18:25 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Gian nan “cuộc chiến" giữ rừng ở Kon Tum

Nhóm PV | 09:39 20/03/2019

(THPL) - Nhìn lại vụ việc phá rừng xảy ra tại xã Đăk Rơ Nga mà Thương hiệu và Pháp luật phản ánh để thấy được thực trạng hiện nay. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận khách quan về những khó khăn mà đơn vị chủ rừng là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đang gặp phải trong “cuộc chiến" giữ rừng.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô quản lý trên 30.000 hecta rừng và đất rừng và chia làm 3 đơn vị trực thuộc. Bao gồm, 2 lâm trường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; 1 Trung tâm Bảo tồn phát triển kinh doanh Sâm Ngọc Linh. Hầu hết diện tích rừng do đơn vị quản lý nằm trải dài trên địa phận 2 huyện: Đăk Tô và TuMơRông (tỉnh Kon Tum). Cùng với đó, để làm tốt công tác bảo vệ rừng, đơn vị chủ rừng đã giao khoán hàng nghìn hecta rừng về cho thôn quản lý, giải quyết việc làm cho người dân địa phương.

Diện tích rộng nên rừng thuộc công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô quản lý có trữ lượng cây gỗ lớn, chủng loại hết sức phong phú. Đặc biệt, các loại cây gỗ có giá trị cao, như: Dổi, Cáng Lò... bên cạnh đó, các loài động vật sinh sống trong rừng cũng hết sức đa dạng.

Người dân tham gia bảo vệ rừng. 

Để ghi nhận thực tế công tác quản lý và bảo vệ rừng, chúng tôi đã đề nghị ông Nguyễn Thành Chung- Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô cử người đi vào rừng. Và rồi chúng tôi được anh Phan Trọng Văn-Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đưa đi thực địa.

Chúng tôi chọn xã Đăk Trăm (huyện Đăk Tô) là điểm đến. Bởi vì địa bàn xã Đăk Trăm trước đây từng là điểm nóng về nạn khai thác lâm sản trái phép. Và rồi, chúng tôi được một nhân viên của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đưa vào rừng bằng chiếc xe sắt độ chế. Theo như lời anh Văn thì chiếc xe này là của những đối tượng lâm tặc vào phá rừng và bị lực lượng của công ty bắt giữ.

Suốt quãng đường di chuyển vào rừng, chúng tôi được anh Văn, cho biết: “Có thời điểm, chúng tôi thống kê có khoảng 150 xe máy độ chế. Chúng tôi đã lập danh sách gửi về cho xã để tuyên truyền, vận động người dân và kiên quyết xử lý những trường hợp đưa xe máy độ chế vào rừng khai thác gỗ".

Chủ rừng cùng người dân lập chốt để ngăn chặn phá rừng.

Sau này về làm việc với ông Nguyễn Thành Chung- Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô thì ông Chung cũng giãi bày: “Vì là địa bàn hết sức thuận lợi nên các đối tượng lâm tặc dùng xe máy độ chế cơ động vào cắt trộm và đưa về trong đêm. Nếu cơ quan chức năng xử lý mạnh được xe máy độ chế thì sẽ không có chuyện các đối tượng lén lút vào phá rừng nữa".

Cũng theo ông Chung, trách nhiệm chính của công ty là quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, quyền hạn lại rất hạn chế. Chẳng hạn, khi đi tuần tra phát hiện các đối tượng khai thác gỗ, nếu các đối tượng có tấn công thì cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng cũng không dám chống trả. Chính vì vậy trong thời gian qua, đã xảy ra nhiều vụ nhân viên bảo vệ rừng bị chính những tên “lâm tặc" tấn công, gây ra nhiều thương tích.

Trò chuyện với chúng tôi, anh A Man- nhân viên bảo vệ rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô, cho biết: “Để bảo vệ rừng, tôi cùng anh em đã phải lập chốt ngay bên ngoài cửa rừng, trực chốt 24/24. Mặc dù công việc áp lực, cuộc sống khó khăn nhưng với quyết tâm bảo vệ đại ngàn, chúng tôi sẽ không để một cây gỗ ra khỏi rừng".

Đã xảy ra nhiều vụ "lâm tặc" tấn công cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng.

Chuyện là, tháng 5/2018, A Man phát hiện một số người vận chuyển gỗ đi bán nên phối hợp với xã, dân quân đi bắt nhưng đã bị một đối tượng tên Nghĩa (trú tại xã Đăk Trăm) dí súng vào đầu và đánh trọng thương A Man.

Theo thống kê từ đơn vị chủ rừng, trong và sau Tết Kỷ Hợi đã xảy ra 3 vụ “lâm tặc" tấn công, gây thương tích cho cán bộ, nhân viên bảo vệ rừng. Trong các đợt truy quét, lực lượng công ty bắt giữ xe máy độ chế, máy cưa của “lâm tặc" nên cán bộ, nhân viên thường xuyên bị chúng đe dọa.

Ngoài công tác trồng mới rừng, tập trung phòng cháy chữa cháy rừng, ngăn chặn kịp thời người dân phát rừng làm nương rẫy, quản lý và bảo vệ rừng già thì Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô còn đang sở hữu hơn 15 hecta sâm Ngọc Linh. Diện tích sâm Ngọc Linh đều nằm trên địa bàn xã Măng Ri (huyện TuMơRông) và đã tạo điều kiện công ăn việc làm cho 20 công nhân là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Trong năm 2018, để phục vụ Triển lãm Hội nghị xúc tiến đầu tư địa bàn tỉnh Kon Tum và Tuần lễ Văn hóa Du lịch tỉnh Kon Tum, công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đã cho khai thác gần 2.000m2 sâm Ngọc Linh, trữ lượng hơn 70kg (sâm trên 15 năm tuổi).

Thiết nghĩ, nhiệm vụ bảo vệ rừng không phải của riêng ai. Muốn giữ được rừng, cần sự vào cuộc của mỗi người dân, của cộng đồng dân cư và cả một hệ thống cơ quan chuyên trách. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm vấn nạn xe máy độ chế. Có như vậy thì mới giữ được đại ngàn xanh tươi.

Nhóm PV

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu