21:37 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Giá dầu thô tiếp tục đà tăng, tiệm cận 120 USD/thùng

09:27 29/05/2022

(THPL) - Giá dầu thô Brent tiếp tục tăng phiên thứ ba liên tiếp, đạt 119,43 USD/thùng, vượt mức cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent đã tăng tới 6% khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên toàn cầu đang tăng mạnh.

Báo Công thương đưa tin, chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô Brent giao tháng 7/2022 tiếp tục tăng 1,7% lên 119,43 USD/thùng; giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 6/2022 tăng nhẹ 0,9% lên 115,07 USD/thùng. Tính chung cả tuần này, giá dầu thô Brent đã tăng tới 6% và giá dầu thô WTI tăng 1,5%.

Đà tăng của giá dầu thô hiện nay chủ yếu do nhu cầu sử dụng nhiên liệu và các sản phẩm chế xuất từ dầu thô trên toàn cầu đang tăng mạnh. Giá dầu thô Brent hiện đã chạm mức cao nhất trong vòng 2 tháng trở lại đây.

Ông Giovanni Staunovo, chuyên gia phân tích tại ngân hàng đầu tư UBS (Thuỵ Sĩ), cho biết “Mùa cao điểm di chuyển và nhu cầu du lịch mạnh mẽ tại Hoa Kỳ đang giúp giá dầu thô tăng lên. Nhu cầu hiện tăng vọt so với nguồn cung do đó tình trạng căng thẳng nguồn cung trên thị trường dầu mỏ nhiều khả năng sẽ còn kèo dài. Vì thế, chúng tôi (UBS) tiếp tục nhận định triển vọng giá dầu thô trong thời gian tới ở mức tích cực”.

Dữ liệu cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ trong tuần trước đã sụt giảm mạnh 1 triệu thùng khi các nhà máy lọc hoá dầu tại nước này đạt công suất hoạt động cao nhất kể từ hồi tháng 12/2019. Các nhà máy lọc hoá dầu đang tăng cường hoạt động nhằm chuẩn bị cho mùa Hè – mùa cao điểm di chuyển tại Hoa Kỳ với nhu cầu sử dụng nhiên liệu đạt mức cao nhất trong năm.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) hiện đang thảo luận kế hoạch cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga. Một số nguồn tin cho biết EU đề xuất sẽ cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu thô từ Nga qua đường biển và chỉ để ngỏ khả năng tiếp tục cho nhập khẩu dầu thô bằng đường ống nhằm thuyết phục Hungary thông qua kế hoạch trên. Trước đó, Hungary đã bỏ phiếu chống lại kế hoạch này và yêu cầu EU phải hỗ trợ khoản tài chính lên tới 800 triệu USD để nước này đảm bảo an ninh năng lượng khi từ bỏ hoàn toàn nguồn cung dầu thô từ Nga.

Các quan chức EU hiện kỳ vọng sẽ đạt được sự đồng thuận về cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga trong ngày 29/5 (theo giờ địa phương) để kịp trình Uỷ ban châu Âu (EC) thông qua trong phiên họp thượng đỉnh vào ngày 30/5 tới đây.

Mặt khác, ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích tại hãng giao dịch hàng hoá phái sinh Price Futures Group (Hoa Kỳ), nhận định sự lạc quan về tình trạng căng thẳng nguồn cung năng lượng trên toàn cầu đang lấn át lo ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc suy thoái kinh tế mới.

Giá dầu tuần sau dự báo vẫn sẽ tăng do nguồn cung yếu

Hồi đầu tháng này, giá dầu thô đã chịu áp lực giảm mạnh, có lúc rơi xuống dưới ngưỡng 100 USD/thùng, khi nhiều tổ chức và chuyên gia phân tích cảnh báo nền kinh tế lớn nhất thế giới Hoa Kỳ có thể rơi vào suy thoái khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) mạnh tay siết chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát.

Đồng thời, thị trường cũng lo ngại việc Trung Quốc duy trì các biện pháp phong toả nghiêm ngặt nhằm phòng chống đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô. Tuy nhiên, giới phân tích hiện lạc quan cho rằng nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc sẽ sớm phục hồi trở lại khi nước này nới lỏng phong toả trong thời gian tới.

Theo Báo Quân đội Nhân dân, dù nguồn cung dầu thiếu hụt, nhưng nhiều khả năng Tổ chức các nước xuất khẩu dẩu mỏ và các đồng minh (OPEC+) vẫn sẽ giữ nguyên tăng mục tiêu sản lượng của tháng 7 lên 432.000 thùng/ngày trong lần nhóm họp 6/2 tới. Giá dầu tuần sau dự báo vẫn sẽ tăng do nguồn cung yếu.

Lâm Tới (T/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu