05:25 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Khuất tất tại gói thầu xây dựng đường 457 ở Thái Bình: UBND H.Kiến Xương cố tình đánh tráo khái niệm trong đấu thầu?

| 14:42 12/05/2017

(THPL) - Ngoài việc hạ thấp các tiêu chí trong hồ sơ mời thầu xây dựng đường mới ĐT 457 (đường 222 cũ) đoạn từ cầu Trà Giang đi xã Bình Minh, Uỷ ban nhân dân (UBND) huyện Kiến Xương còn đang tự ý “sáng tạo” ra những quy định, khái niệm mới về pháp luật đấu thầu trái ngược hẳn với các quy định hướng dẫn của pháp luật hiện hành!?

Như Thương hiệu & Pháp luật đã thông tin,gói thầu số 05 xây dựng Đường ĐT 457 (đường 222 cũ) đoạn từ cầu Trà Giang đi xã Bình Minh, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình (Giai đoạn 1: từ Km7+060 đến Km 11+363) do UBND huyện Kiến Xương làm chủ đầu tư có trị giá hơn 51,4 tỷ đồng.

Ngay khi gói thầu được mở và thông báo kết quả Công ty TNHH Công ty TNHH Thuận Duy (địa chỉ: khu Tiền Tuyến, thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) là đơn vị trúng thầu xây lắp được công bố, dư luận đã dấy lên hàng loạt những nghi vấn khuất tất lên quan đến hồ sơ mời thầu, cùng những dấu hiệu “thông thầu” tại gói thầu sử dụng nguồn vốn ngân sách này.

Ngày 28/4/2017, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Ca đã có công văn số 1600/UBND-CTXDGT chỉ đạo UBND huyện Kiến Xương kiểm tra, làm rõ sự việc báo chí phản ánh.

Ngày 8/5, ông Đặng Văn Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Kiến Xương kiêm Trưởng Ban Quản lý dự án đã có Báo cáo số 52/BC-UBND gửi UBND tỉnh Thái Bình. Nội dung báo cáo khẳng định các tiêu chí trong hồ sơ mời thầu đều tuân thủ đúng các quy định pháp luật. 

Trụ sở Huyện ủy - HĐND - UBND huyện Kiến Xương. 

Nhưng khi tìm hiểu nội dung trong báo cáo này, chúng tôi nhận thấy dường như vị đại diện cho chủ đầu tư đang muốn đứng trên các quy định của pháp luật về đấu thầu, có dụng ý lập lờ đánh tráo các khái niệm thuật ngữ chuyên ngành, cố tình lèo lái cái sai để thành cái đúng nhưng lại hoàn toàn trái với quy định tại Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT(Thông tư 03) ngày 6/5/2015 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu xây lắp.

Về tiêu chí đánh giá năng lực tài chính trong hồ sơ mời thầu, Thông tư 03 quy định doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng tối thiểu = Giá trị gói thầu x hệ số K; đối với thời gian thực hiện hợp đồng dưới 1 năm thông thường hệ số K = 1,5.

Như vậy, nếu áp dụng đúng quy định trên thì doanh thu bình quân tại gói thầu này sẽ phải là hơn 77 tỷ đồng (Lấy Giá trị gói thầu là 51.402.242.000đồng x Hệ số K 1,5) chứ không phải là 45 tỷ như trong hồ sơ mời thầu đưa ra.

Và để “hợp thức hóa” cho mức doanh thu thấp hơn quy định này, phía chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu cùng “bắt tay nhau” đưa ra một cách tính không giống ai, đó là: Doanh thu bình quân hàng năm từ hoạt động xây dựng tối thiểu = Chi phí xây lắp x Hệ số K. Và hệ số K ở đây được tính bằng 1 thay vì 1,5 như quy định thông thường.

Ở đây có thể khẳng định, việc lấy Chi phí xây lắp (trị giá 44.086.334.000 đồng) làm cơ sở tính doanh thu hàng năm là hoàn toàn sai so với quy định. Bởi lẽ, Chi phí xây lắp chỉ là một phần để làm lên Giá trị gói thầu. Còn Giá trị gói thầu thì luôn bao gồm các chi phí như sau: Chi phí hạng mục chung; Chi phí dự phòng và Chi phí xây lắp.

Lý giải cho cách làm “khác thường” dùng hệ số K =1, ông Đặng Văn Tính cho rằng: “Đơn vị tư vấn đề xuất tính toán hệ số K = 1 để tạo điều kiện cho nhà thầu có thể tham gia, đảm bảo tính cạnh tranh và hiệu quả kinh tế trong đấu thầu”.

Nếu "nhã ý" của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu hoàn toàn khách quan và cao thượng trong cách dùng hệ số K thấp như trên, thì tại sao không áp dụng đúng quy định lấy Giá trị gói thầu x hệ số K =1 mà lại chỉ lấy riêng mình Chi phí xây lắp để nhân hệ số K? 

Điều này cũng không quá khó để lý giải, khi mà doanh thu bình quân trong 3 năm của Công ty TNHH Thuận Duy chỉ đạt hơn 46,5 tỷ đồng. Nếu lấy Giá trị gói thầu là 51.402.242.000 đồng x Hệ số K bằng 1, thì đơn vị trúng thầu - Công ty TNHH Thuận Duy cũng không thể đáp ứng nổi doanh thu xây lắp theo yêu cầu hơn 51 tỷ đồng.

Được biết, ngay sau khi tiếp nhận Báo cáo số 52 của UBND huyện Kiến Xương, ngày 10/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Ca đã có văn bản số 1711/UBND-CTXDGT giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện thanh tra việc lựa chọn nhà thầu tại gói thầu xây lắp công trình đường ĐT 457 đoạn từ cầu Trà Giang đi xã Bình Minh, huyện Kiến Xương theo quy định của Luật Đấu thầu. 

 Công văn số 1711/UBND-CTXDGT của UBND tỉnh Thái Bình.

Được biết, công văn của UBND huyện Kiến Xương chỉ báo cáo UBND tỉnh 3 nội dung, trong khi dư luận và các cơ quan báo chí đặt nhiều nghi vấn mà chưa có lời giải như: Có hay không việc phê duyệt chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân huyện theo quy định tại điểm B khoản 5 Điều 17 Luật Đầu tư công 2014  hay chỉ là "màn độc diễn" của UBND huyện Kiến Xương? Dự án này thiếu sự phê duyệt thiết kế bản vẽ của Sở chuyên ngành (ở đây là Sở Giao thông) đối với công trình lập Dự án trên 15 tỷ đồng theo quy định tại Quyết định 07/2016/QĐ-UBND ngày 21/7/2016 của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình? Trưởng ban quản lý dự án không đủ tiêu chuẩn vì thiếu chứng chỉ quản lý dự án theo quy định tại Điều 54 Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng? Có hay không "lợi ích nhóm" khi từ 2010 đến nay hầu hết các công trình xây lắp có giá trị lớn tại huyện Kiến Xương đều rơi vào tay doanh nghiệp Thuận Duy?

Đề nghị UBND tỉnh Thái Bình cùng các cơ quan chức năng tiến hành thanh tra toàn diện các dự án xây lắp liên quan đến doanh nghiệp Thuận Duy trên địa bàn huyện Kiến Xương để làm trong sạch môi trường đấu thầu, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

>>> Thái Bình: Màn kịch múa "quân xanh, quân đỏ" đấu thầu của Công ty Thuận Duy quá lộ liễu!

>>> Gói thầu đường giao thông ĐT 457 ở Thái Bình: Nghi vấn tư vấn thầu “bắt tay” đơn vị trúng thầu?

Nhóm PVĐT

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu