06:43 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Hai kịch bản phòng dịch COVID-19 của Việt Nam trong thời gian tới

09:10 14/04/2022

(THPL) - Việt Nam sẽ xây dựng song song hai kịch bản, một là để COVID-19 trở thành bệnh lưu hành, hai là sẵn sàng các biện pháp dự phòng, không bị động để khi xuất hiện tình huống mới, chủng mới sẽ kích hoạt kịch bản ứng phó.

Trước đó tại cuộc gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế sáng 13/4, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đưa ra 2 kịch bản phòng chống dịch COVID-19 có thể triển khai trong thời gian tới.

Theo đó, ở kịch bản thứ nhất, biến thể Omicron xuất hiện phổ biến trong cộng đồng và sẽ dần giảm bớt độc lực. Bên cạnh đó, với miễn dịch có sẵn từ việc tiêm vaccine phòng COVID-19 và mắc bệnh, số trường hợp chuyển nặng và tử vong sẽ giảm. Đây là kịch bản có xu thế xảy ra nhiều hơn

"Với kịch bản này, chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức là đưa COVID-19 sang bệnh lưu hành. Các hoạt động xã hội có thể trở về bình thường. Tuy nhiên, mỗi cá nhân trong xã hội đều biết được các nguy cơ của mình và nếu thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch thì cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Chúng ta chủ yếu tập trung vào những đối tượng nguy cơ cao người cao tuổi, người có bệnh nền...", báo SK&ĐS dẫn lời Cục trưởng Cục Y tế Phan Trọng Lân.

Bộ Y tế đang xây dưng hai kịch bản phòng dịch COVID-19 của Việt Nam trong thời gian tới. Ảnh minh họa

Còn với kịch bản thứ 2, theo báo Tin tức, GS.TS Phan Trọng Lân cho hay, đến nay hiểu biết về virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được toàn diện. Khi giao lưu đi lại nhiều, việc xuất hiện liên tục các biến thể mới vẫn có khả năng xảy ra.

Các chủng này có thể hình thành do sự tương tác giữa các biến thể đã xuất hiện hoặc là chủng khác mới hơn. Chủng SARS-CoV-2 mới khi xuất hiện sẽ làm giảm đi hiệu lực bảo vệ của vaccine, có thể làm lây lan mạnh hơn và tăng nguy cơ chuyển nặng. Với kịch bản thứ hai này, Việt Nam sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách như đã từng thực hiện.

Hiện dịch bệnh cơ bản đang được kiểm soát trên cả nước. Trong 3 tuần qua, số ca nhiễm, ca nặng và tử vong tại các tỉnh, thành phố có xu hướng giảm từng ngày. Thành quả có được nhờ Việt Nam đã triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 với quy mô lớn nhất trong lịch sử.

Theo tin từ Bộ Y tế, kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam đã ghi nhận 10.297.587 ca mắc COVID-19, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 104.128 ca nhiễm).

Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay): Số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 10.289.840 ca. Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.527.942), TP. Hồ Chí Minh (603.976), Nghệ An (418.676), Bình Dương (382.112), Bắc Giang (377.326).

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 42.878 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm. Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 130/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 25/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Mai Anh (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu