14:51 ngày 04/05/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hiroshima và Nagasaki: 72 năm hồi ức kinh hoàng

09:43 06/08/2017

(THPL) – Đúng ngày này 72 năm trước, Mỹ ném bom nguyên tử xuống Hiroshima, một chương đau thương và đen tối trong lịch sử nhân loại…

Đó là một sáng mùa hè trong lành, cô bé Yukiko Nakabushi 5 tuổi vẫn như mọi khi là người đầu tiên đến trường mẫu giáo và chờ các bạn. Song ngày hôm đấy, họ không bao giờ xuất hiện. Đúng 8h15 ngày 6/8/1945, một vùng sáng bất chợt lóe lên đi kèm tiếng nổ lớn, biến thành phố Hiroshima thành tro bụi.

Bà Nakabushi (76 tuổi) là một trong số 183.519 người sống sót sau vụ nổ bom. Theo con số thống kê, hai quả bom đã cướp đi hơn 70.000 sinh mạng ngay lập tức, và trong những thập kỷ sau đó, số người chết tiếp tục tăng lên đến gần 200.000 người vì những di chứng do bị nhiễm phóng xạ cấp tính.

Với những người sống sót như bà Nakabushi, ngày kỷ niệm hàng năm khơi lại nỗi đau trong bà. Chính những nỗi đau đó đã giúp bà có thêm sức mạnh, trưởng thành và góp thêm tiếng nói phản đối cuộc chiến hạt nhân.

Phi hành đoàn trên chiếc máy bay thả quả bom nguyên tử đầu tiên xuống thành phố Hiroshima. Ngày 6/8/1945, Đại tá Paul Tibbets (đứng giữa, hút tẩu) lái chiếc máy bay B-29 "Enola Gay", cất cánh từ North Field - căn cứ không quân trên đảo Tinian ở tây Thái Bình Dương - đến Nhật Bản để thực hiện nhiệm vụ lịch sử.

Quả bom nguyên tử Hiroshima, mang mật mã "Little Boy", nặng 4.400 kg. "Little Boy" có sức công phá gấp 2.000 lần so với quả bom lớn nhất được sử dụng trước đó. Ảnh: Viện Lưu trữ quốc gia Mỹ.
8 giờ 15 phút sáng, quả bom phát nổ ở độ cao 609,6 m phía trên Hiroshima, giải phóng năng lượng tương đương khoảng 15.000 tấn TNT, san phẳng 13 km2 thành phố chỉ trong trong vài giây. Hơn 60% nhà cửa trong thành phố bị phá hủy hoàn toàn. Ảnh: Viện Lưu trữ quốc gia Nhật Bản.
Hiroshima phút chốc trở thành thành phố chết. Mọi đồng hồ được tìm thấy đều dừng lại vào lúc 8 giờ 15 phút, thời điểm vụ nổ nguyên tử diễn ra. Ảnh chụp chiếc đồng hồ thuộc về ông Kengo Nikawa, 59 tuổi, lúc đó trên đường đi làm và ở cách vụ đánh bom tại trung tâm khoảng 1.600m. Ông Nikawa bị bỏng nặng và qua đời vào ngày 22/8/1945, 16 ngày sau vụ đánh bom. Ảnh: Flickr.

Chỉ cách có hơn 1,5 km so với trung tâm vụ nổ, bà Nakabushi may mắn được bảo vệ khỏi lớp phóng xạ từ bom nguyên tử khi ngồi trong lớp học. Sau đó, bà cố gắng thoát ra khỏi tòa nhà trong trường trước khi nó đổ sập do ảnh hưởng từ vụ nổ. Bà Nakabushi còn nhớ như in cảnh tượng về đến nhà, mọi thứ đều tan biến, chỉ có người ông đang cố gắng giải cứu bà của Nakabushi.

Mẹ của bà Nakabushi không may mắn như vậy. Quả bom rơi xuống đúng khu vực bà đang làm việc cùng những người hàng xóm. “Mẹ tôi bị bỏng nặng hết người, nhưng bà vẫn cố gắng trở về nhà. Ngay sau khi biết tôi còn sống, bà yên tâm trút hơi thở cuối cùng. Mọi người đều nói bà muốn trở về nhà mặc dù bị thương nặng đến vậy chỉ để xem tôi có ổn hay không?”, bà Nakabushi kể lại.

Vụ nổ ngay lập tức giết chết ít nhất 70.000 người. Trong số này, khoảng 2.000 người Mỹ gốc Nhật và từ 800 đến 1.000 người Mỹ khác gánh chịu hậu quả của vụ nổ. Họ là những công dân Mỹ đang theo học ở Nhật Bản và không thể rời khỏi đất nước này khi chiến tranh nổ ra. Ảnh: Khu tưởng niệm Hòa bình Hiroshima/Reuters.

Những con số không chính thức cho biết có đến 140.000 người thiệt mạng trong vụ nổ, bao gồm cả các quân nhân và người nhiễm phóng xạ, trong khi dân số Hiroshima thời đó là 350.000. 

"Chúng tôi mang thi thể của mẹ định đi chôn ở vùng ngoại ô và không thể tượng tượng nổi, cả thành phố như biến mất hoàn toàn. Tất cả các ngôi nhà đều đổ sập thành những đống đổ nát lớn và hàng trăm người khó khăn đi lại trên đường phố với những vết bỏng rát trên người.

Vượt qua hai cây cầu, một cảnh tượng khác kinh hoàng hơn hiện ra. Thi thể nằm la liệt giữa phố. Người bị thương vẫn tiếp tục tìm nước, song chúng tôi được yêu cầu không cho họ uống vì họ sẽ chết ngay sau khi nhấp ngụm nước đầu tiên. Tiếng rên rỉ của mọi người yếu ớt dần, và sau đó từng người từng người ra đi”, bà Nakabushi đau đớn kể lại.

Nagasaki ban đầu không nằm trong danh sách mục tiêu ném bom và chỉ được thêm vào 2 tuần trước vụ tấn công nguyên tử. Ngày 9/8/1945 định mệnh, Mỹ dự định đánh bom thành phố Kokura, nhưng do thời tiết xấu che khuất tầm nhìn, Nagasaki đã trở thành mục tiêu thay thế. Ảnh: Reuters.

Nỗi đau thể xác qua đi nhưng nỗi đau tinh thần đè nặng lên những người sống sót. “Ăn và sống là nhiệm vụ hàng ngày của chúng tôi. Chúng tôi phải học cách vượt qua nỗi buồn và sự trải nghiệm khắc nghiệt". Bà Nakabushi cảm thấy ông trời đã quá ưu ái mình khi có tiếp một cuộc sống yên bình bên người cha và mẹ kế. Sau đó, bà kết hôn và cùng chồng chuyển tới Osaka, có 3 người con lành lặn trưởng thành.

Tuy nhiên không phải ai cũng may mắn đến vậy. Những người sống sót sau vụ nổ, với biệt danh “hibakusha” bị xã hội tẩy chay, xa lánh. Nhiều người phụ nữ không tìm được hạnh phúc trong hôn nhân do người bạn đời nghi ngại họ không sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh, trong khi đó, nhiều "hibakusha" khác không được thuê làm việc do ông chủ có xu hướng phân biệt đối xử.

Thậm chí đến tận năm 2011, nhiều người "hibakusha" còn bị buộc vào sống tại các trại tị nạn và trung tâm y tế dành cho người bị “ô nhiễm”, và nhận được khoản trợ cấp ít ỏi từ phía chính phủ. 

74.000 người bị lấy đi sinh mạng. Trong số đó, rất nhiều người sống sót từ vụ nổ ở Hiroshima đến Nagasaki lánh nạn, và lại trở thành nạn nhân của quả bom nguyên tử thứ 2. Ảnh: Viện Lưu trữ quốc gia Mỹ.
Washington biện minh việc sử dụng bom nguyên tử là cần thiết để kết thúc Thế chiến II, cứu hàng nghìn mạng sống khắp thế giới. Tuy vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng Nhật Bản trước đó đã sẵn sàng đầu hàng và rằng Mỹ chỉ thả bom nguyên tử để phô trương sức mạnh quân sự. Ảnh: Getty.
Gần 200.000 người chết trực tiếp và gián tiếp vì vụ nổ bom nguyên tử ở Nhật Bản trong suốt 72 năm qua.

Với những đứa trẻ có bố mẹ ông bà sinh sống tại Hiroshima và Nagasaki, chúng được người lớn dặn tuyệt đối không được tiết lộ thân thế của mình. “Mọi người nói chúng tôi không được phép nói với người khác chúng tôi là "hibakusha" vì điều đó sẽ ảnh hưởng đến cơ hội kết hôn của bản thân”, bà Nakabushi chia sẻ, “nhưng tôi vẫn lấy chồng và cảm thấy may mắn khi những người xung quanh không phân biệt đối xử”.

Trưởng thành, bà Nakabushi gia nhập và là một thành viên tích cực của Tổ chức dành cho người trải qua nỗi đau bom nguyên tử Tokyo. Bà đã đi khắp các vùng tại Nhật Bản, kể cho hàng ngàn học sinh, sinh viên về trải nghiệm của bà: “Bom nguyên tử là quỷ dữ. Chiến tranh đã cướp đi sinh mạng của nhiều nạn nhân vô tội, từ cả hai phe. Hòa bình có lẽ là điều quý giá và hạnh phúc nhất đối với nhân loại”.

Hùng Lâm (T.H)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu