09:57 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Mang ánh sáng đến vùng cao, “gieo mầm” ước mơ tương lai

14:09 04/10/2017

(THPL) - Vượt đường xa, gập ghềnh với những con dốc dựng đứng, Nhóm từ thiện Cánh én cùng những kỹ sư Nhóm xã hội Kiến trúc Xanh 1516 đã mang ánh sáng điện đến với các giáo viên vùng cao.

Những ngày đầu tháng 10, khi tiết trời ở vùng cao bắt đầu chuyển lạnh, có dịp theo chân Nhóm từ thiện Cánh Én đi lắp điện lưới cho các điểm trường vùng cao và chứng kiến tận mắt cảnh sống của những giáo viên miệt mài bám bản, “gieo mầm” những ước mơ cho học sinh vùng cao, chúng tôi mới thấm thía nỗi nhọc nhằn, cơ cực của họ.

Khuất phía sau những ngọn núi là từng điểm trường mà thầy cô đang miệt mài “bám bản”.

Con đường gập ghềnh với những con dốc dựng đứng đưa chúng tôi đến với các bản Trà Phà và Nhìu Cù San, Sinh Cơ, Tung Quan Lìn, Mà Mù Sử 2, Sàng Ma Sáo, Nậm Pẻn 1, Nậm Pẻn 2, Ki Quan San.. - những điểm bản xa nhất thuộc xã vùng cao Sàng Ma Sáo. Đây là một xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Nơi đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, địa bàn rừng núi hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn nên đời sống của các thầy cô giáo cắm bản gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn.

Những trở ngại trong quá trình di chuyển là thường xuyên dù đi bằng ô tô, xe máy hay đi bộ.

Không điện lưới, thứ ánh sáng duy nhất ở đây mỗi khi trời nhập nhẹm tối là ánh nến hoặc ánh đèn dầu. Đó là những điều “rất bình thường” trong cuộc sống diễn ra hàng đêm của gần 50 giáo viên mầm non và tiểu học đang ngày đêm cắm bản ở xã vùng cao Sàng Ma Sáo mỗi khi ngồi soạn giáo án.

 Để vào tới điểm trường Sinh Cơ, cần đi bộ chừng 3 km vòng vèo qua các sườn núi.

Điểm chung về chỗ ở của thầy cô cắm bản tại các điểm trường là cơ sở vật chất chẳng có gì, hầu hết được dựng tạm bằng các tấm ván gỗ kết cùng tranh tre, nứa lá. Thầy cô chia sẻ vào mùa khô thì không sao nhưng vào mùa mưa gặp gió lớn thì tốc hết mái, còn vào mùa đông khi gió lạnh về thì đều phải nhờ dân bản gia cố bằng các tấm bạt dày để hạn chế gió lùa vào. Khổ nhất là mọi sinh hoạt nơi đây đều phải tự cung tự cấp là chính, do đường sá khó khăn, biệt lập với trung tâm xã.

Bếp ăn của điểm trường Nhìu Cồ San sau khi có ánh điện.

Có lên đây, ăn ở với dân, sống với các em học sinh mới thấu hết được những cảnh khổ của đồng bào các dân tộc vùng cao này. Cuộc sống bây giờ cũng đã được cải thiện nhiều hơn, nhưng trước đây nhiều thầy cô không chịu được cuộc sống khổ cực, dạy được một thời gian thì chuyển đi nơi khác, thậm chí có người còn bỏ cả nghề vì không sống được với vùng đất “cái gì cũng thiếu”, điện không, nước sinh hoạt không…

"Muốn có nước dùng phải đi vào tận suối trong núi cách trường 2 - 3km để gánh nước, tối đến muốn soạn giáo án phải dùng nến, dùng đèn dầu”, theo lời chia sẻ của cô giáo Pết ở điểm Trường Mầm non Tung Quan Lìn.

Sự tò mò và háo hức của các thầy cô, dân bản và cán bộ thôn khi nhìn các kỹ sư lắp điện tại điểm Trường Tiểu học Tung Quan Lìn.

Cứ như vậy, dù cuộc sống còn nhiều cơ cực song không làm giảm đi sự nhiệt huyết của các thầy cô giáo. Ngày qua ngày, những giáo viên cắm bản vẫn miệt mài gieo mầm kiến thức cho các em nhỏ vùng cao nơi đây.

Đồng hành cùng Nhóm từ thiện Cánh Én, ngoài chúng tôi còn có các kỹ sư lắp đặt thiết bị năng lượng mặt trời của Nhóm xã hội Kiến trúc Xanh 1516 tham gia vào hoạt động tình nguyện. Nhìn cái cách mà những người trẻ này cẩn thận lắp đặt thiết bị và kiểm tra từng chi tiết rồi tận tình hướng dẫn các thầy cô cách thức sử dụng và bảo quản thiết bị, chúng tôi chợt nghĩ đến câu nói: “Có những điều tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất phức tạp, có những điều bình dị nhưng lại chan chứa biết bao ý nghĩa, có những thứ đến và đi rất nhanh. Song có những thứ vẫn mãi hiện hữu trong tim mỗi chúng ta...".

Các cô giáo soi đèn điện thoại để các kỹ sư có thêm ánh sáng tại điểm Trường Mầm non Tung Quan Lìn.

"Đường xa đã đành, lại còn rất cheo leo. Nhiều con suối, dốc đồi đầy đất đá bây giờ đi qua nhiều bản rồi nên thành quen chứ như lúc vào mấy bản đầu tiên thấy sợ lắm. Khổ nhất là những bản trên cao như Trà Phà, Nhìu Cồ San lúc nào cũng sương mù bao phủ, thời tiết như trời mưa, đi không cẩn thận là bị trượt chân ngay. 

Thấy đường đi khó khăn, hiểm trở vậy đôi lúc cũng sợ và nản lòng, nhưng vì thầy cô mà nên phải cố gắng thôi. Với lại nhìn cuộc sống của các thầy cô ở đây thiệt thòi, khó khăn thiếu thốn nhiều vậy rồi mà việc nhỏ này mình không giúp được nữa thì tội lắm”, anh Cường - trưởng nhóm Kiến trúc Xanh 1516 tâm sự.

Các kỹ sư cố gắng lắp đặt để thêm một điểm trường có điện dùng trong đêm.

Vậy là thầy cô điểm bản ở Sàng Ma Sáo giờ đây đã có thể soạn giáo án dưới ánh điện sáng. Đây là một phần kết quả của chương trình từ thiện “Cánh Én Chở Ước Mơ” do Quỹ từ thiện Cánh Én (Công ty TNHH Thời trang Xuất Khẩu CAESA) tài trợ và thực hiện với mong muốn phần nào đó giúp thầy cô ở Sàng Ma Sáo khắc phục được khó khăn trong cuộc sống.

Kiểm tra lại độ sáng bóng đèn là công đoạn cuối cùng trước khi bàn giao tới các thầy cô.

Anh Khả Anh - đại diện Quỹ từ thiện Cánh Én chia sẻ: “Chia tay các thầy cô giáo - những người vẫn ngày đêm miệt mài bám bản, bám làng, nhìn mà chúng tôi thấy ấm lòng giữa cái rét đang hiện hữu ở miền sơn cước. Dẫu biết rằng, những tháng ngày phía trước, các thầy cô nơi đây vẫn cần mẫn, miệt mài ươm mầm ước mơ cho những trẻ nghèo vùng cao… Từ tâm mình, chúng tôi xin dành tặng món quà nhỏ này đến các thầy cô và hy vọng việc làm này sẽ góp phần tiếp thêm động lực đến các thầy cô, vượt lên những khó khăn hàng ngày để gieo con chữ cho các em học sinh, giảm bớt khó khăn trong quá trình dạy và học”.

Ánh điện đã thực sự về với điểm trường trong niềm vui của những người thực hiện.

Chia sẻ thêm về kế hoạch từ thiện trong thời gian tới, đại diện Quỹ Cánh Én cho biết: “Trong khoảng thời gian từ ngày 24/11 đến 26/11/2017, quỹ sẽ tổ chức chương trình “Cánh Én Chở Ước Mơ” trao tặng trực tiếp 1.400 chiếc áo ấm, chăn ấm ở độ tuổi học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở tại xã Sàng Ma Sáo và các phần quà nhu yếu phẩm, lương thực, thực phẩm, dụng cụ học tập cho đến với các học sinh vùng cao nơi đây".

Học sinh điểm trường Mà Mù Sử 2 tò mò khi thấy người lạ đến trường.

Được biết, trong khoảng thời gian chuẩn bị tổ chức chương trình, Quỹ từ thiện Cánh Én sẽ triển khai các hoạt động gây quỹ thông qua việc bán các sản phẩm từ thiện. Toàn bộ nguồn thu từ hoạt động gây quỹ này sẽ được kết chuyển về quỹ để chuẩn bị các hạng mục quà tặng. Đây là việc làm cộng đồng thiết thực mà Quỹ Cánh Én muốn sẻ chia và kết nối những tấm lòng nhân ái, hướng đến việc giúp đỡ những trẻ em vùng cao khi cái lạnh của mùa đông đang kéo về miền sơn cước.

Liên kết chương trình từ thiện “Cánh Én Chở Ước Mơ” 2017: https://www.facebook.com/events/765550266982563

Tâm An

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu