11:26 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hà Tĩnh: Để người dân không phải ly hương!

12:53 31/07/2021

THPL - Để người dân “ly nông không phải ly hương”, tỉnh Hà Tĩnh đang đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp vào đầu tư tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy trên địa bàn.

 

Những ngày qua, hàng ngàn người tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam đã về quê bằng phương tiện xe máy

Cuộc di dân ngược!

Nhiều năm về trước, khi đại dịch COVID-19 chưa ập đến, dòng người từ Hà Tĩnh và các tỉnh miền Trung rồng rắn đến TP. HCM và các tỉnh thành khác để mưu sinh, mong thoát khỏi cảnh làm nông lam lũ ở quê nhà. Trong tiềm thức của nhiều người trẻ Hà Tĩnh luôn suy nghĩ lớn lên sẽ vào miền Nam lập nghiệp, bởi họ cho rằng phải ly hương mới mong có cơ hội đổi đời.

Thế nhưng, đại dịch COVID-19 đã khiến thành phố hoa lệ ấy bị tàn phá nặng nề. Dòng người một lần nữa lại thực hiện một cuộc di dân ngược từ TP. HCM và các tỉnh phía Nam mà đích đến lần này của họ là quê nhà, nơi chôn rau cắt rốn. Họ hầu hết là những lao động nghèo, không có nhà, đang thất nghiệp... buộc phải lựa chọn con đường cuối cùng là về quê bằng phương tiện xe máy.

Trước đó, tỉnh Hà Tĩnh và sắp tới là các tỉnh, thành khác đã lên phương án đón hàng ngàn công dân làm việc từ các tỉnh thành phía Nam về quê tránh dịch. Đây được xem là phương án giảm áp lực cho các tỉnh thành phía Nam và tạo điều kiện cho con em quê hương trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Tính đến cuối tháng 7/2021, đã có hơn 2.000 người trở về quê nhà, đang thực hiện cách ly, theo dõi y tế tại địa phương. Thế nhưng, đây cũng chỉ là cách giải quyết phần ngọn, vấn đề căn cơ là phải tính kế “sâu rễ, bền gốc”, giúp người dân không phải tha phương cầu thực vào miền Nam sinh sống, tìm kiếm việc làm.

Thu hút đầu tư giữ chân lao động

Để người dân “ly nông không phải ly hương”, những năm gần đây, tỉnh Hà Tĩnh đang đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp vào đầu tư tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, nhà máy trên địa bàn. Nhờ đó, hàng ngàn lao động địa phương đã có việc làm tại các nhà máy, xí nghiệp với nguồn thu nhập ổn định. Hiện các doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh có nhu cầu tuyển dụng khoảng 2.000 lao động, đến năm 2023 dự kiến là 10.000 người.

Bên cạnh mức lương thấp, nhiều khu công nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh chưa hình thành được chuỗi dịch vụ phục vụ đời sống, sinh hoạt của công nhân

 Ông Đặng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh cho biết: "Sau thời gian ưu tiên phát triển công nghiệp luyện thép, tỉnh đã điều chỉnh, bổ sung chiến lược phát triển kinh tế với bốn mũi nhọn trọng điểm bao gồm: Công nghiệp luyện thép, chế tạo sau thép và sản xuất điện; nông, lâm nghiệp và thủy sản; dịch vụ logistics; du lịch. Xu hướng phát triển này mở ra cánh cửa lớn thu hút lực lượng lao động địa phương và những người Hà Tĩnh đang làm việc ở các tỉnh khác trở về tiếp cận cơ hội việc làm ổn định, lâu dài".

Hà Tĩnh có gần 113.000 lao động đang làm việc tại các tỉnh, thành phố trong cả nước, là một trong những địa phương có số lượng lao động xa quê nhiều nhất cả nước. Dù nguồn nhân lực khá dồi dào nhưng vì sao các doanh nghiệp nội tỉnh vẫn không thể thu hút được nguồn nhân lực địa phương này? Theo đánh giá của Giám đốc Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Tĩnh Nguyễn Thị Thanh Hường thì một trong những nguyên nhân cốt lõi là do chế độ đãi ngộ, nhất là tiền lương chưa tương xứng với mức giá tiêu dùng hiện nay, gây ra những trở ngại trong quá trình kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp và người lao động.  

Theo tổng hợp khảo sát của Trung tâm Giới thiệu việc làm Hà Tĩnh, bình quân mức lương khởi điểm dành cho lao động chưa có tay nghề của các doanh nghiệp trên địa bàn (chiếm tỷ lệ trên 70% tổng số lao động ở các nhà máy) xấp xỉ 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, độ tuổi tuyển dụng của một số DN chỉ từ 42, 40 trở xuống (với người chưa có tay nghề) càng thu hẹp cơ hội thu hút lao động.

Bên cạnh mức lương thấp, nhiều khu công nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh chưa hình thành được chuỗi dịch vụ phục vụ đời sống, sinh hoạt của công nhân, vì vậy, chi phí sinh hoạt rất cao, khó tích lũy. Ở một khía cạnh khác, theo nhiều người đã và đang làm việc xa quê, cuộc sống ly hương dẫu có nhiều bất tiện nhưng môi trường làm việc ở các tỉnh, thành phố lớn lại khá năng động; người lao động có nhiều sự lựa chọn việc làm. Mức lương của các doanh nghiệp ngoại tỉnh vẫn hấp dẫn hơn các doanh nghiệp nội tỉnh.

Hà Tĩnh hiện có 2 khu kinh tế (Vũng Áng và Cầu Treo); 2 khu công nghiệp (Hạ Vàng và Gia Lách) đang tạo việc làm cho trên 19 ngàn người và 23 CCN ở các địa phương, trong đó, 13 CCN do UBND cấp huyện quản lý, 10 CCN đã được giao cho chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng.

Đến nay, các cụm công nghiệp đã thu hút được 312 dự án đăng ký đầu tư, trong đó có gần 200 dự án đã đi vào sản xuất kinh doanh với giá trị sản xuất hàng năm đạt 4.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 5.000 lao động.

 

Anh Tuấn

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu