22:52 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Lạm phát cơ bản 11 tháng tăng 0,82%

Phương Anh (tổng hợp) | 15:11 29/11/2021

(THPL) - Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2021, CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Lạm phát cơ bản 11 tháng tăng 0,82%.

Ngày 29/11, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2021.

Theo cơ quan thống kê, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới, các địa phương dần trở lại với trạng thái bình thường mới khiến giá hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng là các nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2021 tăng 0,32% so với tháng trước, tăng 2,1% so với cùng kỳ 2020.

Tính chung 11 tháng năm 2021, CPI tăng 1,84% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. 

Báo Người lao động đưa tin, tháng 11/2021, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá so với tháng trước, 2 nhóm giảm giá. Trong 9 nhóm hàng tăng giá, nhóm giao thông có mức tăng so với tháng trước cao nhất với 3,11% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh tăng giá xăng, dầu.

CPI 11 tháng tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016. Ảnh minh họa

Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,46%, trong đó giá điện sinh hoạt tăng 1,04% so với tháng trước do một số địa phương đã kết thúc thời gian được Chính phủ hỗ trợ giá trên hóa đơn tiền điện; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,94% do nhu cầu xây dựng tăng trở lại sau thời gian tạm dừng và giá nguyên liệu đầu vào tăng.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng trở lại trong bối cảnh bình thường mới cùng với chi phí vận chuyển tăng làm cho nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 11/2021 tăng 0,33% so với tháng trước...

Trong 2 nhóm hàng giảm giá, nhóm giáo dục tháng 11 giảm 0,92% so với tháng trước, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 1,06% do một số địa phương thực hiện miễn, giảm học phí năm học 2021-2022. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,17% so với tháng trước do nguồn cung dồi dào khiến giá thịt gia súc, gia cầm, thịt chế biến và thủy sản tươi sống lần lượt giảm 4,04%; 0,34%;1,55% và 0,16%.

Theo báo Tin tức, bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI 11 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước như: giá các mặt hàng thực phẩm 11 tháng giảm 0,52% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 11/2021 tăng 0,11% so với tháng trước, tăng 0,58% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,82% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,84%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 11/2021 và 11 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.

Nhận định về CPI tháng cuối năm, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê dự báo, tháng cuối năm, nhu cầu tiêu dùng cho các ngày lễ tết; giá xăng dầu và giá gas thế giới tiếp tục có xu hướng tăng; chi phí vận chuyển, giá gạo và thực phẩm có thể tăng nhẹ.

Cuối năm, các trường học tại nhiều địa phương bắt đầu đón học sinh đến trường; hộ gia đình tranh thủ sửa chữa, tân trang nhà cửa nên giá vật liệu xây dựng cũng tăng. Với các yếu tố đó, CPI tháng 12 sẽ tăng nhẹ, cao hơn mức tăng của tháng 11. Dự báo CPI bình quân cả năm 2021 tăng khoảng 2% thấp hơn rất nhiều mục tiêu 4% đã đặt ra.

Phương Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu