01:07 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng giúp thu hẹp giá vàng SJC với thế giới

08:56 30/03/2024

(THPL) - Hiện tại, dù chưa có quyết định chính thức xóa bỏ độc quyền vàng miếng nhưng chênh lệch giá vàng miếng SJC với giá vàng thế giới đã được thu hẹp. Theo đó, chênh lệch đã được rút bớt đi 5-7 triệu đồng cho mỗi lượng. Nhiều người kỳ vọng, chênh lệch giá vàng sẽ thấp hơn nữa, thay vì mức 13,1 triệu đồng/lượng như hiện nay.

Trước đó, tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia (Hội đồng) do Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng, chủ trì vào chiều 28/3 vừa qua, các chuyên gia, thành viên Hội đồng cho rằng đã tới lúc nên bỏ cơ chế nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng và cấp phép sản xuất mặt hàng này cho một số doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện.

Liên quan đến nội dung trên, TS Cấn Văn Lực, một thành viên Hội đồng cho rằng nên bỏ độc quyền 2 thứ. Thứ nhất, bỏ độc quyền sản xuất và nhập khẩu vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho phép một số DN đủ điều kiện có thể nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng.

Thứ hai, bỏ độc quyền thương hiệu vàng SJC, bởi chính vì 2 câu chuyện độc quyền trên đã làm hạn chế nguồn cung thời gian qua, gây mất cân đối cung cầu. Vì độc quyền thương hiệu SJC khiến chênh lệch giữa giá vàng SJC - thương hiệu quốc gia với các thương hiệu khác cách biệt rất lớn, giá vàng SJC cũng cao hơn rất nhiều so với giá vàng thế giới. Trong khi các thương hiệu khác, cùng là vàng chất lượng 24K chỉ cao hơn thế giới 1 - 2 triệu đồng.

Bên cạnh đó, cần kiên định đối với chính sách của Chính phủ, NHNN từ hơn 10 năm qua là không cho phép vay mượn bằng vàng, mà chỉ cho mua bán vàng. Đây là điều rất quan trọng, góp phần chống "vàng hóa" trong nền kinh tế. Cuối cùng, phải phân vai trách nhiệm rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành liên quan.

Theo các chuyên gia, đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng giúp thu hẹp khoảng cách giá vàng SJC với thế giới. Ảnh minh hoạ

Vẫn theo ông Lực, Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ sau 12 năm đã hoàn thành sứ mệnh và đến lúc cần sửa để quản lý thị trường vàng tốt hơn. Điều này nhằm đạt 3 mục tiêu quan trọng là chống "vàng hóa" trong nền kinh tế; tạo ra sự công bằng và bình đẳng hơn trên thị trường, nhất là giữa các DN kinh doanh vàng; bảo đảm quyền lợi của người dân về nhu cầu tích trữ, trang sức và thừa kế bằng vàng.

Còn theo một lãnh đạo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng, chỉ cần NHNN xóa bỏ độc quyền, chưa cần biết có cho nhập khẩu vàng hay không, giá vàng sẽ lập tức giảm đến 5 triệu đồng mỗi lượng. Ở thời điểm đó, mức chênh giữa giá vàng thế giới - giá vàng trong nước đứng ở mức 14,6 triệu đồng (tính theo tỷ giá ngân hàng). Nếu theo tính toán của vị lãnh đạo Hiệp hội trên, giá vàng miếng có thể giảm thêm khoảng 3,5 triệu đồng/lượng, xuống 76,5 triệu đồng/lượng. Mức chênh khi đó chỉ vào khoảng 10-11 triệu đồng/lượng.

Ở chiều ngược lại, nhiều người cho rằng, khoảng cách giữa giá vàng miếng trong nước và giá thế giới quy đổi sẽ không được rút về mức thấp như kỳ vọng.

Theo chia sẻ của ông Nguyễn Tuấn, người từng có nhiều hoạt động mua - bán vàng trong những đợt thị trường nóng cách đây hơn một thập kỷ, cho hay, mức chênh lệch phụ thuộc chủ yếu vào cán cân cung - cầu đối với mặt hàng này. “Một khi nguồn cung không được cải thiện, hoặc cải thiện không nhiều thì chênh lệch còn lớn”, ông Nguyễn Tuấn lưu ý.

Trên thực tế, nhiều người mua - bán vàng chưa đánh cược vào khả năng giảm mạnh của giá vàng miếng SJC. Hoạt động mua vàng vẫn diễn ra sôi động trong bối cảnh chênh lệch với giá thế giới quy đổi ở mức lớn. Rõ ràng, như đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhận định, nếu không có giải pháp sửa đổi căn cơ, thị trường vàng trong nước sẽ không có thay đổi lớn, giá vàng có thể lại lên theo giá thế giới.

Hiện vàng thế giới giao ngay ở đỉnh cao lịch sử 2.233 USD/ounce và nhìn chung được dự đoán trong xu hướng đi lên. Đồng USD được dự báo sẽ suy yếu do Mỹ cắt giảm lãi suất và các nước giảm phụ thuộc vào đồng tiền này. USD yếu sẽ đẩy giá vàng tăng. Các quốc gia cũng đẩy mạnh mua vàng do thế giới ngày càng bất định. Dù vậy, vàng cũng có thể sẽ điều chỉnh trước khi bước vào một đợt tăng mới.

Tại thị trường trong nước kết thúc phiên giao dịch ngày 29/3/2024, giá vàng miếng được SJC và Tập Đoàn Vàng bạc đá quý Doji niêm yết theo thứ tự mua vào và bán ra như sau: SJC Hà Nội: 79.000.000 đồng/lượng – 81.020.000 đồng/lượng. Doji Hà Nội: 78.800.000 đồng/lượng – 80.800.000 đồng/lượng. SJC TP.HCM: 78.800.000 đồng/lượng – 80.800.000 đồng/lượng. Doji TP.HCM: 78.800.000 đồng/lượng – 80.800.000 đồng/lượng. SJC Đà Nẵng: 79.000.000 đồng/lượng – 81.020.000 đồng/lượng.

Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 79,00 – 80,95 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Còn tại Bảo Tín Mạnh Hải đang được giao dịch ở mức 79,00 – 81,15 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Tuệ Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu