08:26 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Nâng tầm vị thế thương hiệu Việt

Đức Anh | 07:10 02/05/2024

(THPL) - Doanh nghiệp Việt đã và đang từng bước khẳng định vị thế riêng trên thị trường quốc tế, đưa những sản phẩm của Việt Nam đến với người tiêu dùng toàn cầu. Tuy nhiên, đây vẫn là một hành trình dài, đầy thách thức đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ của doanh nghiệp để có thể cạnh tranh với các thương hiệu tầm cỡ.

Gian hàng trưng bầy Thương hiệu quốc gia Việt Nam tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam.

Thương hiệu Việt vươn ra thế giới

Thời gian vừa qua, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang nhiều thị trường nước ngoài đã có tăng trưởng ấn tượng. Một số sản phẩm trong lĩnh vực F&B đã thành công đi ra nước ngoài bằng thương hiệu riêng mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu hàng hoá mang thương hiệu “Made in Vietnam” ra thị trường thế giới. Đây là dấu hiệu cho thấy các thương hiệu Việt đã tích lũy đủ giá trị, tối ưu được lợi thế sau nhiều năm cạnh tranh cùng các thương hiệu toàn cầu tại chính thị trường nội địa.

Điển hình, trong năm qua, Vinamilk thắng lớn với doanh thu xuất khẩu. Hiện hệ sinh thái sản phẩm của doanh nghiệp có mặt tại gần 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, bao gồm những cường quốc có yêu cầu xuất khẩu cao như Singapore, Nhật Bản, New Zealand, Australia...

Cùng với đó, thương hiệu cà phê Trung Nguyên đã liên tiếp mở văn phòng đại diện tại Hàn Quốc, Trung Quốc và mở quán Trung Nguyên Legend đầu tiên tại Mỹ, thu hút sự quan tâm của báo chí quốc tế về nỗ lực đưa cà phê Việt chinh phục toàn cầu của tập đoàn.

Ra thế giới bằng thương hiệu của chính mình, không thể không nhắc tới gạo ST25 giành giải nhất cuộc thi World’s Best Rice 2019 (Gạo ngon thế giới) và dần dần được người tiêu dùng ở nhiều nơi ưa chuộng. Tập đoàn Tân Long đưa sản phẩm gạo ST25 mang thương hiệu A An vào thị trường Nhật Bản...

Cùng với lĩnh vực F&B, nhiều thương hiệu thuộc các lĩnh vực khác như công nghệ thông tin, nông lâm nghiệp, thủy sản, dệt may... cũng ghi dấu ấn trên thị trường trong nước và thế giới.

Nhờ tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng, Việt Nam đã góp mặt vào nhóm 20 quốc gia có thương mại hàng đầu thế giới. Việt Nam cũng được đánh giá cao trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia và là thương hiệu quốc gia có tốc độ tăng trưởng giá trị nhanh nhất thế giới trong giai đoạn 2020 - 2023.

Theo báo cáo từ Brand Finance, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020 tăng 29,1% so với năm 2019, đạt mức 319 tỷ USD; năm 2021 tăng 21,6% so với năm 2020 (đạt mức 388 tỷ USD); năm 2022 tăng 11,1% so với năm 2021 (đạt mức 431 tỷ USD). Đến năm 2023, giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 498,13 tỷ USD, tăng 15,6% so với năm 2022, ghi nhận mức tăng trưởng liên tục về phần trăm giá trị thương hiệu hai con số.

Đó là kết quả từ những nỗ lực của Chính phủ trong cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, đẩy mạnh xuất nhập khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và doanh nghiệp. Đồng thời, cũng là sự khẳng định vị thế hàng đầu vững chắc của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng cao, cả về lợi nhuận và doanh thu, giữ vững thị trường nội địa và phát triển thị trường xuất khẩu, dù gặp phải không ít khó khăn, thách thức trong thời gian qua.

Trung Nguyên Legend chinh phục cộng đồng người yêu cà phê và tạo được tiếng vang tại nhiều thị trường quốc tế.

Xây dựng thương hiệu - bước đi dài hơi của doanh nghiệp

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, lượng hàng hóa xuất khẩu bằng thương hiệu riêng của doanh nghiệp Việt vẫn còn khiêm tốn.

Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường thuộc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... phần lớn vẫn mang thương hiệu nước ngoài, giá trị gia tăng thu về chưa tương xứng.

Chẳng hạn, ngành công nghiệp chế biến - chế tạo có tới 95% giá trị xuất khẩu thuộc các công ty đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thương hiệu toàn cầu riêng. Trong chuỗi giá trị của dệt may, da giày cũng chủ yếu theo hình thức gia công, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ xuất khẩu qua trung gian là chính, rất ít doanh nghiệp có thể xuất khẩu bằng thương hiệu của mình.

Nông sản là mặt hàng xuất khẩu chủ lực, nhưng có tới 80% sản phẩm chưa có thương hiệu. Như với mặt hàng gạo, Việt Nam giữ vị trí hàng đầu trên thế giới, song gạo Việt Nam được bán tại Anh dưới thương hiệu do nhà phân phối đặt.

Theo các chuyên gia, việc xây dựng thương hiệu quốc gia cấp bách hơn bao giờ hết khi nhiều cánh cửa ra thị trường thế giới được mở qua các hiệp định thương mại tự do; xây dựng thương hiệu là giải pháp lâu dài để hàng hóa Việt Nam duy trì thị phần tại thị trường xuất khẩu.

Để xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam phải có những bước đi bài bản, chiến lược khôn ngoan. Sản phẩm cần đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn về môi trường, xã hội, phát triển bền vững, đồng thời phù hợp với văn hóa, xu hướng, nhu cầu sử dụng của thị trường.


Đức Anh

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu