02:32 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Làng “đu dây” giữa lòng Hà Nội: Cần lắm một cây cầu

| 07:00 24/01/2017

(THPL) - Hàng chục năm qua, người dân hai bên bờ sông Nhuệ sang bên bờ làng bên để đi thăm hỏi, đi chợ mua sắm, giỗ chạp, chúc Tết… đều “đu dây” qua sông bằng con thuyền độc mộc, mục nát, có nguy cơ chìm giữa dòng bất cứ lúc nào.

Cách trung tâm Hà Nội hơn 25 km nhưng hàng chục năm qua, người dân hai bên bờ sông Nhuệ thuộc xã Cự Khê (huyện Thanh Oai – Hà Nội) và xã Tả Thanh Oai  (Thanh Trì – Hà Nội)  phải qua sông bằng cách “đu dây” cùng với những chiếc  thuyền mộc.  

Bằng cách vắt hai đầu dây thừng từ bờ bên này sang bờ bên kia, người lái thuyền không dùng mái chèo, mà đứng lên thuyền tay bám vào dây thừng đu thuyền đi theo sợi dây.  Phương tiện chính là những chiếc thuyền thô sơ được đóng bằng ván gỗ chắp vá, mỗi khi có khách, chủ thuyền bám vào dây thừng được buộc vào cọc nứa chôn dọc theo lòng sông để “đu thuyền” qua sông.

Lái thuyền bám tay vào dây thừng và đu thuyền để qua sông. 

Ông Phạm Văn Đại, một chủ thuyền kinh doanh bằng cách “đu dây” cùng thuyền đưa người dân qua sông cho biết: “Tùy vào số lượng người, mỗi lần qua sông sẽ đưa từ 3 -5 người, thậm chí cả xe đạp xe máy. Tôi cũng biết việc đu dây qua sông bằng thuyền cũ nát rất mạo hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ chìm thuyền giữa dòng, nhất là mùa nước sông đầy…

Ông Đại đã làm nghề "đu dây" đưa người qua sông cả chục năm qua, phần lớn khách hàng là người dân ở xã Mỹ Hưng, Cự Khê và một số vùng lân cận. Mỗi lần “đu dây” qua sông, ông Đại lấy tiền 2.000 – 5.000đồng/người.

Vào mùa nước nổi, đu dây cùng thuyền qua sông sẽ rất nguy hiểm. 

Chị Phạm Thị Liên, nhà ngay sát bến đò cho biết: "Chúng tôi mong mỏi có cây cầu lâu lắm rồi, nhưng giờ chưa có, phải bất chấp nguy hiểm để qua sông. Hiện cả tất cả các hộ dân quanh đây chỉ có duy nhất chiếc đò này để "vượt sông". Đây là đò dân sinh, tự người dân tạo ra nhưng lại là cách qua sông duy nhất ở đây".

Chị Vân ở xã Cự Khê, người thường xuyên vào khu vực nội thành buôn bán chia sẻ: "Biết qua sông kiểu này rất nguy hiểm nhưng vẫn phải lựa chọn đi thôi. Ngày nào tôi cũng phải qua đây ít nhất là 2 lần. Tôi đi chợ xã bên, nếu không qua đò chí ít cũng phải mất hơn 1 tiếng. Còn qua đò chỉ mất vỏn vẹn 5 phút".

Trước đây, mọi người qua sông thường đi bằng thuyền nhỏ có người chèo qua, nhưng khi đi kèm các phương tiện như xe đạp, xe máy, những người lái thuyền ở đây nghĩ ra cách đóng cọc cố định ở 2 bờ sông, rồi buộc dây vào đầu 2 cọc, cứ thế họ nắm vào dây và đưa thuyền chở người và phương tiện qua sông. Mỗi khi mùa mưa bão đến, người dân phải đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn đe dọa đến tính mạng. Nước lớn, đò lại mục nát nên rất dễ xảy ra tai nạn. 

Hơn ai hết, người dân nơi đây rất cần một cây cầu bê tông mới vững chãi nối đôi bờ sông Nhuệ. Những người dân quê lam lũ, già trẻ, lớn bé hàng ngày không còn phải đi chung con đò cũ kỹ với hiểm họa luôn rình rập như vậy. 

Nguyễn Hiếu

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu