07:09 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Hà Tĩnh: Một di tích hàng trăm năm tuổi có nguy cơ "mất tích"

Phan Châu – Trần Dũng | 14:46 07/07/2023

(THPL) - Dự án đường vành đai thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng đang "đứt đoạn", gặp khó khăn trong khâu giải phóng mặt bằng, vì quy hoạch và thi công con đường này đi thẳng vào vị trí dấu tích cổng đền của một ngôi đền có từ thế kỷ XVII. Sự việc này gây bức xúc trong nhân dân và các nhà chuyên môn nghiên cứu bảo tồn di sản văn hóa.

Cổng đền sừng sững là dấu tích của ngôi đền còn sót lại trải qua thăng trầm của lịch sử. Ảnh: Phan Châu 

Dự án làm đường "quy hoạch đi thẳng" vào cổng đền!

Dự án đường vành đai thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh (đoạn từ Quốc lộ 8A Phường Đức Thuận đến đường Tiên Sơn, Phường Trung Lương) có chiều dài gần 3km, mặt đường thảm nhựa rộng 30m. Công trình này có tổng đầu tư 150 tỷ đồng do UBND thị xã Hồng Lĩnh làm chủ đầu tư. Dự án khởi công từ tháng 12/2022, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2025.

Hiện, dự án đang trong quá trình giải phóng mặt bằng và đơn vị đã triển khai thi công. Song, tại vị trí cánh đồng, thuộc tổ dân phố Thuận Hòa (phường Đức Thuận), dự án đang "đứt đoạn", chưa thể giải phóng mặt bằng với chiều dài khoảng hơn 100m. Nguyên nhân của việc "đứt đoạn" này do quy hoạch trục đường dự án đã quy hoạch đường chạy thẳng qua đúng vị trí của cổng đền có tuổi đời hàng trăm năm. Phía trước đền còn có một ao nước và xung quanh là hàng cây xanh cổ thụ.

Ông Đinh Văn Thanh  (50 tuổi, trú TDP Ngọc Sơn, phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh), cho biết lúc nhỏ anh đã thấy cổng đền tồn tại. Anh cũng như nhiều người dân khá bất ngờ, ngạc nhiên khi dự án đường được quy hoạch chạy qua nơi này, mà lại quy hoạch ngay vào cổng đền.

"Trước đây nhân dân trong vùng và vùng lân cận khi đi chăn trâu bò, làm đồng, hoặc học sinh đi học ngang qua, chúng tôi thường nghỉ mát dưới gốc cây cổ thụ. Chốn đình, đền linh thiêng, chúng tôi không dám xâm phạm, hay phá các công trình còn sót lại hay chặt cây xanh", ông Thanh trăn trở.

Theo các cụ cao niên của làng thì dấu tích này của đền có nguy cơ sẽ bị "mất tích" nếu không có các giải pháp bảo tồn gìn giữ, phát huy các giá trị lịch sử.

Những câu đối  khắc ghi trên cổng đền vẫn còn mãi với thời gian. Ảnh: Phan Châu

Cơ quan chức năng nói gì?

Trao đổi với phóng viên của Thương hiệu và Pháp luật, ông Nguyễn Tùng Lĩnh, Trưởng phòng di sản văn hóa của Sở VHTT&DL Hà Tĩnh cho biết: “Về công tác chuyên môn lĩnh vực quản lý di sản văn hóa, địa phương cơ sở cũng như nhân dân cần phát huy hơn nữa ý thức và làm tốt công tác bảo tồn các công trình di sản văn hóa, trên cả phương diện di sản, vật thể và phi vật thể. Địa phương cần sớm có các văn bản trình, để xem xét đưa vào danh mục khoanh vùng bảo vệ các hạng mục di tích, phế tích, trên cơ sở đó xây dựng các phương án bảo tồn, trùng tu, phục dựng hay tôn tạo để phát huy các giá trị lịch sử văn hóa địa phương."

Về vấn đề trên, ông Lê Hồng Thành, Chủ tịch UBND phường Đức Thuận cho biết, công trình cổ kính này là dấu tích còn sót lại của ngôi đền có từ thế kỷ XVII (cách đây 300 năm). Trước kia, đền thờ Đức Thánh Trần và các vị danh nhân, tiên hiền khoa bảng, quá cố có công với dân với nước. Hiện trên nền đất cũ của ngôi đền còn có cổng đền còn sót lại mang lối kiến trúc từ thời nhà Nguyễn. Địa phương từng có tờ trình đề xuất lên các cấp ngành để xin bảo tồn, tôn tạo phục dựng cổng, cũng như phục dựng công trình thờ tự của ngôi đền nhưng chưa làm được".

Hàng chục cây gỗ Lộc vừng, Duối và Xà cừ có đường kính 2 ba người ôm vẫn sừng sững tồn tại với thời gian. Ảnh: Phan Châu 

Cũng vấn đề này, ông Tôn Quang Ngọc, Phó chủ tịch UBND Thị xã Hồng Lĩnh cho biết: “Thị xã và phường Đức Thuận xác định vai trò và tìm kiếm giải pháp cũng như nguồn kinh phí để bảo tồn phát huy di tích bị phế tích này theo phương án tịnh tiến theo phương vị ngôi đền cũ và di dời hoặc trùng tu, cổng đền mới theo phương vị, hướng tây 5000m2 và đất tịnh tiến dành cho công trình văn hóa mà không ảnh hưởng tới quy hoạch, dự án hay phát triển hạ tầng thị xã, bảo đảm các giá trị văn hóa lịch sử, cũng như phương vị, công trình văn hóa tâm linh khi trùng tu khôi phục”.

Vẻ đẹp hoang sơ cổ kính của cổng đền. Ảnh: Phan Châu 
Dự án đường vành đai thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) có tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng, chạy qua vị trí cổng đền, dấu tích của một ngôi đền có từ thế kỷ XVII. Ảnh: Phan Châu

Ngày 27/06/2023, UBND Phường Đức Thuận có tờ trình số 101 TTr/ UBND gửi các cấp ngành, để xin ý kiến và tìm kiếm giải pháp ,gặp khó trong giải phóng mặt bằng. Ảnh: Phan Châu 

Dư luận cử tri và nhân dân địa phương đặt ra nhiều câu hỏi băn khoăn, tại sao lại quy hoạch đường như vậy và nếu các cấp ngành, không có giải pháp tối ưu để xử lý công trình di tích này, thì liệu đơn vị thi công, khi thi công đến đoạn này, sẽ xử lý cổng đền ra sao? Phát triển hạ tầng đô thị là tốt cho xu thế phát triển kinh tế địa phương, đất nước..Nhưng còn công trình văn hóa lịch sử này sẽ như thế nào trong lòng dân, liệu có nguy cơ bị "mất tích"..?!         

Phan Châu – Trần Dũng

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu