03:44 ngày 24/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Đầu tư đổi mới thiết kế mẫu mã để gia tăng giá trị, sức cạnh tranh cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ

Hoàng Yến | 16:17 14/10/2024

(THPL) - Sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) là hàng hóa đặc trưng của các làng nghề Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và mang lại giá trị xuất khẩu lớn. Tuy nhiên, gần đây, sức hấp dẫn, khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là thị trường quốc tế của ngành hàng này dần suy giảm. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những hạn chế trong khâu nghiên cứu, thiết kế tạo mẫu sản phẩm mới, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có sự đầu tư xứng tầm trong sáng tạo, thiết kế mẫu mã để giữ vững và mở rộng thị trường hàng TCMN Việt Nam.

Theo chia sẻ của chị Thu Thuỷ, chủ một cơ sở chuyên sản xuất túi lụa thêu thủ công tại làng lụa Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội: Các sản phẩm của cơ sở đã có mặt trên thị trường 21 năm. Sau chừng ấy thời gian, cơ sở vẫn “chung thuỷ” với những mẫu mã sản phẩm đã có mặt từ lâu trên thị trường. Cơ sở rất muốn sản xuất thêm những chiếc túi có mẫu mã thiết kế mới để mở rộng tệp khách hàng, nhưng thực tế gặp không ít khó khăn, lúng túng.

Cùng gặp khó khăn trong khâu thiết kế mẫu sản phẩm, ông Nguyễn Phương Quang, Giám đốc Công ty TNHH Việt Quang, thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết: một thực tế phổ biến tại làng nghề hiện nay là các hộ sản xuất chỉ làm theo mẫu có sẵn, chứ không có nhiều thợ có trình độ tay nghề, có thể thiết kế mẫu mã sản phẩm nên hàng hóa không đa dạng, thiếu sức cạnh tranh, trong khi nhu cầu của thị trường ngày càng cao và khắt khe nên không thể cạnh tranh được với sản phẩm cùng loại trong nước và quốc tế.

Nhận định về thực trạng thiết kế mẫu mã sản phẩm TCMN Việt Nam, ông Lưu Duy Dần, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, cho biết: Nhiều năm trước, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được thị trường nước ngoài ưa chuộng bởi có mẫu mã mới lạ. Thế nhưng hiện nay, sức hấp dẫn bị giảm đi đáng kể khi chậm thay đổi mẫu mã, trong khi nhu cầu của khách hàng ngày càng được nâng cao, thị hiếu liên tục thay đổi.

PGS.TS Đặng Mai Anh, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp chỉ rõ thêm: hiện có tới 90% sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài và sử dụng nhãn mác của khách hàng, lý do chính là vì thiếu sáng tạo trong mẫu mã sản phẩm. 

Thiếu đầu tư cho thiết kế mẫu mã sản phẩm đã ảnh hưởng đến sức hấp dẫn của hàng TCMN Việt Nam

Theo phân tích của các chuyên gia, ngành hàng TCMN gặp khó khăn trong thiết kế mẫu mã xuất phát từ việc số lượng nghệ nhân tại các làng nghề có kiến thức, kỹ xảo chuyên môn về nghề truyền thống không nhiều. Cùng với đó, lớp nghệ nhân cao tuổi này lại thường gặp khó khăn trong khả năng nắm bắt thị hiếu, thị trường, còn lệ thuộc vào các mẫu mã truyền thống.

Trong khi đó, những người trẻ mặc dù được học hành bài bản, có sự năng động, nhạy bén nhưng lại chưa có nhiều kỹ năng, kỹ xảo với nghề, đồng thời sự hiểu biết về những giá trị văn hóa truyền thống còn hạn chế.

Ngoài ra, hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề đều ở quy mô nhỏ lẻ, nguồn tài chính, mặt bằng và cơ sở vật chất đều hạn chế, dẫn đến không thể đầu tư chiều sâu cho việc thiết kế mẫu mã mới, khiến sức hấp dẫn của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đang bị giảm đi đáng kể.

Để tăng sức hấp dẫn cho các mặt hàng TCMN, việc đầu tư đổi mới về thiết kế mẫu mã, kiểu dáng là tất yếu và cấp bách. Ông Vũ Hy Thiều, chuyên gia ngành TCMN chia sẻ: thiết kế mẫu sản phẩm phải thích ứng với điều kiện thực tế của sản xuất và đem lại lợi nhuận cao cho cơ sở sản xuất. Các doanh nghiệp, cơ sở cần phải nghiên cứu thị trường để hiểu rõ khách hàng hơn và tìm cách đáp ứng tốt nhất những yêu cầu, mong đợi của khách hàng đối với sản phẩm. Trong mỗi cơ sở sản xuất phải quan tâm nhiều hơn đến vấn đề cải tiến công nghệ, áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các cơ sở cũng nên quan tâm bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ thiết kế sản phẩm và những lao động có tay nghề cao để luôn đổi mới mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm. Đồng thời tranh thủ tham gia các hoạt động hỗ trợ của các tổ chức, cơ quan về phát triển sản phẩm, như tham dự các hội thảo, tư vấn, tham gia các cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm. Qua đó có thể học hỏi được nhiều kinh nghiệm, ý tưởng từ các cơ sở bạn cũng như các chuyên gia, nhà quản lý…

Sản phẩm đạt giải trong Cuộc thi Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2024

Trao đổi về các giải pháp nâng cao năng lực thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ, PGS.TS Đặng Mai Anh, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cho rằng: doanh nghiệp, cơ sở sản xuất TCMN cần tận dụng hiệu quả tiến bộ kỹ thuật của thời đại 4.0 để có thể ứng dụng các phần mềm vào thiết kế mẫu mã, giúp sáng tạo được nhiều mẫu sản phẩm độc đáo, lạ và đẹp mắt.

Còn theo chuyên gia cao cấp Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thuộc Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, mẫu mã sản phẩm phải tiếp tục phát huy văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu văn hóa thế giới trong từng loại sản phẩm, từng sản phẩm theo hướng “kết hợp truyền thống với hiện đại”, “hiện đại hóa truyền thống”. Cần tổ chức nghiên cứu sâu sắc hơn nữa những vấn đề về lý luận, phương pháp luận cũng như về vai trò, vị trí của mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay. Bên cạnh đó, nên có sự hợp tác chặt chẽ giữa những người làm công tác tạo mẫu, tạo dáng cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ với các hội, hiệp hội doanh nghiệp liên quan đến việc sản xuất và tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ…

Hoàng Yến

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu