20:19 ngày 19/04/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Di sản Thành Nhà Hồ bị sạt lở, sụt lún nghiêm trọng sau bão

23:55 21/09/2017

(THPL) - Tính đến thời điểm hiện tại, một khối lượng lớn đất đá ở Thành Nhà Hồ đã bị sạt lở nghiêm trọng, chắn ngang con đường bê tông cạnh chân Thành Nhà Hồ.

Do tác động của cơn bão số 10, vào lúc 9h30 ngày 16/9, một đoạn tường Thành Nhà Hồ tại xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc đã bị sạt lở .

Do ảnh hưởng của cơn bão số 10, Thành Nhà Hồ đã bị sạt lở một đoạn tường thành tại xã Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc thuộc vị trí phía Đông Bắc (cách cổng Bắc 200m). Đoạn tường thành bị sạt lở có chiều dài 6,9m, cao 4m, khối lượng đất đá sạt lở ước tính khoảng 20m3. Bên cạnh đó, nhiều vị trí của đoạn tường thành phía Đông Bắc còn bị xô nghiêng ra phía ngoài, có nguy cơ sạt lở cao.

Ngoài vị trí này, theo hồ sơ, tại thời điểm đo vẽ, xây dựng hồ sơ khoa học, đoạn tường thành phía Đông Bắc có 6 đoạn đã bị sụt lở, cụ thể: đoạn số 04, bản vẽ 59; đoạn số 7, bản vẽ 60; đoạn số 8, bản vẽ 61; đoạn số 12, bản vẽ 62; đoạn số 16-17, bản vẽ 63-64; đoạn số 20, bản vẽ 65.

Hơn 600 năm trôi qua, thời gian đã làm nhiều đoạn tường thành bị xuống cấp.

Căn cứ theo hồ sơ bản vẽ và ảnh hiện trạng di tích Thành Nhà Hồ trình Ủy ban Di sản thế giới thì đoạn tường thành bị sạt lở được thể hiện trong bản vẽ số 83, đoạn tường thành số 10 có tỷ lệ 1/75.

Theo đó, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã có báo cáo gửi đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để đánh giá mức độ thiệt hại sạt lở tường thành do cơn bão số 10 và tình trạng bảo tồn tường thành phía Bắc. Đồng thời, theo khuyến nghị của chuyên gia ICOMOS, cần có những nghiên cứu về kết cấu, địa chất... nền móng khu vực Thành Nội để xác định mức độ sụt lún gây ra sạt lở và đưa ra các kế hoạch, cảnh báo và bảo tồn di sản một cách lâu dài.

Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ đã đề nghị các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành giúp Trung tâm kiểm tra, thăm dò địa chất, đánh giá địa chất, kết cấu khu vực tường thành phía Bắc nói riêng và khu vực di sản nói chung.

Nhiều đoạn tường thành có nguy cơ đổ sập.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đề nghị Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Văn phòng UNESCO Hà Nội kêu gọi các tổ chức quốc tế hỗ trợ nghiên cứu, bảo tồn tường thành.

Qua đó, đơn vị này cũng đề nghị Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa căn cứ Quy hoạch tổng thể đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tham mưu cho UBND tỉnh Thanh Hóa báo cáo các Bộ, ngành Trung ương bố trí kinh phí triển khai công tác bảo tồn các đoạn tường thành đã và đang bị sụt lở.

Ông Đỗ Quang Trọng, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ, cho biết: “Ngay sau khi phát hiện sự việc, đơn vị cũng đã báo cáo ngành chức năng, UBND tỉnh Thanh Hóa, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cũng như Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Văn phòng UNESCO Hà Nội về sự việc nêu trên. Chúng tôi đã cho căng dây, đặt biển cảnh báo nguy hiểm và hướng dẫn du khách và nhân dân địa phương không đi lại qua khu vực sạt lở”.

Hải Nam

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu