02:00 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hành trình gian nan khi tìm mua tủ lạnh cũ

| 00:04 15/09/2017

Nhiều người mua chỉ để ý thiết kế bên ngoài mà bỏ qua các chi tiết kỹ thuật của tủ lạnh, dẫn tới các trục trặc phát sinh sau này.

Chị Thảo (Hưng Yên) và chồng đều làm công nhân ở khu công nghiệp. Ba tháng trước, gia đình chị thuê phòng dọn ra ở riêng nên cần mua sắm một số đồ gia dụng dùng cho sinh hoạt và tủ lạnh là một trong những thứ nghĩ tới đầu tiên. Tuy nhiên, không muốn mua đồ mới do sợ tốn kém, chị lên mạng tìm những người có nhu cầu thanh lý đồ cũ. Cuối cùng, chị chọn được một chiếc tủ lạnh cũ 150 lít với giá 1,5 triệu đồng.

Tuy nhiên, sau khi mua được về chưa được một tháng, thiết bị này đã gặp trục trặc hai lần. Lần đầu là dây điện bị đứt, lần sau là hết gas.

hanh-trinh-gian-nan-khi-tim-mua-tu-lanh-cu

Chọn mua tủ lạnh đã qua sử dụng là chuyện không hề đơn giản.

"Khi đi mua, chúng tôi cũng để ý xem xét nhưng không thấy gì khác lạ. Tủ còn khá mới, không bị xây xước bên ngoài hay bên trong. Nhưng lại chủ quan không để ý phần dây dẫn phía sau và gas. Mua của cá nhân, dùng một thời gian mới hỏng nên cũng không đổi trả hay đòi bảo hành gì từ người bán", chị Thảo cho biết. 

Đây cũng là thói quen của nhiều người khi chọn mua đồ gia dụng cũ. Trên thực tế, hầu hết mọi người khi đi mua tủ lạnh đã qua sử dụng đều chỉ chú ý về ngoại hình bên ngoài của thiết bị. Kinh nghiệm được chia sẻ phần lớn là xem xét tủ có bị móp méo, có vết nứt hoặc biến dạng do va đập hay không. Bên trong tủ có đầy đủ khay đựng, sạch sẽ và các kệ chứa có chắc chắn hay không. Còn rất ít người chú ý tới bộ phận phía sau như dây dẫn, lưới tản nhiệt hay khay đựng nước thải.

Tủ lạnh là thiết bị hay được đặt ở góc nhà, góc bếp nơi thường có độ ẩm cao và dễ bị chuột, gián phá hoại. Do đó, dây dẫn điện hoặc dẫn nước của thiết bị có thể bị gãy, đứt hoặc hao mòn mà bản thân người sở hữu trước cũng không để ý. Ngoài ra, khay đựng nước thải sau lưới tản nhiệt thường nằm phía dưới tủ, nếu bị rò có thể gây ra mùi khó chịu và ảnh hưởng tới các linh kiện xung quanh. Các cuộn dây bên dưới đáy tủ nếu bị đóng bẩn cũng ảnh hưởng tới khả năng làm lạnh của sản phẩm. Khi mua đồ cũ, việc kiểm tra dây dẫn và giắc cắm nguồn cũng phải chắc chắn và không lỏng lẻo.

Ngọc Lâm, 28 tuổi ở Hà Nội cũng chọn phương án mua tủ lạnh cũ cho căn nhà mới của mình. Là căn hộ dành cho người có thu nhập thấp, còn phải trả lãi ngân hàng mỗi tháng khá nhiều nên anh muốn tiết kiệm mọi chi phí nếu có thể. May mắn hơn chị Thảo, anh có quen một người bạn nhiều kinh nghiệm về điện máy và đã nhờ đi cùng để hỗ trợ.

Trong quá trình tìm kiếm và tham khảo, cả hai luôn mang theo cả bút thử điện để kiểm tra xem tủ lạnh có bị rò hay không. Lúc kiểm tra độ kín anh đặt một tờ giấy mỏng ở giữa rồi di chuyển để xem cánh tủ có thật sự khép chặt với thân không. Thậm chí các miếng gioăng cao su ở cánh cũng được xem xét cẩn thận để tránh trường hợp bong hay rão. Anh cho biết độ kín của tủ là một trong những tiêu chí quan trọng nhất, bởi có thể ảnh hưởng tới thức ăn để bên trong hay việc tiêu tốn điện năng.

"Khi kiểm tra bóng đèn, tôi đặt điện thoại có quay phim vào trong để xem đèn bên trong có sáng khi đóng cửa tủ hay không. Các chi tiết như khay, kệ cũng phải sạch và chắc chắn, kéo ra đẩy vào không lỏng lẻo và có độ đàn hồi tốt khi ấn thử. Tủ mà có các núm điều chỉnh độ lạnh bị lờn hoặc không cảm thấy chắc tay tôi dứt khoát không chọn", anh chia sẻ.

hanh-trinh-gian-nan-khi-tim-mua-tu-lanh-cu-1

Các chi tiết phía sau tủ lạnh như lưới tản nhiệt, dây dẫn, khay nước thải, gas... thường ít được người dùng để ý.

Anh cũng cho biết phải kiểm tra kỹ lưới tản nhiệt phía sau xem có nhiều bụi bẩn không, nếu có tức là tủ lạnh đã hoạt động lâu và không được vệ sinh cẩn thận. Trong quá trình mua, nếu người bán ngại ngần hoặc cố tình không cho xoay tủ kiểm tra phía sau, anh cũng từ chối tiếp tục trao đổi.

"Tôi được bạn gợi ý là nên chọn các loại tủ có thương hiệu uy tín và dòng sản phẩm phổ thông, không quá đặc trưng hoặc hiếm. Nếu đời tủ lâu quá, từ 8-10 năm thì cũng nên bỏ qua. Trước khi mua cũng phải xem xét kỹ vấn đề kích thước để lúc mua về không mất công xoay chuyển, tìm vị trí mới", anh nói thêm.

Trước khi mua, anh cùng người bạn của mình đã yêu cầu được kiểm tra phần gas và vận hành thử sản phẩm để xem xét độ ồn khi hoạt động. Danh tính cũng như tên tuổi, số điện thoại của người bán cũng được ghi lại cẩn thận để phòng trường hợp cần hỗ trợ, trao đổi hay bảo hành nếu có trục trặc xảy ra trong quá trình sử dụng thời gian đầu. Cuối cùng, anh đã chọn được một chiếc tủ lạnh Panasonic cỡ lớn từ một cửa hàng điện máy cũ với giá hợp lý.

Còn chị Thảo, sau hai tháng sử dụng đã bán rẻ món đồ gia dụng mới sắm và ra quyết định mua hẳn một chiếc mới. Chị cho biết sau khi cân nhắc thấy mức giá thiết bị mới cũng không quá cao, nếu chấp nhận bớt đi dung tích và thương hiệu không quá nổi bật thì vẫn có thể an tâm hơn bởi đồ mới có chế độ bảo hành dài hạn đi kèm.

TIN LIÊN QUAN
TAG: THPL
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu