07:15 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Đề xuất chính sách hỗ trợ lần 2 trong dịch COVID-19

Quốc Cường | 07:14 18/08/2020

(THPL) - Đợt bùng phát dịch COVID-19 thứ 2 ập đến, trong khi những khó khăn của người dân và doanh nghiệp trong dịch đợt 1 vẫn còn nặng nề cùng với kinh tế toàn cầu, các quyết sách hỗ trợ giai đoạn 1 của Chính phủ cũng còn chưa kịp phát huy hiệu quả. Một số chuyên gia đề xuất cần tính toán đến gói chương trình hỗ trợ lần 2.

Trên cơ sở tổng kết đầy đủ những kết quả cũng như hạn chế của gói hỗ trợ giai đoạn 1 để rút ra những điều chỉnh cần thiết. Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng khẳng định, Việt Nam vẫn còn dư địa để đưa ra các gói hỗ trợ. Tổng chung các gói hỗ trợ mà Việt Nam đã và đang triển khai từ ngày đầu dịch COVID-19 bùng phát tới nay tương đương khoảng 2,8% GDP. Trong khi đó trên thế giới, mức hỗ trợ này cao hơn rất nhiều. Cụ thể, gói hỗ trợ của các nước thuộc khối G7 chiếm hơn 10% GDP; các nước khối ASEAN có mức từ 6-7% GDP… Như vậy, có thể nói Việt Nam vẫn còn dư địa để hỗ trợ trong bối cảnh nợ công hiện giảm còn 54%, thấp hơn trần nợ công cho phép (65%).

Hoạt động kinh tế của Việt Nam cần thêm chính sách hỗ trợ

Trong giai đoạn 1 có hai gói hỗ trợ chính: một về tài khóa như giãn, giảm thuế, phí, tiền sử dụng đất quy mô 180.000 tỷ đồng, và một gói hỗ trợ an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế hiệu quả của các gói này cũng không cao. Đơn cử gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng chỉ có khoảng 400 tỷ đồng hỗ trợ các doanh nghiệp, người dân giãn đóng BHXH và 2.500 tỷ đồng chi trả bảo hiểm thất nghiệp. Con số này chứng tỏ số doanh nghiệp có thể tiếp cận hỗ trợ còn rất khiêm tốn. Gói tài khóa quy mô 180.000 tỷ đồng cũng chưa giải ngân được nhiều do thời hạn giãn, hoãn thuế, phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp quá ngắn và kèm theo nhiều thủ tục.

Trên cơ sở đó, Tiến sĩ Nguyễn Đức Kiên đề xuất, có thể huy động nợ công để đưa vào kích thích nền kinh tế, đặt mục tiêu phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm sốc và tạo điều kiện cho nền kinh tế phục hồi năm sau. Tuy nhiên, nếu hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp thông qua nợ công, cần tính toán kỹ cho dự án nào, ngành nào thực sự đang cần, và có tính lan tỏa, giải quyết được nhiều lao động.  

Về cơ bản,  chính sách hỗ trợ đợt 2 nếu có sẽ là đa mục tiêu, chấp nhận bội chi nhưng ở mức độ trong 1 năm hay 2 năm để không ảnh hưởng kinh tế vĩ mô và giá trị đồng nội tệ, không gây áp lực cho xuất, nhập khẩu, cùng với đó  hỗ trợ cho doanh nghiệp có tính thanh khoản tạo ra dòng tiền, hỗ trợ người lao động ổn định cuộc sống trong thời kỳ khó khăn.

Bộ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Chí Dũng cũng đồng quan điểm, về nguyên tắc, chính sách lần 2 phải bao quát toàn diện các đối tượng, phải đủ lớn, đủ mạnh để tác động ngay, kích thích tăng trưởng kinh tế. Các chính sách đều phải gắn đến quản lý cơ cấu các ngành, lĩnh vực, phải gắn với tái cơ cấu và những lĩnh vực liên quan, đảm bảo đa mục tiêu chứ không chỉ kích thích tăng trưởng kinh tế. Các biện pháp phải hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động duy trì sản xuất, kinh doanh và khuyến khích quay trở lại hoạt động, tránh việc cắt giảm hơn nữa số lao động đang làm việc. Đồng thời, cần hỗ trợ các doanh nghiệp lớn đang gặp khó khăn về sự thiếu hụt dòng tiền do chi phí cố định và chi phí duy trì hoạt động lớn trong khi doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng.

Cụ thể, việc gia hạn các chính sách đã và đang thực hiện được đề xuất kéo dài đến hết tháng 12/2020. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch tiếp tục phức tạp, có thể nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài một số chính sách sang năm 2021. Tiếp tục gia hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân hộ gia đình, cá nhân kinh doanh và tiền thuê đất đến hết năm 2020. Gia hạn thời gian thực hiện các chính sách về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng tại Thông tư số 01 của Ngân hàng Nhà nước nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kéo dài thời gian hỗ trợ đối với khách hàng phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến hết 31/12/2020 và sửa đổi Thông tư theo hướng giúp các doanh nghiệp gặp khó khăn dễ dàng tiếp cận được chính sách.

Bộ KHĐT cũng đề xuất cần có thêm các hình thức như phiếu chiết khấu, phiếu mua hàng hoặc Chính phủ mua hàng phân phối cho người dân chịu ảnh hưởng bởi việc giãn cách xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng đang nhận bảo trợ xã hội để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của người dân hoặc mở rộng đối tượng là toàn bộ người dân căn cứ và diễn biến dịch bệnh để kích cầu tiêu dùng nội địa.

Quốc Cường

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu