16:48 ngày 31/10/2024 | HOTLINE : 094.210.6666 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Doanh nghiệp làng nghề bắt nhịp với chuyển đổi số

11:41 30/10/2024

(THPL) - Nhận thức rõ chuyển đổi số là xu thế tất yếu, hiện nay, nhiều doanh nghiệp, cơ sở tại làng nghề truyền thống đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, các cơ sở đã tăng cường giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm thông qua mạng xã hội, xây dựng website, tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử…

Mới đây, tại Triển lãm quảng bá, giao thương kết nối các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội ) năm 2024, cùng với quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề bằng hình thức trực tiếp, địa phương đã tổ chức livestream giới thiệu, bán sản phẩm làng nghề trên mạng xã hội.

Trong phiên livestream kéo dài 7 tiếng, đã có đại diện 13 công ty, HTX, hộ sản xuất kinh doanh trong huyện Phú Xuyên tham gia bán hàng, với sự hỗ trợ bán hàng trực tiếp của 2 TikToker.

Các sản phẩm được bán trong phiên livestream gồm nhiều sản phẩm đạt OCOP 3 sao, 4 sao và sản phẩm làng nghề như: kẹo lạc, kẹo dồi, chè lam, thịt bò khô, tinh bột sắn dây, giầy dép da, comple, veston… Phiên livestreams đã thu hút đông đảo người xem trên các nền tảng Feacebook, TikTok.

 Phiên livestream giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề do huyện Phú Xuyên (TP Hà Nội) tổ chức (Ảnh: TTTĐT Phú Xuyên)

Theo UBND huyện Phú Xuyên, để tích cực hỗ trợ các cơ sở làng nghề bắt nhịp với xu hướng tiêu dùng hiện đại, từ cuối năm 2023, địa phương đã đẩy mạnh tập huấn, đào tạo để nâng cao kiến thức cho người sản xuất về bán hàng thông qua hình thức livestream trên các trang mạng xã hội. Từ đó, nhiều cơ sở đã mở rộng tiếp cận thị trường và kinh doanh trên mạng xã hội cũng như các sàn thương mại điện tử.

Còn tại làng nghề dệt lụa truyền thống Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), phương thức bán hàng trên sàn thương mại điện tử, livestream đã và đang trở nên quen thuộc với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh tại đây. Nhờ chuyển hướng đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và livestream, doanh thu của nhiều cơ sở đã tăng thêm từ 20-30%. 

Hiện nay, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng. Người tiêu dùng ngày càng có xu hướng mua sắm sản phẩm trên các nền tảng số, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử. Vì vậy, việc chuyển mình trong hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm làng nghề truyền thống là xu thế tất yếu. Ngày càng nhiều hơn các cơ sở làng nghề như Vạn Phúc, các làng nghề tại huyện Phú Xuyên thích ứng với kinh doanh online.

Những hình ảnh, video về quá trình sản xuất sản phẩm được các cơ sở tích cực giới thiệu, quảng bá trên Facebook, Zalo, thu hút đông đảo khách hàng. Đặc biệt, việc mở kênh bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội được giới trẻ của làng nghề sử dụng phổ biến, đem lại giá trị cao…

Để hỗ trợ các làng nghề chuyển đổi số hiệu quả, nhiều địa phương, đơn vị chức năng đã có những bước đi chủ động, tích cực. Đơn cử như Sở Công Thương Hà Nội, từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã triển khai chương trình hỗ trợ cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc 6 nhóm ngành nghề thủ công mỹ nghệ ứng dụng công nghệ chuyển đổi số để quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm trên môi trường mạng. 

Nhiều khoá tập huấn, hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị, hợp tác xã làng nghề trong hoạt động xúc tiến thương mại điện tử qua nền tảng số đã được Sở Công Thương Hà Nội phối hợp tổ chức. Cùng với đó, tại các kỳ hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ, làng nghề truyền thống, Sở đã kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các nhà nhập khẩu, khách thương mại giao dịch, đàm phán, ký kết hợp đồng xuất khẩu theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Các doanh nghiệp, cơ sở có gian hàng tham gia các Hội chợ cũng được hỗ trợ quảng bá trên không gian mạng để phục vụ kết nối giao thương trực tuyến; được hỗ trợ giới thiệu, quảng bá hình ảnh trên các kênh thương mại điện tử trong và ngoài nước sau Hội chợ.

Doanh nghiệp livestream bán sản phẩm thủ công làm từ sợi cói   

Đề cập đến xu hướng bán hàng online tại các làng nghề hiện nay, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại – Đào tạo Phát triển Làng nghề Cao Bích Thủy cho biết: Việc hỗ trợ các nghệ nhân và cơ sở thực hiện bán hàng online đang trở thành nhu cầu thiết thực, góp phần đắc lực phát triển sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. 

Để tận dụng hiệu quả các thành tựu của chuyển đổi số, theo bà Cao Bích Thủy, cần tiếp tục tăng cường, đa dạng hoá các hình thức phổ biến cho các nghệ nhân, các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ hiểu về bán hàng online, nắm vững các kỹ năng cần thiết. 

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở làng nghề, cần xác định thị trường mục tiêu cho sản phẩm, phương thức tốt nhất là phát triển thị trường ngách. Để tìm được thị trường ngách, các cơ sở có thể sử dụng một số công cụ như: tra cứu về xu hướng trên google, tham gia các nhóm truyền thông xã hội và cộng đồng trực tuyến liên quan đến thị trường, kiểm tra sự cạnh tranh của sản phẩm…

Còn theo TS. Tôn Gia Hóa - Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam, để ứng dụng thương mại điện tử thực sự hiệu quả, các làng nghề cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh; chủ động khai thác thông tin, mở rộng thị trường, nâng cao giá trị các sản phẩm làng nghề...

Hoàng Yến

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu