16:03 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Khai thác đất quặng nghèo tại Hòa Bình: Ngang nhiên xúc “vàng” đem bán!

11:04 15/01/2019

(THPL) - Những đoàn xe benz rầm rộ từ các huyện Lạc Thủy, Lạc Sơn, Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình) chuyên chở những tấn đất quặng nghèo khai thác trái phép mang bán tại các nhà máy xi măng ở Ninh Bình nhiều năm nay không bị ngăn cấm. Đất “vàng” được đào xới khắp mọi nơi trong khi chính quyền vẫn một “bài ca” sẽ “tiến hành kiểm tra và kết luận”. Nghiêm trọng hơn, tấc đất tấc vàng ấy, đang được những ông chủ đất lách chiêu trò dưới những dự án được tỉnh, huyện phê duyệt.

Huyện Lạc Thủy – Tỉnh chỉ đạo kiểm tra nhưng huyện chưa biết khi nào có văn bản trả lời?

Như Thương hiệu và Pháp luật đã phản ánh, thời gian qua, tại địa bàn huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đã diễn ra tình trạng khai thác đất trái phép, hoặc núp dưới danh nghĩa các dự án san gạt, hạ thấp độ cao vườn đồi để các “đầu nậu” thu gom, vận chuyển đất đi bán cho các dự án san lấp hoặc sang các tỉnh lân cận tiêu thụ.

Đáng nói, hoạt động này diễn ra khá rầm rộ, công khai, gây thất thoát tài nguyên, thất thu ngân sách nhà nước hàng tỷ đồng, đã diễn ra trong thời gian dài nhưng không được xử lý kịp thời, dứt điểm.

Hàng hecta đất cao bằng gò, sau khi khai thác đã thấp xuống hàng mét, đồng nghĩa hàng triệu tấn đất đã “biến” thành lợi nhuận.

Thậm chí, lãnh đạo một xã tại huyện Lạc Thủy thừa nhận có tình trạng khai thác đất vượt quá phạm vi được cấp phép, nhưng chính quyền xã, huyện chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở, lập biên bản, xử phạt với mức độ “nhẹ nhàng” rồi đâu lại vào đó.

Không chỉ gây thất thoát tài nguyên, hoạt động khai thác, vận chuyển đất cũng đã gây nên nhiều hệ lụy cho hạ tầng xã hội, ảnh hưởng lớn tới cuộc sống, sinh hoạt của người dân địa phương khi hàng ngày phải chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi từ hàng trăm chiếc xe tải vận chuyển đất trên hoặc ngoài địa bàn.

Những con đường nhỏ vốn đã xuống cấp, vẫn ngày đêm oằn mình “gánh” những đoàn xe quá khổ, quá tải chạy rầm rầm, thậm chí đi qua trụ sở của cơ quan nhà nước, qua mặt lãnh đạo chính quyền địa phương gây bức xúc trong dư luận. PV đã nhãn tiền nhiều xe tải trở đất không che chắn, vượt tải trọng ngang nhiên vượt qua các chốt chặn của CSGT, thanh tra đi ra khỏi địa bàn. Đích đến là những nhà máy xi măng tại Ninh Bình, nơi đất hay còn gọi là đất quặng nghèo, một chất hoạt phụ da để làm xi măng, được bán cho các “đầu nậu” hoặc đại lý của các nhà máy.

Đến nay, sau nhiều lần liên hệ làm việc, trước những tồn tại, vi phạm trong công tác quản lý tại địa phương, PV vẫn chưa nhận được câu trả lời chính thức từ UBND huyện Lạc Thủy. Bà Quách Thị Hải Thanh – Chánh văn phòng HĐND-UBND huyện này cho biết, tỉnh (UBND tỉnh Hòa Bình – PV) đã có văn bản chỉ đạo huyện kiểm tra thông tin báo nêu và có văn bản trả lời. Nhưng chưa biết khi nào có (?!).

Được biết, tình hình khai thác đất quặng nghèo từ khi manh nha đến nay, tại huyện Lạc Thủy, đã hơn 6 năm, song lần nào cũng vậy, đâu lại hoàn đấy (?!). Sự tiếp tay hay bảo kê liệu có thật, như người dân đã nhiều năm phản ánh?

Những “thung lũng” đất quặng nghèo ngày đêm được các ông chủ lách luật dự án khai thác trái phép.

Lạc Sơn – “Mượn” dự án để khai thác đất quặng nghèo trái phép

Đất quặng nghèo, chất hoạt phụ da để sản xuất xi măng phụ thuộc vào độ, chỉ số hóa nghiệm từ hỗn hợp đất. Độ càng cao, giá mỗi khối đất càng cao và Lạc Sơn là địa bàn có độ đất quặng nghèo cao số 1 hiện nay. Điều này đồng nghĩa, các ông chủ lớn, tập trung về Lạc Sơn khai thác đất, làm giàu.

Theo tìm hiểu của PV, khai thác đất quặng nghèo tại huyện Lạc Sơn có từ hơn chục năm trước, song sự rầm rộ mới chỉ dồn lại hơn 3 năm nay, khi những ông chủ “tay to” dùng “quan hệ đen – đỏ” thải loại dần các mối khai thác nhỏ lẻ. Chiêu trò chủ yếu là khống chế đầu tiếp nhận, là các đầu nậu hay đại lý thu mua đất quặng nghèo của nhà máy. “Đầu vào” bị cấm, các mối nhỏ lẻ khai thác buộc phải qua các ông chủ lớn để tìm đầu ra hoặc tự rút khỏi cuộc chơi trên địa bàn.

Ngoài ra, các ông chủ lợi dụng chính sách phát triển của tỉnh, huyện tìm cách “xin” các dự án cải tạo hồ; lợi dụng dự án san nền với quy mô lớn để khai thác đất đem bán… gây thất thoát của nhà nước hàng tỷ đồng. Theo quy định đất xúc trong địa bàn phải được san lấp trong địa bàn, hoặc tại một địa bàn do tỉnh quyết định, song cũng phải trong địa bàn của tỉnh.

Nhiều diện tích đất của dân quanh vùng đã được bán cho các ông chủ “mượn” danh dự án để “hợp thức hóa” với chính quyền sở tại.

Chúng tôi có mặt tại khu vực Hồ Re tại xã Ân Nghĩa (huyện Lạc Sơn, Hòa Bình). Tại đây, theo tìm hiểu, PV được biết một doanh nghiệp đã trúng thầu dự án cải tạo nạo vét hồ chứa nước nhưng ngay sau khi nhận được dự án, đơn vị này đã tiến hành san gạt, bóc tách đất mặt tại những khu vực gần Hồ Re để khai thác đất quặng nghèo với trữ lượng vô cùng lớn ở phía bên dưới đem bán kiếm lời. Không những thế, ông chủ, có tên B. “Bún”, còn lợi dụng dự án, thu mua và khai thác đất quặng tứ phía. Đất quặng nghèo tại Hồ Re có độ cao nhất vùng.

Một người dân tại địa phương cho biết: “Có thời điểm, tại đây, cả trăm xe nối đuôi nhau chở đất mang đi ra ngoài đường cái. Giá đất của các hộ dân tăng vọt từng ngày. Bao nhiêu đất ông B. Bún cũng thu mua để xúc và mang đi. Đường xá bẩn thỉu, nhem nhuốc”.

Điều đáng nói, việc cải tạo hồ thì vẫn “án binh bất động”; lượng quặng lớn được vận chuyển rầm rập mỗi ngày, chở đi ngoại tỉnh, nhưng chính quyền địa phương dường như không biết, và không hề có sự ngăn chặn, xử lý. Theo tìm hiểu của PV, một xe đất quặng nghèo chuyển cho đại lý cấp 1 tại Ninh Bình (Chủ lớn không phải qua trung gian) cho lợi nhuận từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng/xe. “Trăm xe một ngày là cả một đống tiền, đủ nuôi mọi đối tượng”, một người dân cho biết.

Tương tự như ở Hồ Re, tại xã Yên Nghiệp, PV nhãn tiền nhiều héc ta diện tích đất, được ông chủ H. “Vista”, lợi dụng những dự án san mặt bằng để san gạt, xúc múc. Có những dự án vài ba năm chưa thực hiện xong, nhưng nhiều diện tích héc ta đất vùng xung quanh được khai thác để bán. Chiêu “lách luật” này nhằm để “đối phó” cho những xe benz, trục 4, trục 6 dời khỏi địa bàn. Những “biển đất” được khoét sâu tới hàng mét, nếu đứng trên đường cái nhìn xuống, chẳng khác nào những thung lũng, cho thấy hàng triệu triệu tấn đất đã bị khai thác, dời đi và lợi nhuận thực tế thì khổng lồ.

Chính quyền “biết” và vì sao thực trạng ấy tồn tại nhiều năm? Cuộc chiến ngầm của những ông chủ nhằm “độc quyền” nguồn “vàng” vô tận và những chiêu lách luật tinh vi. Liệu có sự tiếp tay hay bảo kê cho nạn khai thác “đất” tặc? Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục bóc tách ở những kỳ sau.

Nhóm PV điều tra

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu