07:45 ngày 03/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Đổi thay Phì Nhừ

07:30 20/12/2024

Khi mùa xuân đang đến gần, những cánh hoa đào ẩn hiện trên những triền đồi phía xa xa. Cái rét ngọt khe khẽ từng cơn, len lỏi qua những nóc nhà. Đây cũng là thời gian người Mông trên khắp bản làng huyện Điện Biên Đông xúng xính váy áo mới, đón chào một mùa xuân sang.

Mùa xuân, mùa hội, mùa thay áo mới, nhưng cũng là mùa “tảo hôn” của đồng bào Mông nơi đây. Đó là nghịch cảnh diễn ra trên vùng đất này nhiều năm qua. Như những vết thương khó lành, héo mòn qua năm tháng, cần phải “đánh thức” đổi thay từng ngày.

Để lời ru không buồn

Từ rất lâu, nhắc đến huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, người ta nghĩ đến một huyện vùng cao, đầy khó khăn, thiếu thốn chênh vênh phía cuối trời tây bắc của tổ quốc. Ký ức của những người từng đi qua vùng đất này, đều cho rằng Điện Biên Đông rất đẹp, hoang sơ, thơ mộng, ngọt lành như dòng nước đầu nguồn của sông Mã. Nơi có người Mông, Thái, Lào, Khơ Mú, Sinh Mun, Kinh cùng sinh sống đoàn kết. Tuy cuộc sống của đồng bào vùng cao còn khó khăn, ban sơ như cây mọc trên đá...Nhưng, gần đây dưới sự hỗ trợ từ các chương trình mục tiêu quốc gia, sự lãnh đạo chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng, cuộc sống người dân đã thay sắc, đổi màu hơn rất nhiều.

Diện Mạo huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

Hôm chúng tôi vào huyện, anh Trọng – người công tác trong ngành giáo dục nhiều năm, nay bén duyên với nhiệm vụ quản lý phòng dân tộc hướng dẫn xuống xã Phì Nhừ.

Đó còn là một xã đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên Đông, địa bàn rộng lớn với 23 bản, trên 1.400 hộ với 8.480 nhân khẩu. Phần đông dân cư là đồng bào dân tộc Mông sinh sống (chiếm trên 90%). Theo số liệu thống kê năm 2023 hộ nghèo ở đây còn khá cao, chiếm tới 58%, trong khi thu nhập bình quân chỉ đạt khoảng 28 triệu/người/năm.

Suốt thời gian dài, các cấp ủy Đảng, chính quyền Điện Biên Đông luôn “trăn trở” với tình trạng tảo hôn tại xã Phì Nhừ. Vì vậy, quyết tâm của chính quyền các cấp đó là “cùng sống, cùng làm, cùng bàn, cùng ngăn chặn” nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết như là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Hiện tại, xã Phì Nhừ là đơn vị đầu tiên của huyện, yêu cầu các hộ dân của 23 bản ký cam kết không để con tảo hôn. Góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tại trường phổ thông dân tộc bán trú, trên 1000 lượt học sinh và giáo viên tham gia các đợt tuyên truyền. Qua đó, luật hôn nhân và gia đình, hệ lụy của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã được học sinh tiếp nhận. Tăng nhận biết về tính nguy hại khi kết hôn sớm, ảnh hưởng đến sức khỏe và còn là hành vi vi phạm pháp luật.

Theo thống kê, tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống của xã Phì Nhừ đã giảm dần. Năm 2022 là 64 trường hợp, năm 2023 còn 48 trường hợp; 6 tháng đầu năm 2024 chỉ có 21 trường hợp, không có trường hợp nào hôn nhân cận huyết thống.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Đắc Sơn - Phó chủ tịch UBND xã cho biết, chúng tôi đã xử lý vi phạm hành chính về hành vi tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho những người chưa đủ tuổi kết hôn. Tuy mức xử phạt không cao nhưng đã tác động trực tiếp đến cha mẹ các em về hành vi vi phạm này.

Đồng chí Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phì Nhừ, huyện Điện Biên Đông.

Trong buổi làm việc, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Phì Nhừ, cho rằng do phong tục tập quán từ ngày xưa, dù địa phương đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhưng khó ngăn cấm được tình trạng kết hôn sớm.

Chị cho biết thêm, địa phương có phối hợp với cả cơ quan chức năng để răn đe, giáo dục nhưng việc xử lý vẫn khó thực hiện vì không có đơn thư tố cáo hành vi vi phạm pháp luật.

Cần xóa bỏ hủ tục

Từ rất lâu, người Mông Phì Nhừ quan niệm về cuộc sống gia đình rất giản đơn, kết hôn để duy trì nòi giống, để có thêm nhân khẩu lao động.

Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhiều năm trở về trước diễn biến khá phức tạp, nguyên nhân chính dẫn đến câu chuyện buồn này vẫn là do điều kiện sống của người dân còn nghèo khó, phong tục tập quán lạc hậu, trình độ nhận thức còn hạn chế, vẫn còn quan niệm lấy vợ về để có thêm lao động cho gia đình. Mặt khác việc quản lý con em trong gia đình, chưa chặt chẽ, khiến cho tình trạng tảo hôn vẫn là một bài toàn khó giải.

Các em không được học hành đầy đủ, phải ở nhà lam lũ với cuộc sống gia đình, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ và tương lai của các cặp vợ chồng tảo hôn. Trẻ em sinh ra ốm yếu, suy dinh dưỡng,… lớn lên trong điều kiện thiếu thốn đủ đường, ngoài ảnh hưởng tới sức khỏe giống nòi, những đứa trẻ này cũng mịt mù tương lai.

Những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt là tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hiểu biết cho người dân được coi là giải pháp trọng tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”.

Tuyên truyền, vận động các đối tượng phụ nữ (nhất là học sinh từ 13 - 18 tuổi), thanh niên, học sinh phổ thông là người dân tộc thiểu số tại vùng có nguy cơ cao xảy ra tảo hôn và các tầng lớp nhân dân.

Ông Phan Đắc Sơn – Phó chủ tịch UBND xã Phì Như, cán bộ trẻ của huyện tăng cường cơ sở cho biết: Việc tuyên truyền được diễn ra thường xuyên, địa phương lồng ghép các chương trình tuyên truyền. Trong đó, có cả tổ chức Rồng Xanh (Tổ chức phi chính phủ Úc) cũng tham gia lồng ghép các chương trình tuyên truyền chống tảo hôn và buôn bán phụ nữ, trẻ em.

“Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xã tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể các cấp đối với công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa”, ông Sơn nhấn mạnh.

Người dân xã Phì Nhừ tham gia buổi tập huấn, tuyên truyền thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”.

Theo tìm hiểu, ngoài các tổ chức đoàn thể xã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân. Các trưởng dòng họ, trưởng tộc, người có uy tín cũng tích cực trong việc khuyên bảo cháu con. Họ tuyên truyền những gì? đó chính là giáo dục về sức khỏe, giới tính, hôn nhân, gia đình. Hệ lụy của tảo hôn cận huyết thống.

Trước đây, mỗi lần vào Điện Biên Đông chúng tôi còn ngại ngần vì quãng đường chỉ gần 50 km cũng mất ba bốn tiếng di chuyển. Đó là chuyện của quá khứ, chứ giờ đây con đường vào trung tâm huyện đã được láng nhựa phẳng lì, con đèo Keo Lôm ngày nào đã được cắt cua, mở rộng.

Đường lớn như hi vọng về một tương lai tươi sáng cho người dân vùng đất này.

Hoàng Phong

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu