07:05 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Lào Cai: Giá rét kéo dài, chỉ trong vòng một ngày có 77 con gia súc chết

11:11 10/02/2018

(THPL) – Do ảnh hưởng của không khí lạnh trong thời gian qua, số lượng gia súc chết rét ở Lào Cai liên tục tăng. Trong ngày 9/2, đã có 77 con gia súc chết rét.

Theo báo Môi trường & Cuộc sống, tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai cho biết, mặc dù thời tiết đã ấm lên, nhưng do ảnh hưởng của tàn dư đợt rét đậm, rét hại dữ dội kéo dài tới 12 ngày. Một số địa phương vùng núi cao xuất hiện mưa tuyết, băng giá, khiến gia súc bị nhiễm lạnh nặng, khi nhiệt độ tăng dẫn đến đổ bệnh và chết liên tục.

20180112_092031-e1518232120448
Người dân thịt gia súc để bầy bán, hy vọng thu lại được ít vốn. Ảnh: báo Môi trường & Cuộc sống

Cụ thể, chỉ trong ngày 9/2, gia súc bị chết rét chủ yếu là trâu lên tới 77 con. Trong đó huyện Văn Bàn bị nhiều nhất 58 con, kế đến Sa Pa 15 con, Mường Khương 2 con. Thiệt hại ước tính khoảng 1.198 triệu đồng.

Lũy kế số gia súc bị chết từ đầu năm 2018 đến nay lên tới 932 con. Hiện gia súc ở Lào Cai vẫn tiếp tục bị chết nhưng số lượng đã giảm dần.    

Theo báo Lào Cai đưa tin, trước đó, đối với đàn vật nuôi, đặc biệt tại các địa phương vùng cao có khí hậu khắc nghiệt vào mùa đông như Sa Pa, Bát Xát, người dân đang ra sức bảo vệ cho đàn gia súc bằng nhiều biện pháp. Tại các xã Cốc San, Tòng Sành (Bát Xát), khu vực các xã hạ huyện như Thanh Phú, Nậm Sài (Sa Pa), không khó để gặp những gia đình đưa đàn trâu “di cư” về đây tránh rét. Ông Lồ A Lùng, thôn Sâu Chua, xã Sa Pả (Sa Pa) cùng gia đình đã đưa đàn trâu xuống xã Cốc San được khoảng 1 tuần nay cho biết: “Dù đã làm chuồng, che chắn cẩn thận nhưng có 2 con nghé sợ không chịu nổi vì trời lạnh quá. Chính vì thế tôi phải lùa chúng xuống vùng thấp, dựng lán, cắt cỏ cho trâu ăn, đợi hết rét lùa về”.

Cùng với đưa đàn trâu đi tránh rét, tại các xã vùng thấp, nhiều hộ chăn nuôi chủ động biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi như: Đốt lửa, đèn điện sưởi ấm, quây kín chuồng bằng ni lông, không chăn thả gia súc, “may áo” bằng chăn cũ, bao tải, bao ni lông để giữ ấm cho trâu, bò…

ret (2)
Người dân xã Sa Pả (Sa Pa) không chăn thả trâu vào những ngày giá rét. Ảnh: Báo Lào Cai

Ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân không gieo, trồng rau màu vào những ngày nhiệt độ thấp có sương muối hoặc băng giá; cây con trong vườn ươm cần làm giàn che sương (sáng sớm và chiều tối che lại trưa chiều hửng nắng thì mở ra). Cần chủ động chăm sóc, tăng cường bón phân hữu cơ hoai mục, lân, ka li, tro rơm rạ để cho cây tạo bộ rễ mới có sức chống chịu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt; tưới rửa sương cho cây vào buổi sáng sớm (khi xuất hiện sương muối và băng giá) để lá không bị táp; phun phòng bệnh bằng các loại thuốc như Daconil, Ridomil, Zineb… Tưới đủ nước, chăm sóc tốt cho cây rau màu. Tuyệt đối không bón đạm trong những ngày nhiệt độ thấp dưới 15 độ C.

Đối với mạ xuân, người dân không gieo mạ vào những ngày thời tiết rét đậm, rét hại, mưa tuyết (nhiệt độ thấp dưới 15 độ C).  Điều tiết nước khi xuất hiện gió đông bắc: Đưa nước vào ruộng mạ ngập 1/2 - 1/3 cây mạ, khi trời ấm tháo cạn nước phơi ruộng 2 - 3 ngày, sau đó đưa nước vào săm sắp mặt luống cho cây mạ sinh trưởng phát triển. Bón lót phân chuồng hoai mục, đạm, lân trước khi cấy và bón thúc sớm sau khi lúa hồi xanh với 1/3 tổng lượng đạm và ka li để lúa nhanh bén rễ hồi xanh và tăng sức chống chịu với điều kiện bất lợi (không bón thúc phân đạm cho lúa khi trời rét đậm, rét hại).

Đối với vật nuôi, người chăn nuôi cần chủ động dự trữ thức ăn tinh, thức ăn xanh để bổ sung cho đàn gia súc. Vỗ béo gia súc gầy yếu, xuất bán gia súc đến tuổi giết thịt, không nên nuôi lưu đàn quá lâu nhằm giảm bớt khó khăn cho việc phòng, chống đói, rét và hạn chế thiệt hại trong mùa đông. Tăng cường chế độ nuôi dưỡng, chăm sóc đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng đảm bảo sức khỏe cho gia súc để chống rét và dịch bệnh. Những gia súc già yếu, con non cần có chế độ chăm sóc hợp lý để tăng cường sức đề kháng với dịch bệnh, giá rét.

Khi có rét đậm, rét hại không chăn thả và bắt gia súc làm việc trước 9 giờ sáng và sau 4 giờ chiều. Những ngày nhiệt độ ngoài trời dưới 13 độ C cần nuôi nhốt, cho ăn tại chuồng, tuyệt đối không chăn thả gia súc hoặc bắt gia súc làm việc; cung cấp đủ lượng thức ăn thô xanh, tối thiểu cho mỗi con gia súc trưởng thành tối thiểu 5 kg rơm khô/ngày hoặc 20 kg thức ăn xanh/ngày; cho gia súc uống nước muối ấm; bổ sung thức ăn tinh, đối với gia súc non 0,5 kg/ngày, gia súc trưởng thành 1 - 1,5 kg/ngày (nên nấu cháo, cám cho gia súc ăn vào buổi sáng và chiều tối); đồng thời bổ sung các loại Vitamin để tăng sức đề kháng cho gia súc; dùng bạt hoặc chăn cũ để làm áo ấm cho gia súc. 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu