11:07 ngày 25/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Giá thịt lợn vẫn thấp kỷ lục, người chăn nuôi điêu đứng

11:20 15/04/2017

(THPL) - Ngày 14/4, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, giá thu mua lợn hơi trong tuần qua vẫn nằm ở mức thấp. Tình trạng này kéo dài từ trước Tết Nguyên đán đến nay đã khiến cho nhiều hộ chăn nuôi lỗ nặng, chịu cảnh điêu đứng.

Giá lợn giảm sâu kỷ lục

Giá lợn giảm sâu xuống mức kỷ lục kéo dài nhiều tháng qua khiến các hộ chăn nuôi lợn, nhất là hộ nuôi nhỏ lẻ gặp thua lỗ và phải ngừng nuôi. Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai dự báo giá lợn khó khởi sắc trở lại trong vài tháng tới, vì nguồn cung còn nhiều. Do vậy, ngoài việc “ngóng” thị trường Trung Quốc hút hàng, người nuôi phải điều chỉnh giảm đàn để giảm lỗ.

Cùng với sức ép nguồn cung lớn, Trung Quốc giảm mua, người chăn nuôi cũng chịu sức ép từ thịt nhập khẩu. Theo số liệu của Hải quan, từ đầu năm đến giữa tháng 3/2017, cả nước nhập khoảng 7.800 tấn thịt lợn các loại, trị giá hơn 9,4 triệu USD, tăng 16% về lượng và 21% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.

Giá thịt lợn hơi xuất chuồng giảm mạnh và giữ ở mức thấp khiến người nuôi thua lỗ nặng. (Ảnh:TTXVN)

Chị Lê Thị Ba ở Phúc Thọ (Hà Nội) như "ngồi trên đống lửa" khi 500 con lợn của chị đang đến kỳ xuất chuồng. Chị chia sẻ với Vietnamnet: "Cách đây khoảng nửa tháng, chị xuất chuồng đàn lợn 200 con với giá chỉ 26.500 đồng/kg. Với mức giá này, gia đình chị đã phải gánh lỗ khoảng 200 triệu đồng. Thế nhưng, lứa lợn xuất chuồng kỳ này còn bi đát hơn khi thương lái chỉ trả với mức giá 23.000 đồng/kg. Giờ thì rẻ hay đắt cũng phải bán tống bán tháo đi. Chứ càng nuôi càng tốn kém mà lợn quá lứa giá lại càng rẻ hơn".

Cùng chung tình trạng với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực, giá lợn tại tỉnh Long An bắt đầu giảm vào khoảng giữa năm 2016, đến thời điểm trước Tết Nguyên đán, giá đã giảm sâu chạm đáy ở mức từ 25.000 – 28.000 đồng/kg lợn hơi. Đến nay, dù giá có tăng lên khoảng 32.000 đồng/kg nhưng với mức giá này thì người chăn nuôi vẫn đang chịu lỗ, gặp nhiều khó khăn. 

Theo bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Long An, trong tháng 2 và tháng 3, trung bình mỗi tháng có khoảng 35.000 con lợn đến thời điểm xuất bán. Tuy nhiên, trên thị trường giá lợn vẫn ở mức thấp nên người chăn nuôi tiếp tục chịu lỗ nặng, ước tính thiệt hại cho người dân đến nay khoảng 30 tỷ đồng. Nhiều hộ chăn nuôi sau khi bán lỗ đàn lợn để trả nợ tiền thức ăn thì vẫn chưa dám tái đàn. 

Nghề nuôi lợn “vỡ trận”

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) thừa nhận, giá thịt lợn hơi giảm mạnh và duy trì ở mức thấp do mất cân bằng cung - cầu, không chủ động được thị trường, phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Thế nên, khi Trung Quốc ngừng mua, siết chặt việc xuất nhập khẩu qua đường tiểu ngạch thì lợn Việt Nam bị ách tắc đầu ra và giá giảm mạnh.

Nhiều hộ chăn nuôi lợn đành phải "treo chuồng". (Ảnh:TTXVN)

Thêm nữa, thời gian qua, khi thấy giá lợn hơi tăng mạnh, người chăn nuôi ồ ạt phát triển đàn lợn, cũng khiến nguồn cung vượt quá nhiều so với nhu cầu thực tế của thị trường.

Bộ NN-PTNT vừa qua đã có những động thái nhằm “hãm bớt” lại tốc độ nuôi lợn và cử đoàn sang làm việc với cơ quan chức năng phía Trung Quốc, nhằm ký kết hợp tác xuất khẩu thịt lợn qua con đường chính ngạch sang thị trường này. 

Để đảm bảo cho người chăn nuôi có đầu ra ổn định, tránh thiệt hại như thời gian vừa qua, vấn đề tổ chức lại sản xuất, liên kết chăn nuôi theo chuỗi từ khâu đầu vào cho đến các khâu phân phối, tiêu thụ được xem là giải pháp căn cơ, cấp thiết. 

Trong thời gian qua, ngành nông nghiệp và nhiều địa phương đã vận động, khuyến khích nông dân liên kết lại, liên kết với doanh nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nhưng đến nay hiệu quả chưa là bao. Việc liên kết mới chỉ ở số ít, còn phần lớn vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ, rời rạc. 

Về lâu dài, phải giám sát được quy hoạch, không để xảy ra tình trạng khi giá cao thì sản xuất ồ ạt, đến khi giá giảm thì thiệt hại nặng nề. Đồng thời, ngành chăn nuôi và sản xuất thịt trong nước nói chung và thịt lợn nói riêng cũng cần phải đẩy nhanh nội lực, sử dụng thức ăn chăn nuôi hiệu quả, giảm giá thành...

Đồng thời, kiến nghị các Bộ, ngành chức năng cần tăng cường công tác dự báo, dự đoán thị trường, mở rộng thị trường xuất khẩu tránh lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc như hiện nay. Trên cơ sở đó, các địa phương mới có những chỉ đạo sản xuất phù hợp.

Bích Thảo (t/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu