10:33 ngày 05/07/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp vận tải hành khách và taxi cùng giảm giá cước

15:26 07/09/2022

(THPL) - Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có báo cáo về việc điều chỉnh giảm giá cước của các doanh nghiệp vận tải hành khách và hàng hóa, từ đường bộ, đường sắt đến hàng không.

Theo kết quả tổng hợp báo cáo từ các cơ quan, đơn vị cho thấy việc điều chỉnh giảm giá cước các lĩnh vực vận tải đến thời điểm hiện nay đạt được nhiều kết quả.

Cụ thể, thứ nhất, đường bộ, đến thời điểm hiện tại khoảng 63,98% các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi sau khi kê khai tăng giá giảm hoặc thực hiện kê khai giảm giá (từ 800 đến 1.000 đ/km) tương đương từ 4,5% đến 12%. Bên cạnh đó, khoảng 44,6% đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cũng giảm khoảng 5,26 - 14,7%.

Các loại hình vận tải du lịch, hợp đồng giảm theo thỏa thuận khi ký kết hợp đồng vận chuyển giá tăng giảm theo từng thời điểm.

Về đường sắt, kể từ thời điểm giá dầu đồng loạt giảm, các công ty cổ phần vận tải đường sắt thực hiện 2 đợt giảm giá. Cụ thể, giá cước vận tải hàng hóa thực hiện giảm là 5%; vận tải hành khách thực hiện giảm 5 - 10%.

Với hàng không, các hãng hàng không đều triển khai thực hiện kê khai nhiều dải giá từ thấp đến cao, đảm bảo không vượt mức giá tối đa quy định tại Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 03/5/2019 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và thực hiện niêm yết giá công khai trên trang thông tin điện tử của hãng.

Doanh nghiệp vận tải hành khách đã giảm giá cước. Ảnh: Internet

Riêng với công tác phục vụ vận tải hành khách và các dịp lễ, tết, Bộ Giao thông vận tải cho biết hàng năm đều có nhiều các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị về việc tăng cường công tác vận tải phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân vào các dịp nghỉ lễ như Tết Dương Lịch, Tết Nguyên đán, nghỉ lễ 30/4-1/5, dịp lễ 2/9,….

Trong đó đều chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong toàn ngành giao thông vận tải tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe theo quy định.

Theo Zing.vn đưa tin, trước đó theo ghi nhận của Bộ GTVT từ đầu năm đến nay giá cước vận tải hành khách và hàng hóa theo đường bộ đã tăng khoảng 10-20% tùy cung đường và loại hàng hóa, trong khi giá cước vận tải hàng hóa đường sắt tăng 3-5% công bố hồi đầu năm, còn giá vé trên các tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo tăng 15-20% so với năm 2021.

Do đó, cơ quan này đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có liên quan đến công tác quản lý giá thuộc thẩm quyền, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát việc kê khai, niêm yết giá và bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải.

Thời gian tới, Bộ GTVT cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra việc thực hiện kê khai và niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe theo quy định, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết.

Đồng thời, cơ quan này cũng sẽ tiếp tục theo dõi, nắm bắt tình hình diễn biến của giá nhiên liệu để chỉ đạo kịp thời việc kê khai giá của doanh nghiệp, đơn vị vận tải phù hợp với giảm giá nhiên liệu… để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân.

Tính đến kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 5/9, giá xăng đã có 23 lần điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 9 lần giảm, một lần giữ nguyên. Hiện, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 trong nước đang ở quanh mức 23.000-24.000 đồng/lít, tương đương mức giá vào đầu năm. Tuy nhiên, giá dầu diesel lại đang trải qua lần đầu tiên vượt giá xăng. Giá mặt hàng này tiếp tục tăng mạnh 1.430 đồng/lít đạt mức giá 25.180 đồng/lít.

Liên quan đến giá dầu tăng cao, báo VTC News đưa tin, ông Nguyễn Văn Quýnh, đại diện hãng Vận tải Bắc Nam, cho hay giá dầu tăng sẽ tác động trực tiếp tới nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt là giao thông vận tải. Theo ông Quýnh, doanh nghiệp của ông chủ yếu chở hàng hóa nông sản từ Nam ra Bắc và ngược lại bằng container hoặc xe tải. Nhu cầu sử dụng dầu diesel rất lớn, nếu giá dầu tiếp tục tăng cao, doanh nghiệp sẽ phải đau đầu để cân đối giữa doanh thu và lợi nhuận.

“Đội xe vận tải hàng hóa trọng tải lớn của chúng tôi đa phần sử dụng nhiên liệu dầu. Theo tính toán, mỗi xe tiêu hao 40 – 45 lít dầu cho 100km đường. Do vậy, giá dầu tăng sẽ khiến giá vận chuyển tăng, kéo theo đà tăng của cước vận tải hàng hóa”, ông Quýnh nói.

Theo ông Đỗ Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát, chủ thương hiệu xe Sao Việt, về cơ bản giá xăng hay dầu tăng đều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong cơ cấu phương tiện vận tải hiện nay của Sao Việt, tỷ lệ xe chạy dầu chiếm số lượng lớn, chỉ có một số ít taxi chạy xăng, nên khi giá dầu tăng, chi phí vận hành cũng tăng theo. “Việc giá dầu tăng cao chắc chắn ảnh hưởng đến chi phí vận hành của doanh nghiệp”, ông Bằng nói.

Vẫn theo ông Bằng, về nguyên tắc, giá dầu tăng thì các doanh nghiệp có xe khách chạy bằng dầu sẽ phải tính toán tăng giá vé để thêm chi phí. Tuy nhiên, mức giá hiện tại vẫn nằm trong biên độ giá cước mà doanh nghiệp vận tải đã tính toán để xây dựng giá vé trước đó nên chưa tác động đến việc tăng giá cước vận tải. Thêm nữa, trong bối cảnh giá hiện tại, hầu hết các nhà xe vẫn đang cố gắng duy trì họat động và hy vọng giá dầu giảm trong kỳ điều chỉnh tới.

Tuấn Minh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu