20:27 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cúm A bùng phát mạnh, loạn giá thuốc Tamiflu tại Hà Nội

Bảo An (tổng hợp) | 21:24 27/07/2022

(THPL) - Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, đến khoảng giữa tháng 7/2022, thủ đô đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc cúm. Tình trạng xuất hiện nhiều ca bệnh cúm A khiến người dân lo ngại và tìm đến các cơ sở y tế để mua thuốc điều trị.

Theo báo Tổ quốc, tại một hiệu thuốc nằm trên đường Nguyễn Phong Sắc (quận Cầu Giấy), không khó để chứng kiến cảnh nhiều người đang chen chúc mua thuốc Tamiflu cho người nhà mắc bệnh cúm A.

Chị Đ.T.M.Y cho biết, chồng chị đang mắc bệnh cúm A và được nhiều đồng nghiệp rỉ tai nên tìm thuốc Tamiflu.

"Chồng mình có triệu chứng sổ mũi, sốt, đau mỏi người. Nhiều người khuyên nên dùng thuốc Tamiflu (thuốc chuyên điều trị cúm A) nên mình tìm hỏi mua chứ không có chỉ định của bác sĩ", chị Y. cho biết.

Tại một hiệu thuốc khác nằm trên quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, Tamiflu cũng có giá 770.000 đồng/1 vỉ 10 viên nang.

Nhân viên tại hiệu thuốc này cho biết, giá loại thuốc này thời gian trước chỉ giao động từ 500.000 - 650.000 đồng. Thế nhưng, khoảng 1 tháng trở lại đây nguồn hàng nhập khan hiếm nên thuốc được đẩy lên với giá cao hơn.

 Loạn giá thuốc Tamiflu tại Hà Nội. Ảnh minh họa

Theo Zing.vn, tại nhiều nhà thuốc từ quận Hai Bà Trưng đến Cầu Giấy, Hà Nội, cho thấy tất cả đều thông báo đã hết hàng thuốc Tamiflu.

Chị N.T.H., nhân viên nhà thuốc trên đường Đại Cồ Việt (Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết từ đầu tháng 7, nhu cầu mua thuốc Tamiflu của người dân tăng cao. Tuy nhiên, cơ sở này không nhập thuốc Tamiflu vì giá tăng quá cao.

Trước thực trạng thuốc Tamiflu được bán với giá khá cao khi dịch bệnh cúm A đang ngày một có xu hướng gia tăng, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có bảng niêm yết công khai giá trên website.

Cụ thể, thuốc Tamiflu viên nang cứng (75mg), hộp 1 vỉ gồm 10 viên được quy định giá 44.877 đồng/viên, tương đương gần 450.000 đồng/hộp.

Cùng với thuốc Tamiflu, kit xét nghiệm cúm A cũng đang là mặt hàng "hot" được rao bán nhiều trên các chợ thuốc online với giá từ 70.000-80.000 đồng/hộp. Tại các hiệu thuốc, mặt hàng này cũng tăng đột biến do nhiều gia đình hễ thấy con sốt cao là mua kit về để test xem con có mắc cúm A hay không.

Liên quan đến tình trạng người dân tự mua thuốc điều trị, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, khẳng định bệnh nhân mắc cúm A, sau 48 giờ kể từ khi có triệu chứng, việc sử dụng Tamiflu không có tác dụng với virus cúm.

PGS Dũng giải thích khi virus xâm nhập, nó phải chui vào tế bào cơ thể người và nhân lên. Tamiflu chỉ có tác dụng không làm virus nhân lên mà không thể giết chết nó. Nói cách khác, loại thuốc này chỉ ức chế được virus. Trong khi đó, người bình thường vẫn có cơ thể tự ức chế virus mà không cần sự hỗ trợ của Tamiflu.

"Nếu bệnh nhân bị cúm nặng, chúng tôi điều trị bằng loại thuốc khác, ngay cả khi không có Tamiflu vẫn không ảnh hưởng", bác sĩ Dũng nói.

Theo TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên tự ý mua thuốc Tamiflu cho trẻ sử dụng mà thuốc này cần có sự chỉ định của bác sĩ, tránh tác dụng phụ.

Thuốc này thường chỉ dùng đối với các trường hợp viêm phổi siêu vi cấp tính hoặc với người có cơ địa tiểu đường, nguy cơ bị tăng nặng. Khi trẻ mắc cúm A cần phải chú ý hạ sốt cho trẻ, vệ sinh đường hô hấp, hạn chế người lớn tiếp xúc với em bé làm bé có bội nhiễm cao hơn. Bên cạnh đó, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng đề kháng ở trẻ.

Các bác sĩ cũng khuyến cáo người dân không nên lạm dụng mua kit test cúm A để kiểm tra tại nhà vì không cần thiết.

Theo Cục Y tế dự phòng, tác nhân gây bệnh cúm mùa chủ yếu do các chủng virus cúm A/H3N2, cúm A/H1N1, cúm B và cúm C. Bệnh cúm mùa có những biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho...

Thông thường, bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch... bệnh có thể diễn biến nặng hơn.

Cách phòng ngừa virus cúm A:

- Vệ sinh cá nhân tốt: Rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra đường, tránh đám đông lớn. Đặc biệt, trong khi dịch cúm bùng phát, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Khi bị sốt, bạn nên ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi hết để tránh lây nhiễm cho người khác.

- Ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe phòng ngừa cúm A.

- Thường xuyên lau sạch, vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hàng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường, mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.

- Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm A là tiêm vaccine cúm hàng năm. Mỗi một mũi tiêm có thể chống lại 3-4 loại virus cúm khác nhau trong mùa cúm năm đó. Đặc biệt, gia đình có trẻ em, tiêm đủ, đúng lịch, tiêm nhắc lại để chủ động phòng tránh dịch bệnh.

Bảo An (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu