13:13 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Dân đòi đối thoại, bí thư phường Thụy Khuê nói “dân chủ quá trớn”?

13:30 18/11/2016

(THPL) - Thu hồi ngõ đi chung tại số 260 phố Thụy Khuê để phục vụ dự án, nhiều người dân đòi các cơ quan chức năng đối thoại để làm rõ vấn đề thu hồi gây xáo trộn đến cuộc sống của người dân nhưng vị đại diện UBND phường Thụy Khuê lại cho rằng “dân chủ quá trớn”.

Trước đó, Thương hiệu & Pháp luật đã đăng tải bài viết: “Quận Tây Hồ: BQL dự án bít lối đi, người mất không tỏ lối về” để truyền tải thông tin đến việc Ban quản lý dự án quận Tây Hồ tiến hành thu hồi một phần ngõ đi chung tại địa chỉ số 260 phố Thụy Khuê để phục vụ dự án “Xây dựng trường tiểu học Chu Văn An”.

Công nhân thi công, công trình "đẩy" xe của người dân rời khỏi khu vực ngõ theo chỉ đạo từ cán bộ dự án.

Việc tiến hành thu hồi không được các cơ quan chức năng thông báo trước theo phản ánh của đông đảo người dân đang sinh sống tại đây đã gây ảnh hưởng, xáo trộn đến đời sống sinh hoạt chung của các hộ dân. Có những người theo thói quen đi xe ra ngõ 260 đã rất bất ngờ, ngán ngẩm quay xe lại. Ô tô của các cán bộ quân đội hưu trí để trong ngõ cũng được các công nhân đẩy ra ngoài đường “muốn đi đâu thì đi” nhằm trả lại mặt bằng cho dự án. Theo người dân phản ảnh, chiếc xe này bị hỏng, đang phải chờ thợ đến sửa nhưng UBND yêu cầu phải di rời bằng được... "liệu còn tình người nữa không" – một người dân chia sẻ.

Đặc biệt, tại thời điểm phường Thụy Khuê tiến hành thu hồi một phần ngõ đi chung. Trong ngõ này có diễn ra sự việc một gia đình tiến hành tổ chức lễ tang để tiễn đưa ông Đào Ngọc Xuân, SN 1950 nguyên Trưởng phòng Quân lực, Bộ Tư lệnh Công Binh đưa, rước linh cữu về nhà thắp hương..

Trước việc thi công “bít” ngõ đi do BQL dự án thực hiện gia đình có đề nghị các cơ quan tiến hành sự việc trên để lại lối đi nhằm phục vụ xe tang đưa di ảnh của người đã khuất về với gia đình nhưng không được chấp nhận, “người chết có đi mà không có về”... Chứng kiến sự việc trên nhiều người có mặt không khỏi cầm lòng, đau xót trong nước mắt trước việc làm được cho là thiếu tính “nhân văn” từ những người thực hiện dự án.

Cũng trong sáng ngày 3/12, khi các lực lượng chức năng tiến hành thu hồi, đã có rất nhiều người dân ra đòi “đối thoại” về việc thu hồi do trước đó các đơn vị liên quan đến dự án chưa hề có thông tin về các cuộc họp, cũng như trao đổi trực tiếp với dân.

Theo ghi nhận của PV, tại buổi cưỡng chế thu hồi ngõ đi chung, có xuất hiện một cán bộ cầm “loa” yêu cầu người dân không có nhiệm vụ ra khỏi khu vực bị thu hồi để các đơn vị làm việc để thực hiện theo kế hoạch đã định. Trước sự phản ứng quyết liệt của người dân, vị này có yêu cầu các đơn vị đang làm việc cương quyết yêu cầu dân khẩn trương ra ngoài, kèm theo một phát biểu: “Không thể dân chủ quá trớn như thế được” (?). Thông tin về vị cán bộ trên được các hộ dân cho biết: “Người cầm loa phát biểu là đồng chí ông Đỗ Thanh Tùng, Bí thư của UBND phường Thụy Khuê”.

Vị cán bộ (mặc áo xanh) cầm loa với những phát biểu gây bức xúc trong dân.

Thông tin về dự án “Xây dựng trường tiểu học Chu Văn An” theo quy hoạch trước đó, trường Tiểu học Chu Văn An đã được UBND TP Hà Nội quy hoạch tại số 266 - 268 Thụy Khuê, với diện tích 7.000m2 (thông báo số 67/TB-UB ngày 7.11.2003 của UBND thành phố Hà Nội), nhưng sau đó lại được chuyển đổi cho nhà khách Bộ Quốc phòng.
Theo đó, dự án này được cấp thẩm quyền phê duyệt Bản vẽ Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 ngày 5/9/2005 trên cơ sở thu hồi đất của Nhà khách A (Bộ Quốc phòng), ngõ 260 Thụy Khuê hiện trạng và khoảng 35 hộ dân. Trong đó, tổng diện tích 5.687,36m2 (bao gồm 3.128m2 của Nhà khách A và 256m2 của ngõ 260 Thụy Khuê, 2.268m2 của 35 hộ dân).

Được biết, diện tích nhà khách Bộ Quốc phòng ở 260 Thụy Khuê chỉ có khoảng 2.600m2 chưa tính đường đi. Vì thế để có đủ đất cho dự án xây trường thì phải thu hồi thêm diện tích đất của hơn 20 hộ gia đình trong khu tập thể quân đội (để có đủ diện tích khoảng 5.700m2). “Chúng tôi không đồng tình với việc đổi chác đất đai giữa hai đơn vị mà lại lôi hơn 20 hộ gia đình vào việc này” - ông Đỗ Bá Thảo nói.

Người thân đưa tiễn không tìm được lối về để đưa "di ảnh" người thân đã mất về với gia đình.

Người dân khu vực cho rằng, việc triển khai Dự án xây dựng trường Tiểu học Chu Văn An tại địa chỉ 260 Thụy Khuê không theo quy trình pháp lý (không theo quy chế dân chủ, không cho dân biết), mặc dù dự án đó ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của hơn 100 hộ dân. Ngoài ra, Dự án thể hiện sự đổi đất đai diễn ra trong một thời gian dài từ năm 1999 đến nay và có dấu hiệu tiêu cực. (!?)

Việc hoán đổi đất này không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân mà còn gây lãng phí ngân sách, bởi phải chi thêm hàng trăm tỷ đồng tiền đền bù GPMB, trong khi việc xây dựng trường tại địa điểm cũ tại 266 - 268 Thụy Khuê là đất sạch không phải GPMB.
Chính vì vậy, người dân sống tại ngõ 260 Thuỵ Khuê mong muốn chính quyền địa phương cần có những buổi gặp gỡ người dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của họ để từ đó có những giải pháp phù hợp với nguyện vọng của hàng trăm người dân khu vực.

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu