11:44 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Kinh tế phục hồi, bức tranh sản xuất công nghiệp khởi sắc

14:01 20/07/2022

(THPL) – Trong 6 tháng đầu năm, nhiều nhóm ngành sản xuất có sự hồi phục nhanh như nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã cơ bản nối lại được các chuỗi cung ứng, cả sản lượng và số lượng đơn hàng mới đều tăng; ngành điện đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân.

Theo Bộ Công Thương, tiếp tục thực hiện Nghị quyết 128/2021 của Chính phủ về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” tình hình sản xuất công nghiệp trong nước đã có những bước hồi phục mạnh mẽ, từng bước khắc phục và nối lại được các chuỗi cung ứng trong các nhóm ngành công nghiệp. Điều này đã tạo giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,48%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của nền kinh tế (tăng 6,42%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (6 tháng 2021 tăng 5,74%).

Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%. Trong phạm vi cả nước, có tới 61/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng và nhiều địa phương tăng ở mức rất cao.

Cụ thể, địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng cao là: Bắc Giang tăng 48,9%; Quảng Nam tăng 25,4%; Hà Giang tăng 23%; Bình Phước tăng 23,7%; Sơn La tăng 14,4%; Đắk Lắk tăng 10%; Bắc Ninh tăng 19,8%; Bạc Liêu tăng 8,9%.

Riêng Kon Tum, IIP ngành chế biến, chế tạo giảm 7,4% nhưng sản xuất điện (chiếm quyền số 54,5% trong toàn ngành công nghiệp) tăng 38,7% đã góp phần làm IIP tăng 20,6%.

Chính nhờ sự phục hồi mạnh mẽ, chỉ số sản xuất công nghiệp của những địa phương này đều nằm trong top những địa phương có tốc độ chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao nhất cả nước. Trong đó, Bắc Giang là địa phương có tốc độ tăng sản xuất công nghiệp cao nhất cả nước (48,9%). Theo sau là Lai Châu, Quảng Nam, Hà Giang, Bình Phước, với tốc độ tăng IIP lần lượt đạt 45,4%, 25%, 23,9% và 22,1%.

Kinh tế phục hồi, bức tranh sản xuất công nghiệp khởi sắc. Ảnh minh họa

Báo Công thương đưa tin, ở chiều ngược lại, hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chưa lấy lại đà tăng trưởng cao như thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh khiến chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương tăng thấp.

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp của một số ngành giảm: Sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 10,9%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 8,5%; thoát nước và xử lý nước thải giảm 2%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế giảm 1,4%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 1,2%.

Cụ thể, những địa phương có chỉ số sản xuất của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng đầu năm 2022 so với cùng kỳ năm trước tăng thấp là: Tiền Giang và Long An cùng tăng 5,7%; Bắc Kạn tăng 3,8%; Đà Nẵng tăng 3,3%; TP. Hồ Chí Minh tăng 2,6%; Ninh Bình tăng 1,7%; Hà Tĩnh tăng 0,3%; Trà Vinh tăng 4,9%.

Riêng tỉnh Bình Thuận ngành chế biến, chế tạo tăng 13,7% nhưng sản xuất điện (chiếm quyền số 59,8% trong toàn ngành công nghiệp) giảm 1,1% làm chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm 2022 chỉ tăng 2,1%.

Theo TTXVN đưa tin, từ nay đến cuối năm Bộ Công Thương sẽ tập trung vào 6 giải pháp trọng tâm như thực hiện đồng bộ, hiệu quả và hoàn thành có chất lượng các nhiệm vụ được giao tại Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của ngành, các dự án sửa đổi, bổ sung các Luật và các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành…

Để tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các địa phương phối hợp với Bộ Công Thương nhằm đẩy mạnh sản xuất, nhất là các nguyên, nhiên, vật liệu đầu vào, kiểm soát nhập khẩu và chủ động nguồn cung trong nước thay thế cho nguồn nhập khẩu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương ưu tiên cao cho các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định cung cầu, giá cả. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong điều hành giá kiểm soát giá cả hàng hóa đầu vào, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngăn chặn các hoạt động găm hàng, đầu cơ, thao túng giá.

Đặc biệt, hỗ trợ doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA đã ký kết và thông qua các chuỗi giá trị toàn cầu để tìm kiếm thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để tạo ra sản phẩm mới.

Mặt khác, ổn định mô hình tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện hiệu quả Nghị định thay thế Nghị định 98/2017/NĐ-CP ngày 28/8/2017 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương; hoàn thành việc xây dựng chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ…

Cuối cùng, Bộ Công Thương sẽ tăng cường kỷ luật, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; chủ động phối hợp xử lý công việc gắn với ứng dụng công nghệ thông tin tạo chuyển biến trong toàn hệ thống.

Minh Đức (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu