13:11 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Kon Tum: Đổ xô đi bắt “bọ lạ”, nhiều trẻ em bị phỏng, rộp da

18:26 01/09/2019

(THPL)- Trong những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh Kon Tum xuất hiện tình trạng người dân đổ xô đi bắt con bọ ba sọc (hay còn gọi là sâu ban miêu) để bán cho các thương lái ngoại tỉnh. Tuy nhiên, lợi ích kinh tế thì chưa thấy đâu nhưng đã có trường hợp trẻ em bị phỏng loét, rộp da do tiếp xúc với loài côn trùng này.

Qua tìm hiểu của phóng viên Thương hiệu và Pháp luật, bọ cánh cứng hay còn gọi là sâu đậu, bọ ban miêu. Loại sâu này thường phá hoại đậu, bí, lúa nhưng số lượng không nhiều. Bên cạnh đó, chúng cũng có công dụng làm thuốc rộp da để gây mụn dẫn độc hoặc làm thuốc chữa bệnh.

Thời gian qua, sau khi nghe được thông tin, thương lái từ khắp nơi đổ xô thu mua bọ cánh cứng với giá cao, từ 700.000 đồng đến 1.300.000 đồng/kg. Người dân trên địa bàn các huyện ĐăK Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Đăk Glei (tỉnh Kon Tum) đã đổ xổ đi bắt, trong đó có trẻ em. Tuy nhiên, lợi nhuận thì chưa thấy đâu nhưng đã có trường hợp trẻ em bị phỏng loét, rộp da do tiếp xúc với loài côn trùng này.

Loài sâu ban miêu.

Ngày 20/8, em A Thông (10 tuổi), trú tại thôn Đăk Gía II, xã Đăk Ang, huyện Ngọc Hồi cùng 2 em khác đi vào rẫy lúa trong làng tìm bắt bọ ban miêu và bán được 10.000 đồng để chia nhau. Đến tối về A Thông kêu nóng, rát ở quanh cổ và miệng nên gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa Khoa khu vực Ngọc Hồi.

Bác sĩ Lê Thị Mỹ- Phó Trưởng khoa Nội – Nhi, bệnh viện Đa Khoa khu vực Ngọc Hồi cho biết: "Bệnh nhân A Thông nhập viện trong tình trạng vùng cổ bỏng rát nhiều, đau vùng mặt và chảy rát vùng mặt".

“Khi tiếp nhận bệnh nhân A Thông, thì tôi đã chỉ đạo cho các y bác sĩ bắt đầu xử lý, rửa vết thương, bôi dầu u để làm dịu cho cháu, sau đó trấn an tinh thần và dùng thêm kháng sinh để dự phòng bệnh nhiễm”, bác sĩ Mỹ cho biết thêm.

Một cháu nhỏ bị bỏng, rộp đa do tiếp xúc sâu ban miêu.

Mới đây nhất, tối 28/8, em Thao Phụng (9 tuổi) trú ở thôn Lêk, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi cùng với đám bạn đi bắt bọ ban miêu về bán được 50.000đ. Đến sáng, gia đình phát hiện trên người em đầy vết bỏng, lở loét phần da từ cổ trở lên, kể cả tai, mũi miệng nên gia đình đã đưa em vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế xã Bờ Y.

Theo bác sĩ Lê Vũ Thức- Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum, loài sâu ban miêu có độc tố cantharidin rất nguy hiểm. Nếu trường hợp con người tiếp xúc lên da, lên mặt có thể gây tổn thương da, gây bỏng mắt. Trong trường hợp bắt trực tiếp bằng tay có thể gây bỏng rộp da tổn thương rất nặng nề. Trong trường hợp mà ở bao đựng số lượng nhiều sâu ban miêu thì khi hít vào thì có thể tổn thương ở phổi. Nếu trường hợp nuốt độc tố vào đường tiêu hóa thì có thể gây suy đa tạng, suy gan, suy thận và có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.

“Sau khi tiếp xúc với loài sâu này thì nên rửa bằng nước sạch, hoặc nước muối. Nếu chất đó bắn vào mắt thì dùng nước muối nhỏ mắt, sau đó đến các cơ sở y tế gần nhất để theo dõi và điều trị kịp thời”, bác sĩ Thức cho hay.

Hàn Hưng- Hoàng Lộc

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu