04:19 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hải Phòng: Khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân

Quốc Cường | 12:02 14/03/2019

(THPL) - Tối 13/3, tại quảng trường Tượng đài Nữ tướng Lê Chân, Ủy ban nhân dân quận Lê Chân (TP.Hải Phòng) tổ chức khai mạc Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân năm 2019, trong không khí náo nức và sự mong đợi, đón nhận của đông đảo người dân cùng du khách.

Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân (Hải Phòng) là một trong những lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2016.

Lễ khai mạc diễn ra trong không khí trang trọng và đầy mầu sắc.

Cũng như mọi năm, các cấp lãnh đạo thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Lễ hội linh thiêng của mảnh đất cửa biển đầy lịch sử này. Tới tham dự lễ khai mạc có Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng Nguyễn Thị Nghĩa; Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy Cao Xuân Liên; Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Xuân Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành cùng các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ…

Các cấp lãnh đạo thành phố vẫn luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho Lễ hội nữ tướng Lê Chân.

Lễ rước bộ là một trong những hoạt động đặc trưng, tiêu biểu của Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân, diễn ra trong không khí trang trọng suốt dọc theo dãy phố thân quen với người dân Quận Lê Chân, với sự tham gia của hơn 1 nghìn người trong trang phục truyền thống, cờ Tổ quốc, cờ hội, trống chiêng, dàn bát âm, đội sanh tiền, dàn bát biểu, dàn chấp kích, kiệu hoa, lọng che, kiệu võng, đoàn tế Nữ quan, đôi Voi rước, đôi Ngựa rước, kiệu Long đình, kiệu Bát cống, các mâm lễ vật, cống phẩm…Đoàn rước xuất phát từ đền Nghè và Đình An Biên rồi di chuyển đến tượng đài Nữ tướng Lê Chân. Tại đây, các đại biểu và người dân cùng ôn lại tiểu sử và công lao to lớn của Nữ tướng Lê Chân - người đã cùng với Hai Bà Trưng chống lại sự xâm lược của nhà Đông Hán, đồng thời là người đã có công khai hoang lập nên trang ấp cửa biển An Biên xưa, thành phố Hải Phòng ngày nay.

Lễ rước bộ đi chậm rãi trang trọng qua những dãy phố thân quen.

Tại lễ khai mạc, Chủ tịch UBND quận Lê Chân Phạm Tiến Du đã có bài Chúc văn truyền cảm và rất ấn tượng, thay mặt người dân thể hiện sự tri ân sâu sắc công đức to lớn của Nữ tướng Lê Chân, người đã có công khai hoang, lập ấp dựng nên trang An Biên vùng đất cửa biển đầy khí phách trong lịch sử, cùng sự kế thừa sâu sắc những giá trị cốt lõi hào hùng kết hợp với tư duy mới trong mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định xã hội và an ninh quốc phòng vững chắc của thành phố Hải Phòng ngày nay.

Người dân quận Lê Chân nói riêng, cũng như người Hải Phòng nói chung luôn đặc biệt trân trọng giá trị Di tích lịch sử Đền Nghè, đình An Biên (nơi thờ Nữ tướng Lê Chân), một mặt đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, sinh hoạt lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương, một mặt cũng thường xuyên cập nhật, giới thiệu với du khách, tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, các điểm du lịch tâm linh trên địa bàn thành phố nói chung, quận Lê Chân nói riêng.

Trò chơi dân gian trong khuôn khổ những ngày diễn ra lễ hội.

Cũng trong Chúc văn, Chủ tịch UBND quận Lê Chân Phạm Tiến Du đã sơ lược báo cáo một số kết quả kinh tế, xã hội của quận Lê Chân, đang phát triển với nhiều dự án trọng điểm của thành phố như dự án Cầu Rào 2, Làng Việt Kiều. Ngoài ra còn có nhiều dự án của các nhà đầu tư lớn như dự án Bệnh viện Vinmec của tập đoàn Vingroup đã đi vào hoạt động, dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall đang khẩn trương xây dựng…

Một nét văn hóa dân gian tại lễ hội.

Năm nay, Lễ hội truyền thống Nữ tướng Lê Chân diễn ra trong 3 ngày với nhiều hoạt động đặc sắc. Cùng với các nghi lễ dâng hương, cáo yết, lễ rước, lễ tạ được thực hiện theo nghi thức truyền thống, các màn biểu diễn trống hội, múa lân rồng, các hoạt động như Lễ cáo yết và dâng hương, tế lễ, tổ chức trò chơi dân gian (bịt mắt bắt vịt, đánh chắt, chuyền, trò chơi ô ăn quan, nhảy dây, nhảy bao bố, rồng rắn lên mây...)  khai mạc chợ quê, biểu diễn võ dân tộc…

Ngoài ra, trong suốt thời gian diễn lễ hội còn chuỗi các hoạt động hưởng ứng như: Giải chạy tập thể Olympic vì sức khỏe toàn dân; giải Vật tự do thành phố năm 2019; các hoạt động văn nghệ của Bảo tàng Hải Phòng; các hoạt động kỷ niệm 1979 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, 109 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, 88 năm Ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…do các phòng, ban, đơn vị, các tổ chức Hội và chính quyền địa phương quận Lê Chân phối hợp thực hiện…

Cũng như mọi năm, lễ hội năm nay kéo dài trong 3 ngày từ 12 đến hết ngày 14 tháng 3 năm 2019.

Quốc Cường

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu