11:36 ngày 20/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hơn 32 triệu người Việt bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2020

16:08 06/01/2021

(THPL) - Sáng 6/1, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) họp báo công bố tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2020. Theo đó, hơn 32 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19: mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập… trong năm 2020.

Cụ thể, tính đến tháng 12/2020, cả nước có 32,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 bao gồm người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập,… Trong đó, 69,2% người bị giảm thu nhập, 39,9% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14,0% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh.

Khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 với 71,6% lao động bị ảnh hưởng, tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 64,7% lao động bị ảnh hưởng; tỷ lệ lao động bị ảnh hưởng trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 26,4%.

Báo Quân đội nhân dân đưa tin, tại buổi họp báo, bà Vũ Thị Thu Thủy, Cục trưởng Cục Thu thập dữ liệu và ứng dụng công nghệ thông tin thống kê, Tổng cục Thống cho biết, tính chung năm 2020, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên ước tính đạt 54,6 triệu người, giảm 1,2 triệu người so với năm 2019. Sự sụt giảm này chủ yếu là từ lực lượng lao động ở khu vực nông thôn. So với năm 2019, lực lượng lao động khu vực nông thôn giảm hơn 1,1 triệu người.

Lực lượng lao động trong độ tuổi lao động năm 2020 ước tính là 48,3 triệu người, giảm 849,5 nghìn người so với năm trước. Lực lượng lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 16,5 triệu người, chiếm 34,1%; lực lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động đạt 21,9 triệu người, chiếm 45,4% lực lượng lao động trong độ tuổi của cả nước.

Hơn 32 triệu người Việt Nam bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2020 (ảnh minh họa)

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ từ sơ cấp trở lên năm 2020 là 24,1%, cao hơn 1,3 điểm phần trăm so với năm 2019. Tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 39,9%, trong khi đó tỷ lệ này ở khu vực nông thôn là 16,3%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2020 là 2,48%, cao hơn 0,31 điểm phần trăm so với năm 2019; tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (từ 15-24 tuổi) năm 2020 là 7,10%. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động khu vực thành thị là 3,88%, tăng 0,77 điểm phần trăm.

Theo báo VTC News, cũng theo bà Thủy, nếu không có dịch COVID-19 sẽ có thêm 1,6 triệu người được tạo việc làm, nói cách khác dịch bệnh tước đi cơ hội việc làm của 1,6 triệu người. So với năm 2019, thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2020 giảm ở cả ba khu vực kinh tế

Thu nhập bình quân tháng từ công việc của người lao động quý IV/2020 đạt 5,7 triệu đồng, tăng 212.000 đồng so với quý trước và giảm 108.000 đồng so với cùng kỳ năm trước. Thông thường, nếu không có cú sốc COVID-19, thu nhập của người lao động quý IV tăng khá cao so với các quý khác.

Năm 2020, trong bối cảnh ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, thu nhập bình quân tháng của người lao động trong quý IV không những không duy trì được mức tăng trưởng như mọi năm mà còn giảm khá mạnh so với quý I và cùng kỳ năm trước.

Trong năm 2020, thu nhập bình quân của người lao động là 5,5 triệu đồng, giảm 2,3% so với năm 2019 (tương ứng giảm 128.000 đồng). Thu nhập của lao động ngành dịch vụ bị giảm sâu nhất, giảm 215.000 đồng. Thu nhập bình quân tháng người lao động năm 2020 của lao động nam cao hơn lao động nữ 1,4 lần (tương ứng 6,4 triệu đồng và 4,5 triệu đồng); thu nhập bình quân của lao động thành thị cao hơn của lao động nông thôn 1,5 lần (tương ứng là 7,0 triệu đồng và 4,7 triệu đồng).

Trước những thông tin trên, để chủ động ứng phó, thích ứng với diễn biến của tình hình dịch để vừa kiểm soát dịch vừa thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đại diện Tổng cục Thống kê lưu ý cần tiếp tục tập trung các nhiệm vụ trọng tâm.

Cụ thể, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động. Những biện pháp này không chỉ giúp các doanh nghiệp và người lao động thoát khỏi nguy cơ phá sản, mất việc và giảm thu nhập mà còn tạo động lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển.

Tuấn Minh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu