05:14 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nghệ nhân Hoàng Thị Khương - người thêu tranh bằng "sợi chỉ nghị lực” cuộc đời

| 05:56 02/08/2017

(THPL) - Sinh ra trong một gia đình có bốn thế hệ làm nghề thêu tay truyền thống, bằng nghị lực vượt lên sự nghiệt ngã của số phận, chị Hoàng Thị Khương (Thường Tín, TP. Hà Nội) đã chinh phục mọi khó khăn, nỗ lực tìm tòi, học hỏi để thêu nên những bức tranh sống động, tinh xảo.

Làng nghề thêu tay truyền thống Quất Động (Hà Nội) có lịch sử lâu đời. Từ thế kỷ 17, làng Quất Động đã có nghề thêu, có những nghệ nhân bằng đôi bàn tay khéo léo đã chắt lọc những gì tinh túy nhất của hồn dân tộc để tạo nên những tác phẩm rực rỡ, tô đẹp cho đời.

Chúng tôi đến làng thêu Quất Động, xã Quất Động, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội vào một ngày nắng oi ả 35 độ C. Khi đặt chân đến mảnh đất này, hỏi chị Hoàng Thị Khương thì ai ai cũng biết, bởi những sản phẩm tranh của chị được rất nhiều khách trong nước lẫn quốc tế thường xuyên tìm đến mua.

Chị Hoàng Thị Khương bên bức tranh thêu của mình.

Chị Hoàng Thị Khương sinh năm 1965, không được may mắn như những đứa trẻ khác, chị bị liệt hai chân từ nhỏ. Khi lớn lên, ý thức được cuộc sống của mình, trong khi các bạn đồng trang lứa vui chơi, chạy nhảy, chị chỉ biết ngồi một chỗ. Song, may mắn vì sinh ra trong một một làng nghề thêu nổi tiếng nên việc tiếp cận với nghề đối với chị không mấy khó khăn. Năm 10 tuổi chị đã học thêu, người truyền dạy cho chị những nét thêu sắc gọn, cách phối mầu đầu tiên là mẹ chị – bà Bùi Thị Khánh. Vừa học văn hoá chị Khương vừa học thêu và đến năm 15 tuổi, chị gắn bó với nghề thêu gia truyền, cái nghiệp dần "ăn sâu vào máu". 

Chị kể rằng, ban đầu vì nghĩ mình không có sức khỏe thì nên giữ lấy nghề thêu mà sống, nhưng sau đó trở nên "say nghề", những năm đầu làm nghề, chị Khương thêu gối, khăn trải giường cho HTX để xuất sang Đông Âu. Khi mới ngoài 20 tuổi, tiếng tăm về kỹ thuật của chị đã vang xa khắp nơi.

Năm 1991, chị ra Hà Nội thêu áo Kimono để xuất sang Nhật Bản. Trải qua những khó khăn và thử thách, qua 3 tháng miệt mài, chị đã thành công ngoài mong đợi, tấm áo của chị được khách Nhật hết lòng khen ngợi và thường xuyên quay trở lại đặt hàng. Chứng kiến những đường thêu điêu luyện của chị Khương, năm 1998, một du khách người Pháp đã đặt chị thêu bức chân dung "Đức Mẹ đồng trinh" với trị giá thời đó là 1 triệu đồng.

Từ đó, nhiều khách nước ngoài biết tới chị bằng những bức tranh thêu nghệ thuật. Năm 1995, chị về làm nghề thêu tại nhà cùng em trai.

Thêu tranh đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, "còng lưng, mỏi mắt" nắn nót từng đường kim, mũi chỉ.

Thêu là một nghề thủ công đòi hỏi người thợ phải có đôi bàn tay khéo léo, tài hoa, đôi mắt tinh tường cộng với bộ óc tinh tế và đức tính cẩn thận, cần mẫn. Nghề thêu vô cùng vất vả bởi mỗi bức tranh phải thêu ít nhất 5 tháng, có bức thêu đến một năm.

Sự "còng lưng, mỏi mắt" nắn nót từng đường kim, mũi chỉ tranh thêu của chị Hoàng Thị Khương đã để lại dấu ấn trong lòng nhiều người, đặc biệt có những bức tranh thêu khách nước ngoài trả giá hàng nghìn USD, một điều mà khi mới bước vào nghề chắc chị chẳng dám mơ ước.

Là người có ý chí vươn lên, để thuận tiện cho sản xuất và giữ nghề thêu truyền thống, chị đã mở xưởng sản xuất ngay tại nhà với ý định giúp các chị em khuyết tật có thêm công ăn việc làm.

Những người khuyết tật đang cặm cụi với những bức tranh thêu.

Có mặt ở xưởng của chị, chúng tôi chứng kiến hơn 10 người khuyết tật đang cặm cụi với những bức tranh thêu. Chị Khương chia sẻ: “Số phận của chị đã không được may mắn nên chị nhận người khuyết tật về làm, vì chị nghĩ họ cũng như chị, thực tế là họ không làm được những việc đồng áng nặng nhọc. Trong khi đó, việc thêu tranh thì chỉ đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận khi làm việc nên đây là một trong những cơ hội tốt giúp họ hòa nhập với cộng động. Bởi đôi tai không thể nghe, đôi chân không thể đi nhưng họ còn có đôi bàn tay lúc nào cũng thoăn thoắt, nhanh nhẹn với những đường kim mũi chỉ và nụ cười vẫn luôn thường trực trên môi”.

Được lao động, có thu nhập để trang trải, họ có niềm tin vào cuộc sống và càng nỗ lực cống hiến cho xã hội. Có lẽ, đó là một trong những “thù lao” lớn nhất mà cô giáo Hoàng Thị Khương nhận được.

Hàng loạt bằng khen, giấy chứng nhận được treo ngay ngắn trên tường.

Xưởng thêu của chị Khương có hơn 50% là người khuyết tật, với mức thu nhập dao động chỉ từ 2,5 – 3 triệu đồng/tháng. Con số này tuy ít hơn so với những người bình thường nhưng giúp họ có việc làm, thu nhập tạm thời hàng ngày. “Mức thu nhập cũng phụ thuộc rất nhiều vào lượng hàng khách đặt. Chỉ thêu chị phải đặt hoặc tự nhuộm lấy màu cho phù hợp với hàng đặt của khách", chị Khương cho biết thêm.

Khi được hỏi về bức tranh thêu mà chị tâm huyết nhất, chị Khương trả lời: “Chị đã dành một khoảng thời gian dài để làm nên bức tranh thêu Bác Hồ, với chị không phải để bán, cũng chẳng để giữ riêng mình. Chị thêu tranh Bác với tâm nguyện được tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh”.

Tranh thêu Bác Hồ là bức tranh mà chị Khương tâm huyết nhất.

Trong một thoáng suy nghĩ, thấy các chị đang cặm cụi, tỉ mỉ bên những bức tranh thêu, tôi đã nảy sinh ý muốn thử được một lần ngồi vào vị trí đó. Được sự đồng ý của chị Khương, tôi bước vào nơi có bức tranh thêu đặt ngay ngắn trên chiếc bàn, cầm lấy kim và chỉ thử học thêu. Quả thật thêu tranh rất khó, không giống những gì trong trí tưởng tượng của tôi, công việc này cần phải có sự kiên trì và niềm đam mê thì mới làm được.

Lần đầu được thử thêu tranh nhưng quả thật rất khó đối với tôi.

Chia tay xưởng thêu của chị Hoàng Thị Khương với những bức tranh sống động, chúng tôi thầm cảm phục con người đầy ý chí này. Thật sự, chị đã thêu những bức tranh bằng “sợi chỉ nghị lực” của chính cuộc đời mình, góp phần tiếp nối, gìn giữ và tôn vinh nghề thêu truyền thống của gia đình và của làng thêu Quất Động

Diệu Huyền – Hoà Bình

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu