22:06 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Giá hồ tiêu Việt Nam đang "chạm đáy" của 6 năm qua

| 11:40 29/06/2017

(THPL) - Tình hình xuất khẩu sang các thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản bị chững lại, trong khi đó diện tích hồ tiêu trên cả nước lại vượt quy hoạch, dẫn đến cung vượt cầu là những nguyên nhân khiến giá hồ tiêu lao dốc xuống mức thấp nhất 6 năm qua.

Thị trường hồ tiêu trong nước tiếp tục biến động giảm trong tháng 6/2017. So với cuối tháng 5/2017, giá tiêu tại Bà Rịa – Vũng Tàu giảm 2.000 đồng/kg xuống còn 79.000 đ/kg. Giá tiêu tại Đồng Nai giảm 5.000 đồng/kg xuống mức 75.000 đồng/kg. Giá tiêu tại Gia Lai giảm 5.000 đồng/kg xuống mức 76.000 đồng/kg.

So với cuối năm 2016, giá tiêu trong nước giảm tới 57.000 – 61.000 đ/kg. Nếu so với cùng kỳ năm 2016, giá tiêu hiện đã sụt giảm tới 50%. Đây được xem là mức giảm kỷ lục của ngành hồ tiêu trong vòng 5 - 6 năm trở lại đây.

Hồ tiêu rớt giá thê thảm khiến người trồng tiêu gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: Internet)

Các doanh nghiệp xuất khẩu cho biết giá hồ tiêu giảm mạnh so là do tình hình xuất khẩu sang các thị trường Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản bị chững lại, trong khi đó diện tích hồ tiêu trên cả nước vượt quy hoạch dẫn đến cung vượt cầu khiến giá hồ tiêu lao dốc.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng tiêu xuất khẩu sáu tháng đầu năm 2017 ước đạt 126 nghìn tấn và 714 triệu USD, tăng 18% về khối lượng nhưng giảm 17% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Giá tiêu xuất khẩu bình quân chỉ đạt 5.876 USD/tấn, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2016.

Hồ tiêu là một trong những loại cây trồng chủ lực của vùng Tây Nguyên với hơn 55.000ha (chiếm khoảng 56,7% diện tích hồ tiêu của cả nước). Bà Nguyễn Mai Oanh (Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam) cho biết, việc giá tiêu giảm là điều tất yếu do diện tích trồng và sản lượng tiêu của Việt Nam tăng, trong khi nhu cầu thế giới có mức độ nhất định.

Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Hồng cho biết, giá tiêu giảm sâu ngoài việc sản lượng hồ tiêu của Việt Nam tăng còn do các nhà đầu cơ thấy sản lượng cao nên chưa chịu thu mua. Ngoài ra, chất lượng hồ tiêu nhiều nơi có vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ trên thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường "khó tính". 

Trước thực trạng này, các chuyên gia khuyến cáo người nông dân hết sức cân nhắc đầu tư và không nên mở rộng diện tích cây hồ tiêu, đặc biệt ở những vùng không thuận lợi vì loại cây này phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, đặc biệt 2 vùng sản xuất lớn là Tây Nguyên và Đông Nam Bộ - vùng trong dự báo có ảnh hưởng của khô hạn và mưa dữ dội.

Còn theo ông Hoàng Phước Bính - Phó chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cần tạm ngưng trồng mới hồ tiêu để tập trung chăm sóc diện tích hồ tiêu hiện có theo hướng sinh học và hữu cơ để hạt tiêu sạch, đạt uy tín. 

Tuấn Kiệt (t/h)

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu