07:39 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Đốt vàng mã, nên hay không?

| 08:48 30/01/2017

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm cả nước đốt hơn 40.000 tấn vàng mã, tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng.

Đa số mọi người đốt vàng mã với niềm tin người thân đã khuất của mình sẽ có cuộc sống đủ đầy ở thế giới bên kia. Tuy nhiên, trong quan niệm Phật giáo, việc hóa vàng có ý nghĩa hay không?

Đốt vàng mã gây lãng phí, tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn. (Ảnh minh họa)

Thượng tọa Thích Duy Trấn- Phó Ban Hoằng Pháp, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam giải đáp thắc mắc này: “Trong kinh điển của Đức Phật không có dạy mình phải đốt vàng mã, đó là một hủ tục mê tín dị đoan cho nên mình không nên làm. Mình thử nghĩ coi những người bán, đốt vàng mã gây nên bao nhiêu phiền phức, rồi còn khói bụi, hỏa hoạn nữa”.

Thượng tọa Thích Duy Trấn là một bậc cao tăng có nhiều đóng góp cho sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. Trong suốt hơn 30 năm trụ trì chùa Liên Hoa, Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh, Thượng tọa đã khởi xướng và kiên định việc “Nói không với vàng mã”, để dành tiền làm công tác từ thiện xã hội. Trên 10 tỷ đồng tiền tiết kiệm từ việc vận động phật tử không đốt vàng mã, Thượng tọa đã mang đến các vùng sâu, vùng xa giúp đỡ bà con xây nhà, xây cầu, cấp học bổng cho học sinh nghèo hiếu học…Theo Thượng tọa, làm việc thiện giúp cho người nghèo là cách tích đức tốt nhất, công đức đó được hồi hướng cho người đã khuất như một sự tri ân, chứ việc đốt vàng mã hoàn toàn không có ý nghĩa gì.

Thượng tọa Thích Duy Trấn giải thích thêm: “Giống như mình lấy tiền thật đi mua tiền giả đốt. Cái này đâu phải tri ân gì đâu. Cho nên mình nên có nhận thức cho đúng để làm những việc giúp cho đời, giúp cho đạo, giúp cho dân nghèo được tốt hơn”.

Tiến sĩ Thích Giác Hoàng- Ủy viên Hội Đồng Trị sự, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Tổng Thư ký Học Viện Phật Giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh - là người đã có nhiều năm đi sâu nghiên cứu giáo lý nhà Phật- cũng đồng quan niệm với Thượng tọa Thích Duy Trấn về tục đốt vàng mã.

Tiến sĩ Thích Giác Hoàng nói: “Quan niệm chánh kiếp của nhà Phật thì đốt vàng mã là không cần thiết. Mỗi chúng sinh có một thức ăn riêng, một cảnh giới riêng. Người chết rồi không thể lấy đồ vàng mã làm y phục được. Đó là tín ngưỡng dân gian chứ không phải tín ngưỡng Phật giáo. Cho nên nếu các cơ quan ban ngành tuyên truyền được việc hạn chế đốt vàng mã để khỏi gây ô nhiễm, khỏi tốn hao, khỏi các hình thức mê tín dị đoan là việc rất cần thiết”.

Không chỉ thiệt hại về kinh tế, nhiều vụ cháy có nguyên nhân từ việc đốt vàng mã đe dọa trực tiếp tới sức khỏe và tính mạng người dân. Đặc biệt là vào dịp cuối năm, cùng với nhiều nghi lễ cúng bái thì lượng vàng mã được sản xuất và mua bán cũng tăng lên đáng kể, khiến nguy cơ hỏa hoạn luôn rình rập ở các khu dân cư.

Chị Phạm Thị Ngọc Hân ở chung cư Sư Vạn Hạnh, Quận 5 nói: “Tôi thấy mình do ảnh hưởng phong tục của ông bà xưa chứ bây giờ không nên đốt vàng mã vì nó rất dễ gây ra hỏa hoạn, điều thứ hai là vô cùng lãng phí”.

Theo các nhà nghiên cứu, tục đốt vàng mã có nguồn gốc từ Trung Quốc. Hơn 200 năm trước, tục đốt vàng mã đã được mô tả trong Truyện Kiều của Nguyễn Du qua câu thơ viết về lễ tảo mộ trong Tiết Thanh Minh: “Ngổn ngang gò đống kéo lên/ Thoi vàng vó rắc, tro tiền giấy bay”. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có thời kỳ việc đốt vàng mã không còn phổ biến. Tuy nhiên ngày nay, cùng với sự phát triển chung của đời sống kinh tế, tục đốt vàng mã đã trở lại rầm rộ hơn bao giờ hết.

Từ quan niệm “trần sao âm vậy”, nhiều gia đình đã không tiếc tiền của sắm sửa cho người thân đã khuất từ nhà lầu, xe hơi, ti vi, điện thoại đời mới nhất cho đến áo quần, đồ trang sức… bằng vàng mã, và dĩ nhiên đi kèm là một lượng lớn tiền âm phủ. Không chỉ đốt vàng mã ở nhà riêng hay nơi mồ mả trong các dịp ma chay, giỗ chạp, việc đốt vàng mã còn diễn ra khá phổ biến ở các đền, chùa, miếu mạo…

Để chiều lòng Phật tử cũng như tránh việc cháy lan dễ gây hỏa hoạn, nhiều nhà chùa đã cho xây một nơi dành riêng để đốt vàng mã hình trụ tháp, tách biệt với khu vực chánh điện. Ngày rằm mùng một, nơi đây thường xuyên đỏ lửa. 

Tục đốt vàng mã đã có từ lâu đời, ăn sâu vào tâm thức của nhiều người nên rất khó từ bỏ trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, khi đã nhận rõ nguồn gốc cũng như những thiệt hại, nguy cơ do hủ tục này gây ra, liệu chúng ta có nên tiếp tục duy trì?.

 Theo VOV

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu