14:47 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội: Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Tú tiếp tục bị tố lấy sữa chia cho giáo viên? (kỳ 2)

23:36 25/11/2019

(THPL) – Mới đây, Thương hiệu và Pháp luật tiếp tục nhận được phán ánh của phụ huynh về nhiều sai phạm của bà Phùng Thị Ánh Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Tú (Ứng Hòa, Hà Nội) trong năm học 2019-2020.

Theo phản ánh của phụ huynh, đầu năm học có quy định của Đề án chương trình sữa học đường cho học sinh mẫu giáo và tiểu học. Mỗi ngày học sinh đến trường được uống sữa 1 lần (1 hộp sữa 180ml). Trừ ngày nghỉ là thứ 7 và chủ nhật hàng tuần.

Thế nhưng, từ ngày 5-13/9/2019 (tức là sau ngày khai giảng-PV) tất cả học sinh toàn trường không được uống một hộp sữa nào khi đi học tại trường, nhưng nhà trường vẫn lấy sữa về. Trong khi đó, học sinh của các trường lân cận đều được uống sữa từ ngày khai giảng, phụ huynh cho biết.

Đại diện phụ huynh cung cấp, tổng số học sinh của trường Tiểu học Trung Tú vào khoảng 640 em, như vậy mỗi ngày ít nhất là 640 hộp sữa. Trong đó, có khoảng 60 học sinh gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, dân tộc thiểu số được nhà nước miễn đóng góp không phải nộp tiền.

Số tiền mà phụ huynh phải đóng cho học sinh được Giáo viên ghi lên bảng. (ảnh: phụ huynh cung cấp)

Như vậy, trong thời gian từ ngày 5-13/11/2019, số sữa mà học sinh không được uống vào khoảng 640 hộp/ngày * 7 = 4480 hộp sữa. Theo đại diện phụ huynh, với khảong 4480 hộp sữa không phát cho học sinh nói trên đã được Hiệu trưởng nhà trường đem chia, phân phát cho các giáo viên trong trường.

Dù không được uống, nhưng chúng tôi vẫn phải đóng tiền (trừ học sinh được miễn-PV) để con tới trường được uống sữa mỗi ngày là hơn 2 ngàn/hộp. Ngoài ra, giáo viên muốn nhận sữa cho học sinh thuộc diện con hộ nghèo, cân nghèo…. thì phải tự đóng tiền cho nhà trường, phụ huynh thông tin.

Không dừng lại đó, bà Phùng Thị Ánh Hiền - Hiệu trưởng nhà trường còn tổ chức dạy thêm ngoài quy định của nghành giáo dục. Cụ thể, tự ý sắp xếp mỗi khối một lớp chọn (lớp A) để tổ chức dạy, một buổi dạy Toán, Tiếng Việt và một buổi dạy Ngoại ngữ và ngày thứ 7 hàng tuần. Điều này, gây ra nhiều áp lực cho học sinh, và có mong muốn chuyển lớp khác.

Ngoài ra, tại trường Tiểu học Trung Tú còn xảy ra tình trạng ‘lạm thu’ như quỹ phụ huynh là 200.000 đồng/học sinh. Trông giữ học sinh ngoài giờ (đón sớm trả muộn): 60.000 đồng/học sinh/tháng. Thế nhưng, học sinh vẫn vào lớp và tan học đúng giờ quy định như các năm học trước. Ở các trường trong địa bàn không hề có việc thu tiền trông giữ này.

Để tìm hiểu thực hư phản ánh, vào sáng thứ 7 ngày 16/11/2019, PV Thương hiệu và Pháp luật có mặt tại trường Tiểu học Trung Tú (Ứng Hòa, Hà Nội). Tại đây, PV thấy của nhiều xe đạp mà theo người dân xung quanh là xe của học sinh. “Hôm nay thứ 7 nhưng học sinh vẫn đi học bình thường”, người dân địa phương nói.

Người đàn ông này xưng là nhân viên bảo vệ nhà trường.
Trong sân trường có nhiều xe đạp, mà theo người dân địa phương là xe của học sinh vì thứ 7 vẫn học bình thường. 

Tuy nhiên, nhằm tránh người ngoài tiếp cận tới các phòng học thì cổng trường Tiểu học Trung Tú luôn ‘cửa đóng, then cài’. PV đã trình bày với một người đàn ông xưng là nhân viên bảo vệ nhà trường nhưng vẫn không được vào trường.

Nhằm có thông tin khách quan, PV tiếp tục tìm tới ngôi trường này để được làm việc với bà Phùng Thị Ánh Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Tú nhưng nhân viên bảo vệ không cho vào vì lý do ‘Hiệu trưởng bận đi họp trên xã’.

Qua điện thoại, bà Phùng Thị Ánh Hiền - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Tú cho biết: “ Bây giờ tôi đang bận đi họp trên xã. Còn về vấn đề sữa học đường thì học sinh đóng tiền lúc nào, chúng tôi phát sữa lúc đấy, theo quy định của nhà nước”.

Khi được hỏi về nhiều phản ánh liên quan tới cá nhân Hiệu trưởng, bà Phùng Thị Ánh Hiền nói: “Giờ tôi đang bận. Lúc nào có thời gian rảnh, tôi sẽ tiếp PV sau, rồi lặng lẽ tắt máy”. Cuộc gọi của PV với vị Hiệu trưởng này kết thúc được khoảng 05 phút thì ông Ngô Tiến Hoàng -Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Ứng Hòa (chồng cô Hiền –PV) liên hệ qua điện thoại với PV.

Trước đó, Thương hiệu và Pháp luật đã đăng tải bài viết Hà Nội: Không đứng lớp, vẫn nhận tiền; không thành tích vẫn được chiến sỹ thi đua?. Trong bài viết nêu về sai phạm của bà Phùng Thị Ánh Hiền khi đang còn làm Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Tú.

Điều đáng nói, sai phạm (nếu có) trong quá trình làm Phó Hiệu trưởng nhưng không cơ quan chức năng nào phát hiện hoặc có thể phát hiện nhưng không xử lý nghiêm minh, đúng người đúng tội. Để rồi vị Phó Hiệu trưởng này được điều động, bổ nhiệm làm Hiệu trưởng trường Tiểu học Trung Tú khiến nhiều người ‘không phục’ mà đưa ra nhiều hoài nghi.

Được biết, bà Phùng Thị Ánh Hiền – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Tú là vợ của ông Ngô Tiến Hoàng – Huyện ủy viên, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Ứng Hòa.

PV Thương hiệu và Pháp luật đã liên hệ Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ứng Hòa, UBND huyện Ứng Hòa nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời. Có lẽ, đã đến lúc Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Ứng Hòa, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cần vào cuộc kiểm tra, làm rõ nhằm tránh xôn xao dư luận địa phương.

(còn tiếp)

UY VŨ

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu