15:26 ngày 26/06/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Huyện Hạ Hòa - Phú Thọ: Tràn lan vi phạm về sử dụng đất sai mục đích

11:40 30/05/2021

(THPL) - Chế biến gỗ, lâm sản là ngành sản xuất công nghiệp chủ yếu trên địa bàn huyện Hạ Hòa, góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển thiếu kiểm soát, chưa có sự quy hoạch đồng bộ về mặt bằng phục vụ chế biến gỗ đã dẫn đến nhiều hệ lụy, mà điển hình nhất là các sai phạm liên quan đến đất đai. Những sai phạm này xảy ra trong thời gian dài nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm và có dấu hiệu gia tăng. Tình trạng này diễn ra phổ biến trên địa bàn các xã Ấm Hạ; Gia Điền; Phương Viên; Hà Lương và Hương Xạ.

Xưởng sản xuất, chế biến gỗ được xây dựng và tồn tại trên đất rừng, đất nông nghiệp (Ảnh: Ngọc Tân)

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên, ở các xã kể trên thì tình trạng “xẻ đồi” san lấp đất nông nghiệp trái phép, dựng nhà xưởng, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra tràn lan.

Cụ thể, tại xã Ấm Hạ, tại các khu 1; 3; 5; 6 và khu 8 có tổng cộng 7 trường hợp sử dụng đất sai mục đích, hủy hoại đất, vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với tổng số tiền đã xử phạt hành chính là 20,500,000 đồng. Ngoài ra, dọc đường tỉnh lộ 314 rất nhiều nhà xưởng không biển bảng hoạt động. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã Ấm Hạ có tồn tại một trạm trộn bê tông bị dư luận nghi là xây dựng trên đất rừng sản xuất.

Liên quan đến trạm trộn bê tông này, ông Lê Đức Anh, cán bộ địa chính xã Ấm Hạ cho hay, đó là dự án được huyện chấp thuận, nhưng khi phóng viên hỏi đến hồ sơ pháp lý liên quan thì ông Lê Đức Anh lại nói xã không giữ.

Ông Lê Đức Anh - Cán bộ địa chính xã Ấm Hạ - huyện Hạ Hòa, Phú Thọ 

Còn tại xã Hương Xạ, phóng viên ghi nhận phản ánh về 2 trường hợp sai phạm trong lĩnh vực đất đai, gồm trường hợp hộ gia đình ông Vũ Xuân Tảo và hộ gia đình ông Ngô Ngọc Tuân. UBND xã đã tiến hành lập biên bản đối với cả hai trường hợp nói trên. Trong biên bản nêu rõ, Hộ ông Vũ Xuân Tảo tại khu 3 xã Hương Xạ đã đổ đất, làm biến dạng mặt bằng trên thửa đất nông nghiệp với diện tích là 990m2 khi chưa được cơ quan nhà nước cho phép. Còn hộ ông Ngô Ngọc Tuân cũng tự ý đổ đất vào đất lúa, diện tích là 1.637 m2.

Điều đáng nói, 2 biên bản trên được UBND xã Hương Xạ lập vào cuối tháng 1 năm 2021, nêu rất rõ “yêu cầu chủ hộ dừng việc đổ đất, làm biến dạng mặt bằng trên phần đất nông nghiệp và khôi phục lại hiện trạng đất trồng lúa như ban đầu”. Tuy nhiên, đến thời điểm phóng viên ghi nhận thì hiện trạng khu đất sai phạm vẫn chưa được khôi phục lại, thay vào đó là hoạt động sản xuất kinh doanh đang diễn ra trên chính phần đất vi phạm này.

Nhà xưởng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp- dù đã bị lập biên bản nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn diễn ra (Ảnh: Ngọc Tân

Đối với xã Phương Viên, tình trạng cũng không khá hơn. Việc tự ý san gạt, xây dựng nhà xưởng trái phép và chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra rất phức tạp.

Cụ thể, hộ ông Trương Ngọc Tiến tại tại khu 5, đã tự ý múc khoảng 14.400 m3 đất rừng sản xuất đổ xuống ruộng trồng lúa, diện tích đất lúa bị lấp là 3.200 m2. Được biết, UBND huyện Hạ Hòa mới chỉ đồng ý về chủ trương đầu tư cho phép bà Đoàn Thị Tuyết Nhung (vợ ông Tiến) đầu tư cơ sở chế biến lâm sản trên diện tích hơn 4.400 m2, tuy nhên, các thủ tục khác như chuyển đổi mục đích sử dụng đất bà Nhung và ông Tiến vẫn chưa hoàn thành.

Bên cạnh đó, còn có hộ ông Nguyễn Trọng Hiếu đã tự ý hạ cốt nền 883,5 m2 đất trồng cây lâu năm. Hộ ông Nguyễn Xuân Toản đã tự ý đổ khoảng 5000 m3 đất xuống 1.208 m2 ruộng trồng lúa rồi tự ý dựng nhà xưởng bóc gỗ với diện tích khoảng 600m2; Hộ bà Lê Thị Liên tại khu 5, đã hạ cốt vượt mức cho phép là 2.000 m3; Hộ ông Phạm Văn Tố đã tự ý san gạt, hạ cốt trên khoảng 800 m2 đất trồng cây lâu năm.

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Mạnh Hà -cán bộ địa chính xã- cho biết: “Trong năm 2021 có 6 hộ vi phạm, ủy ban xã đã báo cáo UBND huyện và Phòng Tài nguyên môi trường bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất 2021 – 2030, để cho các cơ sở sản xuất hợp thức hóa phần đất tự ý chuyển đổi mục đích”.

Hộ ông Trương Ngọc Tiến tại tại khu 5 đã tự ý lấp đất lấy mặt bằng để sản xuất (Ảnh: Ngọc Tân)

Đối với xã Hà Lương và xã Gia Điền, tình trạng sai phạm trong lĩnh vực đất đai cũng diễn ra rất phổ biến.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại xã Hà Lương, ở các khu 4; 5 tình trạng san hạ cốt nền, lấp đất nông nghiệp để xây dựng nhà xưởng diễn ra hết sức công khai. Một diện tích lớn đất nông nghiệp tại khu 4, ngay gần UBND xã cũng đã bị “bức tử” bởi hai đơn vị làm nhà xưởng bóc gỗ tại đây.

Con đường bị cày nát do xe có tải trọng lớn thường xuyên lưu thông

Trao đổi với phóng viên qua điện thoại, Chủ tịch UBND xã Hà Lương, ông Nguyễn Hồng Quang xác nhận: “Hầu hết các xưởng là mọc lên tự phát, chẳng có đất kinh doanh đâu, toàn là đất vườn người dân ké ra làm, nhà nước chưa cấp cho trường hợp nào đất sản xuất kinh doanh cả”.

Còn tại xã Gia Điền, theo phản ánh của bạn đọc, tại các khu 3; 4; 5; 7; 9 có khoảng hơn 10 điểm san hạ cốt nền, lấp đất nông nghiệp, xây dựng nhà xưởng có dấu hiệu sai phạm. Dọc bên đường tỉnh lộ 311 là hàng loạt các nhà xưởng với quy mô lớn nhỏ khác nhau, hoạt động rầm rộ, có dấu hiệu lấn chiếm đường giao thông. Một số vị trí này tiềm ẩn nguy cơ về sạt lở đất cũng như ô nhiễm, ảnh hưởng đến người dân nơi đây.

Sau khi ghi nhận thông tin phản ánh tại xã Gia Điền, phóng viên đã liên hệ đặt lịch làm việc với chủ tịch UBND xã. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, ông Cát Quốc Việt - Chủ tịch UBND xã chỉ trả lời “chúng tôi chẳng có nhu cầu viết lách gì đâu, thế nhé!”.

Để làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương khi để xảy ra các sai phạm nói trên, phóng viên đã đặt lịch làm việc với UBND huyện Hạ Hòa. Tuy nhiên, đã 15 ngày trôi qua phóng viên vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía UBND huyện.

Nhà xưởng trên địa bàn xã Gia Điền có nguy cơ sạt lở cao

Trước những sự việc nêu trên, dư luận và người dân nơi đây có quyền đặt câu hỏi, chính quyền địa phương các xã Ấm Hạ; Gia Điền; Hà Lương; Phương Viên; và Hương Xạ cũng như lãnh đạo UBND huyện Hạ Hòa có buông lỏng quản lý, chưa thực sự quyết liệt để xử lý sai phạm? Và có hay không việc chính quyền đang tạo điều kiện để hợp thức hóa các sai phạm khi việc lập biên bản xử phạt chỉ mang tính hình thức?

Biết rằng việc ưu tiên phát triển kinh tế là rất quan trọng, nhưng không thể bất chấp pháp luật để phát triển. Hơn thế nữa, không thể vì lợi ích của một nhóm nhỏ cá nhân, doanh nghiệp mà ảnh hưởng đến cuộc sống của đại đa số người dân. Đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ, các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức để xảy ra các sai phạm nói trên.

Thương hiệu và Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin.

Thắng Nguyễn – Ngọc Tân

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu