10:58 ngày 27/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hàng nhái ở "chợ đại ngàn" trên internet

| 08:46 16/01/2017

Nhiều người vô tư rao bán công khai các sản phẩm chế tác từ sừng tê giác, sừng trâu châu Phi, ngà voi, móng cọp, nanh heo rừng... nhưng thực tế đa phần đều được làm giả tinh vi.

Đủ loại vật phẩm

Ngày 6.1, trên mạng xã hội, một thành viên tên Tuấn đăng tải hình ảnh được cho là nanh heo rừng lên hội Nanh, móng… cùng lời rao: “Nanh heo nổi san hô to, đẹp, giá rẻ cuối năm cho anh em đeo chơi tết. Ai có nhu cầu, liên hệ số điện thoại 09…”. Cũng trong hội này, thành viên tên Vinh đăng hình ảnh một vật màu trắng sẫm có hình dạng giống răng thú rừng cùng lời rao: “Bán nanh sư tử, kích thước như trong hình, ngang 2,6 cm, dài 9,3 cm. Đã tháo vàng. Tình trạng như mới. Bán nhanh 6,5 triệu đồng. Ai thích thì liên hệ 09…”.

Các loại “chợ đại ngàn” trên mạng, chuyên mua bán sừng tê giác, nanh heo rừng, móng gấu, nanh hổ, sư tử… thành lập thu hút rất đông thành viên tham gia. Tuy nhiên, theo người trong nghề, việc các “đầu nậu” luôn yêu cầu chuyển tiền trước, giao hàng sau đều là lừa đảo. “Nếu hẹn gặp xem hàng trực tiếp thì mua chứ mấy người kêu chuyển khoản trước, nhận hàng sau thì bị lừa là cái chắc. Tui bị lừa rồi nên nghe tới chuyển khoản là ngán lắm”, một người thích sưu tầm hàng độc cho hay.

Tuy nhiên, TS Phan Việt Lâm, chuyên gia về động vật hoang dã, cho biết nanh của sư tử nếu là thật thì chỉ khi con vật chết đi mới lấy được chứ bình thường răng nanh của chúng không thể rụng. Nguyên nhân chết có thể do già hoặc là bị bắn giết.

Hình ảnh các sản phẩm chế tác từ ngà voi, nanh thú rừng được rao bán công khai trên mạng. Ảnh: Chụp từ màn hình

Nanh, móng được làm từ… nhựa

Sau nhiều ngày tìm hiểu, PV Thanh Niên được một người có sở thích sưu tầm hàng độc giới thiệu gặp Phương (28 tuổi) - một người chuyên rao bán các sản phẩm chế tác từ động vật hoang dã trên mạng xã hội. Qua trò chuyện, Phương “nổ” các sản phẩm chế tác từ ngà voi như nhẫn, vòng đeo tay… mà mình bán đều là “hàng thật 100%”. Sau đó, Phương hẹn gặp chúng tôi ở một quán cà phê trên đường Phan Văn Trị (Q.5, TP.HCM) để xem hàng.

Đến nơi, Phương mở cốp xe và lấy ra một khay nhựa, bên trong có hơn 10 miếng ngà màu trắng mà Phương giới thiệu là ngà voi! Mỗi miếng ngà có đủ loại kích thước, và chạm khắc thành nhiều hình tượng Phật khác nhau. Tiếp đó, Phương lấy ra một cân tiểu ly điện tử, cầm các miếng tượng màu trắng bỏ lên cân và nói: “Miếng này 140 gr giá 7 triệu đồng, còn miếng này 110 gr giá 5 triệu đồng. Còn cái chóp ngà thô (chưa chế tác - PV) này 115 gr giá 3 triệu đồng. Mấy cái này anh mua về tặng người ta bỏ trong tủ hoặc trong ô tô sẽ rất đẹp”. Chúng tôi chê giá đắt và sợ mua nhầm phải hàng giả thì Phương gom hàng bỏ đi.

Sau khi xem hình ảnh mà PV thu thập được trong cuộc gặp với Phương, ông Lê Quốc Cường, Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động và PCCC rừng, thuộc Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, cho biết số tượng chóp ngà voi mà Phương giới thiệu là hàng giả. “Cái này chắc chắn không phải là hàng thật. Tôi dùng cả kính lúp để xem nhưng không thấy đặc điểm nào là thật cả. Đó là bằng kinh nghiệm của cá nhân tôi, nhưng thông thường, để phân biệt được thật giả cần phải có sự kiểm định của chuyên gia hoặc nhà khoa học”, ông Cường khẳng định và cho biết thêm, hiện có nhiều người rao bán trên mạng xã hội các sản phẩm chế tác từ động vật hoang dã, nhưng theo ghi nhận của cơ quan này, phần lớn trên thực tế là hàng giả.

Thời gian qua, chúng tôi triển khai kiểm tra nhiều nơi có dấu hiệu mua bán các sản phẩm chế tác từ ngà voi châu Phi. Qua kiểm tra, đa phần đều là hàng giả được làm bằng nhựa; hoặc bằng xương các loại động vật như heo, bò, trâu được xay nhuyễn trộn keo, rồi đem đi ép và chế tác thành vòng đeo tay, nhẫn rồi nói làm từ ngà voi như thật!”, ông Cường nói.

Lông đuôi voi làm từ… sừng trâu !

Mặc dù số lượng voi nhà ở Đắk Lắk còn rất ít (50 con) nhưng trên thị trường, lông đuôi voi dạng “nguyên liệu” hoặc “nhẫn” lông voi vẫn được bán tràn lan.Người mua có thể tìm thấy sản phẩm này tại các cửa hàng mỹ nghệ, đồ lưu niệm ở TP.Buôn Ma Thuột, hoặc nơi tập trung nhiều voi như H.Buôn Đôn, H.Lắk... Chị H.G, một hướng dẫn viên du lịch ở Buôn Đôn, cho biết nhiều du khách đến đây thường tìm mua lông đuôi voi, do theo đồn đại loại lông này đem lại may mắn, sức khỏe cho người đeo nó. Theo hướng dẫn viên này, trước đây, giá một sợi lông đuôi voi dài khoảng 10 cm từ 100.000 - 150.000 đồng, nay đã tăng lên 300.000 - 400.000 đồng, nhưng không chắc là lông đuôi voi thật.

Một cán bộ kiểm lâm ở Đắk Lắk cho rằng khó có nhiều lông đuôi voi đến độ “bán từ ngày này qua ngày khác”, mà chỉ có thể làm giả từ... sừng trâu! Người ta có thể chẻ sừng thành sợi nhỏ, chuốt bóng, ngâm hóa chất cho dẻo, sau đó cắm vào đuôi voi cũ đã khô, khách mua khi xem cả đuôi voi “còn đầy lông” khó mà phân biệt thật giả. Ông Nguyễn Công Chung, Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Đắk Lắk cho biết, khoảng 5 năm về trước, nạn cắt trộm lông đuôi voi rộ lên ở tỉnh này. “Vài năm gần đây, công tác quản lý chăm sóc được chú trọng, nạn nhổ lông đuôi voi cũng giảm hẳn; do đó việc lông đuôi voi bán nhan nhản ngoài thị trường không hiểu xuất xứ từ đâu”, ông Chung nhìn nhận.

Theo Thanh niên

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu