18:50 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Mê Linh, Hà Nội: Hai nhà máy xả thải “kép”, người dân kêu cứu

13:44 24/12/2018

(THPL) - Đã từ nhiều năm nay, người dân ở thôn đường 23, xã Thanh Lâm (huyện Mê Linh, Hà Nội) ngày ngày đều bì “tra tấn” bởi tiếng ồn, khí thải đen ngòm, dày đặc... xả thẳng ra môi trường từ một số nhà máy, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày.

“Án tử” treo trên đầu người dân

Để nắm rõ hơn thông tin phản ánh của người dân, PV Thương hiệu và Pháp luật đã có chuyến đi thực địa tại thôn dường 23, xã Thanh Lâm (Mê Linh, Hà Nội). Có mặt tại đây PV cũng đã cảm nhận được sự “ngột ngạt” bởi bầu không khí, và cảm nhận được một phần sự khổ sở của người dân khi sống quanh nhà máy gây ô nhiễm của Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh quốc tế TMC và Công ty CP Việt Dutch quốc tế gây ra.

Xưởng sản xuất gỗ thường xuyên đốt khí thải hóa chất độc hại nhưng lại không có biện pháp đảm bảo vệ môi trường của Công ty TMC.

Theo tìm hiểu của PV, Công ty Việt Dutch quốc tế và Công ty TNHH Sản xuất và Kinh doanh quốc tế TMC có nhiều thời điểm hoạt động sản xuất 24/24. Hàng ngày, Công ty sản xuất ván gỗ ép nhưng không đảm bảo hoạt động xử lí khí thải, hóa chất độc hại, khói bụi, nước thải. Bên cạnh đó khói bụi, mùi keo dán gỗ trong quá trình sản xuất bay ra gây tức ngực, khó thở... và nhiều bệnh tật cho người dân, chủ yếu bệnh về đường hô hấp.

Bụi bám kín cây quanh nhà máy của Công ty Việt Dutch Quốc tế.

Xưởng sản xuất gỗ thường xuyên đốt khí thải hóa chất độc hại nhưng lại không có biện pháp đảm bảo vệ môi trường, trực tiếp xâm hại đến sức khỏe của nhân dân quanh hai nhà máy.

Người dân lo lắng khi phải sống chung với 2 nhà máy gây ô nhiễm.

Ông Trần Tiến Đạt ở Thôn đường 23, xã Thanh Lâm cho biết: “Trước kia, nhà máy của Công ty Việt Dutch là nơi sản xuất hộp tivi; còn của Cty TMC là trang trại nuôi lợn.Từ khi thay tên đổi chủ để chuyển sang sản xuất gỗ ép thì người dân xung quanh mất ăn, mất ngủ và bệnh tật phát sinh nhiều hơn”.

“Với cái tình hình này, tôi cũng chẳng sống được bao lâu nữa. Con cháu nhà tôi cũng hay bị mắc bệnh về hô hấp phải đi bệnh viện khám thường xuyên”, ông Đạt bức xúc.

Một người dân tại đây cũng cho biết: “Chúng tôi đã lên tiếng nhiều lần nhưng đâu có cơ quan chức năng nào chịu nghe, ô nhiễm nhiều năm nay rồi, người chịu là hàng trăm hộ dân quanh đây. Cứ vào buổi tối thì 2 nhà máy này đua nhau xả thải, mùi khét, rất khó chịu”.

Một số người dân cũng hoài nghi có sự bao che, “linh động” của lực lượng chức năng sở tại nên các doanh nghiệp này mới ngang nhiên xả thải hàng ngày, trong nhiều năm qua nhưng những lời kêu cứu của cư dân không được giải quyết.

Người dân tại đây cũng thắc mắc, Công ty CP Việt Dutch Quốc tế là một trong những doanh nghiệp hoạt động sản xuất gỗ ép gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân trong khu vực nhưng không nằm trong danh sách thanh kiểm tra 2018 của Sở Tài nguyên và Môi Trường Hà nội. 

Phòng TNMT đã làm tròn trách nhiệm?!

Để nắm rõ hơn công tác bảo vệ môi trường, cũng như những ảnh hưởng của 2 nhà máy, tác động trực tiếp tới các hộ dân ở thôn đường 23, xã Thanh Lâm (Mê Linh, Hà Nội), PV đã liên hệ tới UBND huyện Mê Linh để tìm hiểu những vấn đề trên.

Sau khi tiếp nhận Giấy giới thiệu và nội dung liên hệ làm việc, ông Trần Sỹ Đạt – Phó chánh văn phòng UBND huyện Mê Linh cho biết, Chủ tịch huyện đã giao cho phòng Tài nguyên và Môi trường làm việc với phóng viên.

Tiếp đó, PV đã chủ động liên hệ với ông Phạm Minh Giáp - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường để có lịch làm việc cụ thể. Theo lịch hẹn, đúng 14 giờ ngày 20/12/2018, PV đã có mặt tại Phòng Tài nguyên và Môi trường để làm việc.

Bà Phạm Thị Bích Liên – Chuyên viên phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mê Linh

Tại đây, bà Phạm Thị Bích Liên – Chuyên viên phòng Tài nguyên và Môi trường cung cấp 1 biên xử phạt hành chính của Phòng cảnh sát môi trường – CA TP Hà Nội và Văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Khi PV thắc mắc, tại sao trong nhiều năm người dân làm đơn gửi lên phản ánh sự việc, huyện có xuống kiểm tra không… thì bà Liên cho biết chỉ được Trưởng phòng giao nhiệm vụ cung cấp hồ sơ cho báo chí, việc trả lời báo chí thì phải Trưởng phòng mới có quyền phát ngôn chính.

Liên hệ tới ông Phạm Minh Giáp, PV nhận được lời từ chối trả lời: “Tôi không có quyền phát ngôn, tôi sẽ báo cáo lên Uỷ ban”, sau đó bỏ đi.

Trao đổi qua điện thoại, ông Đoàn Văn Trọng - Chủ tịch UBND huyện Mê Linh khẳng định đã giao cho ông Giáp trả lời báo chí và đề nghị PV quay lại phòng Tài Nguyên và Môi Trường làm việc. Nhưng một lần nữa ông Giáp lại trốn tránh không trả lời.

Phải chăng, chỉ đạo của Chủ tịch huyện Mê Linh không có giá trị đối với ông lãnh đạo phòng TNMT huyện này nên không cần tuân theo? Việc ông Giáp cố tình "né" báo chí có điều gì ẩn khúc ở đây?

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Thanh Hân

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu