03:13 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Kiến tạo Thương hiệu Việt: Vướng ngay từ “Cái dây buộc cua”

| 19:00 22/02/2017

(THPL) - Một tài khoản mạng xã hội đưa lên hình ảnh một đĩa cua và một đĩa dây nằm cạnh nhau trên bàn ăn nhà hàng thì mọi người bức xúc. Ai cũng thấy đó là vô lý, đó là lường gạt trắng trợn khách hàng, nhưng khi bàn giải pháp thì "chín người mười ý". Dưới đây là những nhận định mang tính cá nhân của một người tiêu dùng, Thương hiệu & Pháp luật đăng tải để quý độc giả tham khảo.

Từ một dĩa cua một dĩa dây

Có người cho rằng mớ dây cua đó nằm trong giá thành và khái niệm hàng hóa con cua bao gồm cả mớ dây to đùng đó: Bạn ra chợ mua con gà sống. Bà bán đặt lên cân 1.2kg. Bạn trả tiền, dù bạn biết trog 1.2kg đó có cả lông gà, xương gà và cả...phân gà.

Lại có ý kiến rằng mớ dây đó đương nhiên phải có vì nó giữ độ ẩm duy trì tươi sống cho con cua, khách hàng phải chấp nhận thôi: và đây không phải là ý kiến thương lái hoặc người bán cua mà là của một vị luật sư. Tôi có góc nhìn khác:

Cua cần nước để sống mà không ngâm trong nước nên dây cột cua bự giữ nước là 1 giải pháp.

Người bán cua và người mua tự do mua bán. Đơn giá tổng cả bì hoặc trừ bì tuỳ thói quen.

Người mua dễ bị hấp dẫn bởi giá rẻ rồi mặc định giá đó chỉ là cua mà thôi nên cho rằng mình bị lừa. Nếu không tính dây, giá sẽ gấp đôi.

Niêm yết giá là một chiêu marketing. Ví dụ 29,99/rẻ hơn đáng kể 30; 15.000 1/2 (ghi nhỏ) có vẻ rẻ hơn 30.000/kg. Khi đã dừng xe lại, không nỡ nào chạy đi.

Câu chuyện con cua buộc sợi dây to khiến nhiều người tranh cãi

Vấn đề này hoàn toàn khoa học, marketing và tâm lý mua bán, không có gì ép buộc ở đây cả. Hãy chấp nhận cuộc chơi theo thói quen.

Cương quyết hơn, một bạn nói cần thiết thì tẩy chay cua cột dây, người bán sẽ sợ từ từ sẽ bỏ hình thức gian dối này: Tôi nghĩ nếu anh không thích thì không mua. Nếu tất cả không biết từ chối loại kinh doanh như vậy thì người bán sẽ phải thay đổi theo thị hiếu người mua thôi. Nền kinh tế thị trường, nghĩ đơn giản là vậy. Cua được bán theo 2 loại, dây một đống và 1 sợi dây. Sao cứ phải chọn mua loại 1 đống dây rồi lại than ôi...

Hồi đáp ý kiến này, cô Nickie Tran, chủ một nhà hàng đắt khách ở TPHCM nói: Tôi đã nhiều lần thương lượng với lái cua. Trả thêm tiền để họ giảm dây. Được vài lần họ chêm dây tiếp. Rốt cuộc là giá họ mua cua tại vuông gần bằng giá họ bán ra thị trường nên tiền lời của họ chính là tiền dây. Quy ngược ra tâm lý số đông thì nghe giá cua thực tế không dây vẫn thấy mắc, nên chấp nhận mua luôn dây để nghĩ rằng nó rẻ.  

Chỉ là mớ dây cột cua thôi mà ý kiến đã đa chiều như vậy, nó cũng rối rắm như là việc dẹp bỏ thói quen xấu này trong mua bán kinh doanh. Cách đây hơn 10 năm báo chí đã nêu vấn đề này và đề nghị cơ quan chức năng có hình thức xử lý nhưng thương lái, nhà hàng, quán ăn …tháo dây một thời gian rồi lại cột thêm cả mớ.

Tôi có tham gia ngành hàng ăn uống và thủy hải sản gần 30 năm nên biết rằng các nước không nơi nào có chùm dây cột cua như ta. Đối với hàng hải sản có càng, như tôm , cua…chỉ có một đoạn dây thật nhỏ cột lại cho an toàn, không có khái niệm giữ ẩm.

Và thật ra, khách hàng cũng có thái độ phản ứng khôn ngoan là “một đi không trở lại” với những nhà hàng quán ăn “nùi dây” và những nơi kinh doanh khôn ngoan cũng biết là phải tháo bỏ nùi dây đó mới có khách hàng. Đơn cử như hệ thống nhà hàng Phong cua và Biển Đông, con cua không dây hoặc chỉ buộc bằng 1 đoạn dây ngắn và nhỏ.

Tôi cũng chứng kiến nhiều bạn bè mở nhà hàng đã phá sản vì khách hàng bỏ đi từ chuyện nùi dây trong con cua hoặc dùng chiêu trò để tăng trọng tôm (bơm tạp chất), làm tăng cân gà, chim, bồ câu…

Vẫn là câu chuyện tham bát bỏ mâm trong kinh doanh và xây dựng thương hiệu.

Đến chuyện Thủ Tướng lo lắng việc xây dựng thương hiệu cho con tôm Việt

Tại hội nghị phát triển ngành tôm tổ chức tại Cà Mau, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng Chính phủ tuyên chiến với việc bơm tạp chất vào tôm, vốn là hành vi làm giảm thương hiệu tôm Việt Nam.

“Tôi nhắc nhở khâu trung gian, các anh làm gì cũng nghĩ sâu xa, vì cái chung, không được có tư tưởng “ăn bát bỏ mâm” vì lợi ích nào đó. Chính phủ nghiêm khắc xử lý những khâu trung gian, những cá nhân vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng môi trường sản xuất tôm VN, mất uy tín thương hiệu tôm VN” - Thủ tướng tuyên bố.

Chúng ta hình dung thế này mới thấy đầy đủ bản chất vấn đề, thương lái và các khâu trung gian, nói rộng hơn là những người làm ăn ở Việt Nam, từ tư duy hám lợi trong đầu mới nghĩ ra và hành động bơm tạp chất vào tôm.

Tôm hùm bơm tạp chất, tưởng "chuyện vặt" mà hoàn toàn không nhỏ

Một nhà báo nói tư tưởng hám lợi chính là “tạp chất” trong đầu: "Để tạo được chỗ đứng vững chắc cho con tôm trên thị trường quốc tế, cả Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp sản xuất và chế biến, người nuôi tôm phải đồng hành, nhất quán từng chủ trương, hành động. Xây được hình ảnh tốt đẹp đã khó, bảo vệ được nó về lâu về dài càng khó hơn. Cả nước chung tay tạo dựng, nhưng chỉ cần vài kẻ phá hoại là có thể phá hủy cả sự nghiệp. Người xưa nói, ngọn khói nhỏ có thể gây đám cháy, lỗ mối cỏn con có thể làm vỡ đê. Việc bơm tạp chất vào con tôm tưởng nhỏ, tưởng vặt mà lại hoàn toàn không nhỏ. Nó là thứ chất cường toan cực kỳ nguy hiểm, ăn mòn, phá nát lợi ích của cả cộng đồng. Những gian thương bơm tạp chất vào tôm để trục lợi bất chính thừa hiểu điều ấy nhưng chúng cứ làm. Đồng tiền bẩn thỉu đã làm chúng tối mắt. Tạp chất thực ra không phải chỉ ở trong con tôm mà tạp chất chứa đầy trong đầu chúng” .

Mọi biện pháp thanh kiểm tra chỉ có thể có hiệu quả khi thanh tẩy ngay chính đầu óc của một bộ phận người Việt làm ăn theo kiểu “tham bát bỏ mâm”. Nói rộng hơn ở bình diện quản trị xã hội chính là tư duy lợi ích cục bộ.

Bạn muốn xây dựng thương hiệu lâu dài hay lại “tham bát bỏ mâm” ?

Hoàng Linh

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu