng gặp rất nhiều khó khăn. Ngày nào tôi cũng lấy sen về, cắt ra rồi rút dây tơ. Sợi sen mong manh, se được sợi nhưng khi cho vào khung sợi lại đứt liên tục vì những đặc tính tự nhiên của nó. Mọi người thấy tôi làm như vậy cũng vẫn nghĩ là tôi không thể làm được, nên không ai đồng ý hưởng ứng. Để không bị phân tâm, tôi phải yêu cầu mọi người không ai được vào, chỉ một mình tôi đóng cửa trong xưởng, ngồi rút tơ, se sợi”…

Bền bỉ, nhẫn nại, sau nhiều lần thử nghiệm, cải tiến, bà đã làm chủ được kỹ thuật rút tơ, se sợi, tự tạo được khung dệt dành riêng cho tơ sen với độ giật mềm mại, êm ái.
Năm 2017, kỳ vọng vào sự thành công của tơ sen, bà Thuận đã tham gia đề tài nghiên cứu cấp quốc gia về tơ sen do GS.TS Nguyễn Duy Chuyên làm chủ nhiệm. Và đến năm 2018, thước lụa đầu tiên được dệt từ 100% tơ sen ra đời. Cuộc đời “se tơ dệt lụa” của nghệ nhân Phan Thị Thuận tiếp tục ghi thêm một dấu ấn ngoạn mục cho việc biến những điều không tưởng thành tinh hoa.
Ngay từ khi ra đời, lụa tơ sen đã tạo được tiếng vang lớn không chỉ trong nước mà còn được thế giới biết đến, trầm trồ thán phục, thu hút sự quan tâm của nhiều nghệ nhân và hãng thời trang quốc tế. Bởi không chỉ qui trình dệt lụa được liệt vào hàng kỳ công, độc đáo nhất thế giới mà còn bởi đặc tính vừa ấm, vừa thoáng, nhẹ lại thoang thoảng hương sen tự nhiên của mỗi vuông lụa. Những chiếc khăn làm từ thức lụa tinh hoa này đã vinh dự được Thủ tướng lựa chọn là sản phẩm quà tặng Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản (năm 2019) và làm quà tặng các chính khách, đoàn ngoại giao tại các hội nghị, sự kiện giao lưu, trao đổi quốc tế.

Năm 2024, lụa tơ sen là chất liệu để nhà thiết kế trẻ Bùi Công Thiên Bảo thiết kế bộ trang phục “Lụa nàng sen”. Truyền đi cảm hứng về tình yêu dân tộc, tình yêu thiên nhiên, biểu trưng cho tinh hoa của nghề dệt thủ công và thời trang Việt, bộ trang phục đã góp phần giúp hoa hậu Việt Nam Huỳnh Thị Thanh Thủy toả sáng, giành vương miện danh giá Cuộc thi Hoa hậu quốc tế - Miss International 2024 tổ chức tại Nhật Bản.
Với nỗ lực và sức sáng tạo phi thường, nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận đã biến những điều không tưởng thành tinh hoa, góp phần không nhỏ định vị thương hiệu tơ lụa truyền thống của Việt Nam trên trường quốc tế. Đúng như những lời tán thán của ông Murtazaev Azizbek (Chủ tịch Hội đồng Thủ công thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương) khi đến thăm xưởng dệt của nghệ nhân: “Bà Phan Thị Thuận thực sự là một biểu tượng của sự kiên trì, sáng tạo và tâm huyết trong việc gìn giữ và phát triển nghề dệt truyền thống Việt Nam. Câu chuyện thành công của người phụ nữ mảnh dẻ nơi miền quê ngoại thành Hà Nội đáng được lan tỏa tới các nghệ nhân thuộc Mạng lưới thành phố thủ công sáng tạo toàn cầu”.
Hoàng Yến
Tin khác
TP.HCM công bố có thêm bệnh viện quy mô lớn, công nghệ cao tầm quốc tế
Tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm trật tự, ATGT dịp nghỉ lễ 30/4-1/5
Hàng trăm kg pin cũ được thu gom từ chiến dịch Pin Hunter do OCB phát động
Nhiều khách hàng trải nghiệm chi tiêu tại “Con đường ưu đãi” do VPBank triển khai
Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam: Chuỗi hoạt động văn hóa đặc sắc tại phố cổ Hà Nội
Giá xăng giảm mạnh, RON 95-III xuống mức thấp nhất 5 năm
(THPL) - Trên cơ sở điều hành của liên Bộ Công Thương - Tài chính, các doanh nghiệp đồng loạt điều chỉnh giảm giá xăng dầu kể từ 15h hôm...17/04/2025 15:13:27Bộ Y tế yêu cầu các địa phương chủ động phòng, chống sốt xuất huyết
(THPL) - Ngày 17/4, Bộ Y tế cho biết đã có văn bản về việc tăng cường, phòng, chống sốt xuất huyết gửi UBND các tỉnh, thành phố trực...17/04/2025 15:14:46Pearl Residence tại Cửa Lò được nhà đầu tư săn đón khi thị trường nóng lên
(THPL) - Với định hướng của Cửa Lò là trở thành một trong những trung tâm du lịch của vùng Bắc Trung Bộ, một điểm đến thu hút du khách...17/04/2025 15:15:21Festival Phở 2025: Hội tụ tinh hoa ba miền
(THPL) - Ngày mai 18/4, tại Hoàng thành Thăng Long (Ba Đình, Hà Nội) chính thức diễn ra Festival Phở 2025. Quy tụ hơn 50 gian hàng của các doanh nghiệp,...17/04/2025 14:21:00