21:57 ngày 25/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Hà Nội: Đề xuất xây 1,8 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân

10:02 10/09/2022

(THPL) - Bộ Xây dựng cho biết, theo kế hoạch, lộ trình xây 1,8 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp được Bộ Xây dựng chia làm 2 giai đoạn.

Báo Hà Nội mới đưa tin, thông tin về kết quả đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp, Bộ Xây dựng cho biết, đến nay, cả nước đã hoàn thành 301 dự án, quy mô xây dựng khoảng 156.000 căn hộ (tổng diện tích hơn 7,79 triệu mét vuông sàn) và đang tiếp tục triển khai 401 dự án, quy mô khoảng 455.000 căn hộ (khoảng 22,718 triệu mét vuông sàn). Việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã giúp cho hàng trăm nghìn hộ có điều kiện nâng cao chất lượng nhà ở. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu đặt ra.

Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân là chính sách ưu đãi như: Miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế... đã ban hành chưa đủ hấp dẫn nên không thu hút, khuyến khích chủ đầu tư. Vốn bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016-2020 để phát triển nhà ở xã hội còn thấp, khoảng 3.163/9.000 tỷ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 35% so với nhu cầu. Trong khi đó, vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí. Ngoài ra, nhiều địa phương chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội...

Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đều mong muốn tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, bởi ngoài trách nhiệm kinh doanh, đó còn là trách nhiệm đối với cộng đồng, xã hội. Thế nhưng, để thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển loại hình nhà ở này, cần giải quyết các vấn đề về thời gian, thủ tục, nguồn vốn cũng như hoạt động phân phối. Thực tế cho thấy, khi phát triển nhà ở xã hội, doanh nghiệp không chủ động được về dòng tiền; đối tượng mua nhà ở xã hội, giá bán, đều do Nhà nước quyết định...

Việc thiếu hụt nhà ở xã hội, nhà ở công nhân so với nhu cầu là một trong những bất cập trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững. “Đây là vấn đề cấp bách và cần thiết phải có giải pháp khắc phục, giúp công nhân, người thu nhập thấp cải thiện điều kiện sống”, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi nhận xét.

Bộ Xây dựng đề xuất xây 1,8 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân. Ảnh minh hoạ

Bộ Xây dựng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.

Hiện đã có 40 địa phương đăng ký nhu cầu và kế hoạch thực hiện. Theo đó, nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp của các địa phương giai đoạn 2021-2030 vào khoảng 2,6 triệu căn và mục tiêu đề ra của các địa phương cho giai đoạn này là hoàn thành khoảng 1,8 triệu căn hộ.

Lộ trình thực hiện cũng được chia ra theo 2 giai đoạn. Năm 2021-2025, thống kê nhu cầu về nhà ở xã hội dành cho đối tượng thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp khoảng 1,3 triệu căn và mục tiêu được các địa phương đặt ra là hoàn thành 700.000 căn, đáp ứng khoảng 54% nhu cầu. Tương tự, giai đoạn 2025-2030 cũng có nhu cầu 1,3 triệu căn nhưng mục tiêu hoàn thành tăng lên thành 1,1 triệu căn hộ, đáp ứng khoảng 85% nhu cầu.

Dẫn đầu về nhu cầu của phân khúc nhà ở này theo đăng ký là TP Hồ Chí Minh với hơn 345.000 căn, tiếp đến là Long An 310.000 căn, Bắc Giang trên 285.000 căn, Đồng Nai khoảng 152.000 căn, Hà Nội 136.000 căn...

Báo Tin tức cho hay, theo đề án, mục tiêu đặt ra là phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.

Về giải pháp tổ chức triển khai, thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ Xây dựng đề xuất, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát, nhận diện các tồn tại, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân. Từ đó, đề xuất các giải pháp, trước hết tập trung sửa đổi ngay các văn bản quy phạm thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương đảm bảo đồng bộ, thông thoáng, phân cấp triệt để, rút ngắn các thủ tục hành chính…

Cùng đó, các bộ, ngành cần tổng hợp, đề xuất và phân bổ đủ nguồn vốn từ ngân sách Trung ương để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội; thiết kế chính sách theo hướng hậu kiểm (giá bán, đối tượng, điều kiện...).

Bên cạnh đó, các địa phương cần khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; trong đó, làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp để phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở để chấp thuận đầu tư các dự án.

Tuấn Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu