15:21 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Gia tăng tình trạng nhập lậu đường cát qua biên giới

16:21 15/09/2022

(THPL) - Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, từ nhiều năm nay, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu đường cát ngày càng tinh vi, khó kiểm soát.

Bên cạnh những sự vụ buôn lậu đường với số lượng "khủng" mà lực lượng đã phát hiện thì thủ đoạn điển hình là chia nhỏ khối lượng, đóng bao đường nhập lậu giả mạo là đường Việt Nam từ bên kia biên giới rồi sử dụng giấy tờ hợp pháp tuồn sâu vào nội địa; xóa hết các thông tin trên bao bì đựng đường để cơ quan chức năng không xác định được nguồn gốc xuất xứ…

Vừa qua, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang phối hợp với Đội Cảnh sát giao thông Công an thành phố Mỹ Tho chặn dừng và tiến hành khám 01 phương tiện ô tô tải, phát hiện trên phương tiện có 200 bao đường tinh luyện cao cấp loại 50 kg/bao, tương đương 10 tấn xuất xứ Indonexia có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng có nhãn phụ không ghi đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện theo tính chất hàng hóa (không ghi thông tin cảnh báo).

Trước đó ngày 12/9/2022 tại Long An, Đoàn công tác Đội Quản lý thị trường số 2, tiến hành kiểm tra xe ô tô tải biển kiểm soát 62H-027.42 và phát hiện 110 bao (loại 50kg/bao) đường cát nhập lậu, tương đương 5.500 kg. Đoàn công tác Đội Quản lý thị trường số 2 lập quyết định tạm giữ phương tiện, tang vật đưa về trụ sở Đội để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định pháp luật.

Tính từ đầu năm 2022 đến nay, Đội Quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh Long An đã phát hiện, xử lý 3 trường hợp vận chuyển đường cát do nước ngoài sản xuất nhập lậu. Xử phạt vi phạm hành chính với số tiền là 130 triệu đồng và tịch thu 9.950 kg đường cát.

Gia tăng tình trạng nhập lậu đường cát qua biên giới. Ảnh minh hoạ

Báo Công thương đưa tin, theo đánh giá của lực lượng quản lý thị trường, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu đường là lợi dụng sơ hở của lực lượng chức năng khi tuần tra, kiểm soát, thuê một số cư dân địa phương mang, vác hàng hóa qua biên giới, sau đó nhanh chóng tập kết đưa lên xe ô-tô vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.

Quá trình vận chuyển, đối tượng thuê người canh đường, cảnh giới rất chặt chẽ. Người dân khu vực biên giới còn hạn chế về trình độ và nhận thức, đời sống khó khăn, cơ hội việc làm ít, thu nhập từ sản xuất nông nghiệp truyền thống không cao, từ đó dễ dàng bị lôi kéo, lợi dụng để tham gia, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu.

Ông Nguyễn Văn Lộc- Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA) nhìn nhận rằng, tình trạng buôn lậu đường không chỉ vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách của nhà nước mà còn khiến cho đường sản xuất trong nước khó tiêu thụ, lượng tồn kho, chi phí tài chính tăng đến mức doanh nghiệp phải bán dưới giá thành.

Để ngăn chặn đường lậu, Tổng cục Quản lý thị trường đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh phía Nam tiếp tục tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận trương mại trên các lĩnh vực quản lý; đặc biệt là công tác chống buôn bán, vận chuyển mặt hàng đường cát nhập lậu nhằm ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp kinh doanh chân chính và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Tạp chí VnEconomy thông tin thêm, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389 quốc gia) cũng đã đề xuất đưa yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường.

Hệ thống truy xuất cần kết hợp với công nghệ như sử dụng mã QR code nhằm giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng. Đồng thời, yêu cầu ngăn chặn triệt để tình trạng lợi dụng hóa đơn chứng từ bán thanh lý đường nhập lậu bị tịch thu, hóa đơn mua bán đường trong nước để quay vòng hóa đơn...

Tú Chi (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu