07:21 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế

| 15:30 12/12/2017

(THPL) - Trong mọi thời kỳ, Đảng luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế tư nhân trong chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần.

Quan điểm đó được thể hiện trong các văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) là một bước tiến mới, tạo động lực thúc đẩy phát triển khu vực này và toàn bộ nền kinh tế.

KTTN và sự phát triển vượt bậc cả chất và lượng

Hiện nay, lĩnh vực KTTN đã tạo việc làm cho trên 85% lao động của nền kinh tế. Tỷ trọng đóng góp GDP của KTTN thời gian qua luôn lớn nhất so với các thành phần kinh tế khác và duy trì ổn định ở mức 39 - 40%. Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, số lượng doanh nghiệp của tư nhân tăng nhanh với nhiều loại hình đa dạng, phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh. 

kinh tế tư nhân
Hiện nay, lĩnh vực KTTN đã tạo việc làm cho trên 85% lao động của nền kinh tế.

Ông Tô Hoài Nam, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cho biết: “Ở nước ta, KTTN có tốc độ phát triển nhanh hơn các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế, chiếm tỉ trọng cao trong GDP cả nước. Nếu như năm 2002 chiếm 27%, năm 2010 chiếm 42,96%, thì đến năm 2015 chiếm 43,22% GDP cả nước. Cùng với đó, 30% giá trị tổng sản lượng công nghiệp, gần 80% tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ, 64% tổng lượng hàng hóa và 100% giá trị sản lượng hàng hóa vận chuyển là từ khu vực KTTN.

Chủ trương phát triển KTTN của Đảng và Nhà Nước

Quan điểm về phát triển KTTN đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời nêu trong tác phẩm “Thưởng thức chính trị” (9/1953). Người đã đề cập đến sự tồn tại của các loại hình kinh tế khác nhau, trong đó có KTTN: “Những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghiệp, đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà”.

kinh tế
Ở nước ta, KTTN có tốc độ phát triển nhanh hơn các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế

Từ năm 1954 đến trước năm 1986, KTTN vẫn tồn tại nhưng không có một quá trình xuyên suốt. Bắt đầu từ Đại hội VI (1986) của Đảng, nền kinh tế nhiều thành phần được thừa nhận chính thức trong văn kiện Đảng. Theo đó, trong đường lối kinh tế, Đảng đã đề ra chính sách kinh tế nhiều thành phần, “coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ”.

Trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị khóa VI (15/7/1988) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VI, Đảng ta đã khẳng định: KTTN được phát triển không hạn chế địa bàn, quy mô, ngành nghề mà pháp luật không cấm. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (tháng 3/2002) tiếp tục xác định: KTTN là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, phát triển KTTN là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao nội lực của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế.

Tại Đại hội X (4/2006) của Đảng, KTTN chính thức được xác nhận là một thành phần kinh tế trên cơ sở hợp nhất hai thành phần: Cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân: “KTTN có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”. Trong Nghị quyết Đại hội XI năm 2011 của Đảng đã chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh KTTN trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”. 

Đặc biệt, qua tổng kết 30 năm đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn quan tâm phát triển và coi trọng các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Văn kiện Đại hội XII (2016) của Đảng nhấn mạnh: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh KTTN ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”. Cụ thể hóa quan điểm của Đại hội XII của Đảng, Hội nghị Trung ương IV khóa XII (2016) tiếp tục xác định rõ việc phát triển mạnh khu vực KTTN trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. 

thành phần kinh tế
Qua tổng kết 30 năm đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn quan tâm phát triển và coi trọng các thành phần kinh tế, trong đó có KTTN.

Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”, lần đầu tiên Đảng ta đưa ra khái niệm mới, cụ thể, đầy đủ về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: “Nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. 

Có thể nói rằng, nội dung trọng tâm của các nghị quyết về KTTN là những định hướng lớn, mang tính đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần cổ vũ động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy sức mạnh toàn dân tộc, phấn đấu sớm đưa nước ta thành nước công nghiệp hiện đại. 

Trong những năm qua, Chính phủ thông qua việc ban hành các chủ trương, chính sách xây dựng khung pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn, bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp tư nhân phát triển. Những nỗ lực này đã thực sự góp phần quan trọng tạo nên những bước tiến mới trong cải cách môi trường kinh doanh. Bên cạnh đó, nhận thức về KTTN đã có sự chuyển biến, vai trò của KTTN trong phát triển kinh tế - xã hội ngày càng được coi trọng.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu