19:01 ngày 27/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Khám phá dinh thự “vua Mèo" ở Đồng Văn - Hà Giang

06:24 20/07/2017

(THPL) - Theo các nguồn tư liệu của tỉnh Hà Giang, khu di tích lịch sử dinh thự nhà Vương được xây dựng khoảng đầu năm 1920, hoàn thành 8 năm sau đó với quy mô 4 tòa ngang, 6 tòa dọc, đều làm 2 lầu với tổng số 64 phòng. Việc xây dựng nên dinh thự này thời ấy đã tiêu tốn của "vua Mèo" Vương Chính Đức 150 nghìn đồng bạc trắng Đông Dương.

Về vị trí, khu di tích lịch sử nhà Vương thuộc địa phận xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn), nằm gần Quốc lộ 4C, cách tỉnh lỵ Hà Giang 131 km và cách trung tâm huyện lỵ Đồng Văn 13 km. 

Nhìn từ QL 4C, toàn bộ khu dinh thự nhà Vương nằm trên một quả đồi hình mai rùa và khuất lấp dưới tán những cây sa mộc.

Theo sử sách ghi lại, cách đây một thế kỷ, dòng họ Vương thống lĩnh toàn bộ vùng cao nguyên rộng lớn Đồng Văn và tự xưng vương. Bà con dân tộc Mông thường gọi là "vua Mèo". Để khẳng định vai trò và uy quyền của mình, "vua Mèo" Vương Chính Đức đã kỳ công đi khắp đó đây tìm thầy, tìm thợ về xây nhà.

Con đường độc đạo dẫn vào khu di tích nhìn từ hướng Bắc.

Những người thầy địa lý Trung Hoa đến từ tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) cùng với những tốp thợ giỏi nhất của người Mông đã xây nhà cho "vua Mèo". Dinh thự nhà Vương được xây dựng không kể ngày đêm và thi công liên tục trong vòng 8 năm mới xong, dinh thự được xây dựng trên một khu đất đẹp, với diện tích 1.120 m2.

Toàn bộ dinh thự có hình mai rùa vững chắc cùng với những hàng cây sa mộc vươn cao tạo cho khu di tích lịch sử những nét độc đáo riêng biệt.

Bậc dẫn vào cổng chính dinh thự được lát bằng đá đục đẽo nguyên khối.

Tổng thể công trình kiến trúc có hình chữ "Vương", được bao bọc bởi hai vòng tường thành xây bằng đá hộc. Cả hai vòng thành đều có lỗ châu mai và những bốt canh để lính canh gác ngày đêm. Giữa hai vòng thành là một dãy đất rộng khoảng 50 - 60m trồng toàn trúc. Dinh thự là tổng thể các ngôi nhà sàn, ngôi nhà chính quay mặt ra cổng thành, các ngôi nhà phụ song song nhau và vuông góc với ngôi nhà chính.

 Lối chính vào nhà được bố trí theo trục đường thẳng, vì vậy có thể phóng tầm mắt nhìn thông từ gian tiền đến gian hậu.

Toàn bộ cột, kèo, sàn, vách, mái của dinh thự đều được làm bằng gỗ quý. Nét đặc trưng của kiến trúc Trung Hoa và người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn thể hiện ở những bờ rào đá.

Nét độc đáo của ngôi nhà chính là các phiến đá nhỏ được kè chặt khít với nhau không cần chất kết dính, dày khoảng 50cm và xếp vòng tròn, tạo thành khuôn viên riêng biệt cho dòng họ Vương.

Một số hình ảnh về dinh thự "vua Mèo":

Mái các ngôi nhà được lợp ngói âm dương, trang trí hoa văn chữ "Thọ" đầy cổ kính, huyền bí.
Sự giao thoa kiến trúc Trung Hoa và người Mông trên Cao nguyên đá Đồng Văn được thể hiện rõ trên từng nếp ngói và lan can.
Ang nước bằng đá mà "vua Mèo" thường dùng để tắm sữa dê.
Trong mỗi gian phòng đều được bố trí một lò sưởi phong cách phương Tây giúp sưởi ấm cho các thành viên dòng họ Vương.
Những bức trường thành xây bằng đá hộc phủ đầy rêu phong, gợi biết bao hoài niệm về một thời huy hoàng của dòng họ Vương trên cao nguyên đá.
Những hàng sa mộc trăm năm tuổi như những chứng tích sống của địa danh này.
Chân dung "vua Mèo" Vương Chính Đức.

Phú Minh

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu