06:31 ngày 26/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hoàng Su Phì: Tiếp thêm niềm tin, động lực để người dân vùng cao thoát nghèo

14:52 21/10/2024

(THPL) - Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang đã cụ thể hóa bằng những hoạt động thiết thực, tiếp thêm niềm tin, động lực để người dân vùng cao thoát nghèo. Từ đó, tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm của huyện đạt trên 5%, riêng năm 2023 giảm 850 hộ nghèo.

Có dịp về thăm huyện Hoàng Su Phì - huyện miền núi biên giới thuộc tỉnh Hà Giang, ít ai ngờ rằng, chỉ cách đây mấy năm thôi, công tác vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chăn nuôi theo hướng hàng hóa ở đây gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhờ sự quyết tâm vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, cơ sở hạ tầng nơi đây được xây dựng đồng bộ; hình thành các mô hình kinh tế điển hình; người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 

Thị trấn Vinh Quang, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang góc nhìn từ trên cao

Giải pháp của mọi giải pháp là người dân đồng thuận

Hào hứng chia sẻ về những đổi thay của quê hương, đồng chí Trần Quang Bằng - Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì chia sẻ: Những năm qua, nhằm cải thiện cuộc sống cho người dân, hướng tới giảm nghèo bền vững, huyện đã tích cực triển khai thực hiện Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững, trong đó phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, từ đó phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Bắt tay thực hiện chương trình, xác định dân vận khéo là một trong những yếu tố quan trọng giúp nhân dân trong huyện nâng cao tinh thần, trách nhiệm của mình về việc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống. Chính vì vậy, huyện Hoàng Su Phì đã thống nhất nội dung tuyên truyền cụ thể, giao trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên phụ trách từng thôn, xã, bám sát cơ sở, gần dân, sát dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động bà con phát triển kinh tế. Qua họp bàn, chính quyền và người dân thảo luận, giải quyết các vấn đề tồn đọng, giúp bà con hiểu lợi ích của việc làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo… qua đó khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.

Trong năm 2024, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Hoàng Su Phì được giao tổng kinh phí là 171.280,5 triệu đồng, trong đó vốn UBND tỉnh Hà Giang giao năm 2024 là 162.090 triệu đồng; vốn chuyển nguồn 2023 sang là 9.190,5 triệu đồng. Thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, huyện đã kết hợp lồng ghép kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng như Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực lồng ghép khác cho công tác giảm nghèo bền vững.

Đặc biệt để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về nguồn lực lao động tại địa phương, huyện chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh kết nối việc làm, thường xuyên rà soát, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp thông tin cho các xã, thị trấn để cung cấp cho người lao động; qua đó, góp phần định hướng, giúp người lao động tìm kiếm việc làm phù hợp. Việc tổ chức dạy nghề cũng bám sát nhu cầu thực tiễn, theo phương châm “cầm tay chỉ việc”, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành giúp các học viên dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức vào thực tế. Trong 5 tháng đầu năm, địa phương đã tạo việc làm mới cho 917 người.

Cùng với công tác dân vận, định hướng dạy nghề, huyện còn chỉ đạo Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đẩy mạnh triển khai các chương trình cho vay, giải quyết việc làm cho người dân với các mô hình kinh tế như: Trồng cây ăn quả, chăn nuôi dê, lợn đen, nuôi trâu hàng hóa; sản xuất, chế biến chè; trồng cây dược liệu; kinh doanh dịch vụ tổng hợp...

Người dân Hoàng Su Phì đẩy mạnh mô hình chăn nuôi gia súc để vươn lên thoát nghèo

Điển hình như hộ gia đình ông Sùng Mí Lèng, xã Bản Luốc, cách đây 3 năm, ông được vay 30 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH. Ông đã bàn bạc với gia đình đầu tư làm chuồng trại, mua 3 con trâu nuôi sinh sản. Với sự cần cù, chịu khó, ý chí vươn lên thoát nghèo, năm 2023, gia đình ông Lèng đã trả hết nợ cho ngân hàng và thoát khỏi diện hộ nghèo của thôn. Hiện, đàn trâu của gia đình ông duy trì từ 5 - 7 con, góp phần cải thiện thu nhập đáng kể.

Ông Sùng Mí Lèng chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, thu nhập phụ thuộc vào trồng ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ. Nguồn vốn từ NHCSXH đã thực sự trở thành “phao cứu sinh” giúp gia đình tôi phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo”. Có thể nói với sự kiên trì, quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những giải pháp đồng bộ, đa dạng hóa sinh kế đã được người dân đồng thuận, tin tưởng và hưởng ứng tích cực.

Tiếp sức để người dân thoát nghèo

Được xem là địa phương có tiềm năng, thế mạnh về lĩnh vực chăn nuôi, huyện Hoàng Su Phì đã và đang tích cực phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế theo hướng gia trại, trang trại phù hợp với thực tế từng địa phương như: chăn nuôi lợn đen thương phẩm, nuôi dê, nuôi ngựa theo chuỗi liên kết. Phương châm đặt ra là lựa chọn những mô hình đem lại hiệu quả cao, ổn định kinh tế cho người dân, qua đó góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Để chủ động đảm bảo nguồn cung ứng giống trong thực hiện các dự án theo Chương trình MTQG, huyện đã kết nối với một số doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng giống cho nhân dân, giúp người dân được trực tiếp đến tận nơi cung ứng giống lựa chọn, đồng thời đảm bảo về giá và các yếu tố phòng, chống dịch bệnh. Cùng với đó, nhằm giúp người dân yên tâm chăm sóc đàn vật nuôi, đảm bảo đầu ra ổn định cho các hộ gia đình, các HTX cũng khuyến khích các cơ sở chế biến thực phẩm tham gia vào chuỗi liên kết.

Tại xã Thèn Chu Phìn, từ nguồn lực hỗ trợ của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, xã đã lựa chọn những mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp, hiệu quả để triển khai đến các hộ gia đình nghèo, cận nghèo. 

Gia đình anh Ly Seo Giả, thôn Cáo Phìn, là một trong hàng chục hộ nghèo, hộ cận nghèo khác được lựa chọn để triển khai mô hình nuôi dê. Từ 4 con dê giống được hỗ trợ ban đầu, đến nay, đàn dê của gia đình anh Giả đã sinh sản nhân đàn lên đến 20 con. Mô hình nuôi dê đã giúp gia đình anh có nguồn thu nhập lớn, là chỗ dựa quan trọng để có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Chia sẻ thêm về định hướng phát triển kinh tế địa phương, ông Trần Quang Bằng - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Ngoài việc vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi mô hình chăn nuôi, Hoàng Su Phì còn tập trung phát triển nông nghiệp đặc trưng hàng hóa chất lượng cao theo chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập cho người dân.

Chè Shan Tuyết Hoàng Su Phì một trong những sản phẩm đã đem lại thương hiệu nổi tiếng tại nơi đây

Dựa trên tiềm năng, thế mạnh sẵn có, huyện chú trọng xây dựng 3 chuỗi giá trị gồm: Sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ, phát triển cây ăn quả ôn đới (Lê, Mận Máu) và sản phẩm gạo chất lượng cao. Trong đó, chè Shan tuyết đã hình thành được chuỗi liên kết từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với nhiều HTX, doanh nghiệp đứng ra thu mua chè tươi cho nông dân, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định.

Với sản phẩm gạo chất lượng cao cũng đã có HTX đứng ra thu mua, sơ chế, đóng gói, xuất bán ra các thị trường trong và ngoài tỉnh. Đối với cây ăn quả, diện tích tăng lên 80 ha so với năm 2020, nâng tổng diện cây ăn quả toàn huyện lên 840 ha, diện tích cho thu hoạch 109 ha; giá trị thu được 11,8 tỷ đồng/năm, đem lại thu nhập khá cho người dân.

Ruộng bậc thang mùa lúa chính không những là điểm đến du lịch tuyệt vời mà còn mang lại giá trị lương thực bền vững tại đây

Việc lồng ghép các chương trình, dự án và chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cùng các chính sách hỗ trợ khác đã giúp hàng nghìn hộ dân có thêm nguồn lực để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi. Hiệu quả từ các mô hình phát triển kinh tế đã góp phần tích cực khai thác tiềm năng đất đai, đa dạng cây trồng, vật nuôi qua đó diện mạo cơ sở hạ tầng những bản làng vùng biên đang ngày càng khởi sắc. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm của huyện Hoàng Su Phì đạt trên 5%, riêng năm 2023 giảm được 850 hộ nghèo. Đời sống kinh tế ổn định và phát triển, đồng bào dân tộc thiểu số không còn bị kích động dụ dỗ, lôi kéo theo các tổ chức bất hợp pháp…

Những thành quả đạt được như một minh chứng sinh động về niềm tin của người dân vào chính sách của Đảng và Nhà nước, góp sức xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ vững chắc an ninh biên giới quốc gia.

Trung Kiên

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu