02:20 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Ngành mía đường dần khởi sắc, giá bán quanh mức 1,2-1,3 triệu đồng/tấn

Tú Chi (t/h) | 20:56 13/09/2024

(THPL) - Từ khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (từ năm 2021), ngành đường nước ta đã ghi nhận sự hồi sinh và tăng trưởng đáng kể, với giá mua mía đã lên mức 1,2-1,3 triệu đồng/tấn.

Mới đây, ông Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) đã thông tin về niên vụ sản xuất mía đường 2023/2024. Theo ông Lộc, ngành mía đường Việt Nam đã hoàn thành vụ ép mía 2023/2024 trong tháng 6 vừa qua. Sản lượng kết thúc vụ đã ép được 11.204.789 tấn mía, sản xuất được 1.107.777 tấn đường các loại.

So sánh với vụ ép mía 2022/2023 sản lượng mía ép đạt 117,9% và sản lượng đường đạt 118,4%. So sánh với vụ ép mía 2020/2021, trong vòng 4 vụ liên tiếp, sản lượng mía ép đạt mức tăng 166% và sản lượng đường đạt mức tăng 161%.

Kết quả trên cho thấy, từ khi Việt Nam áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ năm 2021, ngành đường Việt Nam đã ghi nhận sự hồi sinh và tăng trưởng đáng kể, với giá mua mía đã được ngành đường Việt Nam liên tục nâng qua 5 vụ liên tiếp (mức tăng 152% so với vụ 2019/20), hiện nay, đã đến mức 1,2-1,3 triệu đồng/tấn mía là mức tương đương so với các nước sản xuất mía đường trong khu vực, dẫn đến gia tăng diện tích trồng mía, sản lượng mía và đường tăng liên tục qua 4 vụ sản xuất gần đây.

Ngành mía đường dần khởi sắc, giá mía Việt Nam đang ở mức 1,2-1,3 triệu đồng/tấn. Ảnh minh hoạ

Bên cạnh những kết quả tích cực, hiện nay “vị ngọt” ngành mía đường vẫn chưa tròn vị trước nạn đường nhập lậu và tồn kho cao. Thống kê thời điểm tháng 7/2024, ngành đường Việt Nam vẫn còn tồn khoảng 65% sản lượng của vụ 2023/2024 cộng với đường nhập lậu ngày càng tăng và chiếm tới 30%, đẩy ngành này vào thế khó.

Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu bùng nổ những tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, thể hiện qua khối lượng kỷ lục đường lậu, được cho là nguồn gốc chủ yếu từ Thái Lan, bị các cơ quan chức năng phát hiện trong những tháng đầu năm 2024, đã bịt đầu ra của đường sản xuất từ mía, khiến đường các nhà máy không bán được.

“Trong bối cảnh sức cầu đường kém do ảnh hưởng chung của kinh tế, lượng đường lỏng siro ngô nhập khẩu gia tăng càng làm thu hẹp thị phần đường từ mía trong ngành nước giải khát. Đường làm từ mía còn phải chịu áp lực ép giá kìm giá của các loại đường lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại bao gồm đường nhập lậu và đường gian lận xuất xứ, đây đều là những loại đường giá rẻ vì có bản chất là đường phá giá xuất xứ Thái Lan”, Chủ tịch VSSA cho hay.

Nhận định về niên vụ chế biến 2024/2024, ông Nguyễn Văn Lộc cho hay, dự kiến còn 25 nhà máy đường hoạt động, bằng số nhà máy hoạt động trong vụ 2023/2024, với tổng công suất thiết kế là 124.000 tấn mía/ngày. Theo báo cáo của các Nhà máy đường dự kiến còn hoạt động, kế hoạch sản xuất niên vụ 2024/2025 sẽ có tăng trưởng so với vụ 2023/2024 như sau: Diện tích mía thu hoạch tăng 107%; Sản lượng mía chế biến tăng 105%; Sản lượng đường tăng 105%.

Niên vụ 2024/2025 dự báo sẽ là một năm có nhiều thách thức đối với ngành đường Việt Nam khi phải đối phó với hiện tượng La Nina dự kiến sẽ bắt đầu có tác động trong niên vụ, giá vật tư nông nghiệp tăng, tình hình đường nhập lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu, tình hình lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và thị trường đường bị thu hẹp do sự gia tăng nhập khẩu đường lỏng sirô ngô HFCS.

Trong thời gian tới, ngành mía đường cần củng cố phát triển chuỗi liên kết trong sản xuất mía đường. Xây dựng thị trường đường lành mạnh phát triển hài hòa. Phòng chống các hành vi gian lận thương mại đường. Ổn định vùng nguyên liệu mía trong điều kiện biến đổi khí hậu. Triển khai chương trình tuyển chọn giống mía.

Tú Chi (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu