02:01 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cục An toàn thực phẩm ra quyết định thu hồi sản phẩm VIP MEN

Tú Linh (t/h) | 14:17 17/01/2024

(THPL) - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa ban hành quyết định thu hồi sản phẩm VIP MEN, NSX: 18-9-2023, HSD: 17-9-2026, quy cách đóng gói: 24 viên/6 hộp vì không bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo thông báo của Cục An toàn thực phẩm (ATTP), lô sản phẩm này do Đoàn kiểm tra phát hiện tại Công ty Cổ phần Dược phẩm Capital (76/32 phố An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội).

Cục ATTP yêu cầu Công ty Cổ phần Dược phẩm Capital phối hợp với đơn vị sản xuất chịu trách nhiệm việc thu hồi sản phẩm dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Sản phẩm VIP MEN. Ảnh: Internet

Ngay sau khi kết thúc việc thu hồi Công ty Cổ phần Dược phẩm Capital có trách nhiệm báo cáo với Cục An toàn thực phẩm (ngõ 135 Núi Trúc, Ba Đình, Hà Nội) và cơ quan nhà nước có thẩm quyền về an toàn thực phẩm (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hà Nội, 35 Trần Bình, Mai Dịch, Cầu Giấy) về kết quả thu hồi. Buộc thực hiện thu hồi sản phẩm từ nay đến ngày 22/1.

Theo tìm hiểu, sản phẩm VIP MEN được quảng cáo có công dụng: hỗ trợ bổ thận, tráng dương, giúp tăng cường sinh lực, hỗ trợ cải thiện sinh lý nam giới, hỗ trợ giảm các triệu chứng: đau lưng, mỏi gối, sinh lý yếu do thận kém.

Những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) rất phát triển nhưng cũng vô cùng hỗn loạn khi nhiều sản phẩm đang quảng cáo quá mức về công dụng. Thậm chí không ít loại là hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng được “thổi phồng” về công dụng để bán với giá cắt cổ, khiến người tiêu dùng gánh chịu thiệt hại lớn về sức khỏe và kinh tế. Trong khi đó, các cơ quan chức năng vẫn gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý, ngăn chặn tình trạng này.

Trước ma trận TPCN, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) từng thông tin cảnh báo một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe như Zamasstu-new, Xavakamit, Botalyzil, Castodi, Xmpow12, Lehutra-Curcumin quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Tại nhiều địa phương như Đà Nẵng, Lâm Đồng, Kiên Giang, TP.HCM, lực lượng chức năng đã ra nhiều quyết định xử phạt các cá nhân, doanh nghiệp quảng cáo TPCN “nổ” công dụng.

Hiện nay, các sản phẩm TPCN không chỉ được kinh doanh tại các nhà thuốc mà còn được rao bán, quảng cáo trên nhiều sàn thương mại điện tử, đặc biệt là trên các mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok, YouTube với vô vàn chủng loại khác nhau. Chỉ cần click chuột tìm kiếm trên Google hay trên Facebook với cụm từ “sản phẩm bổ não, tăng cường trí nhớ người già” đã nhanh chóng cho ra hàng chục triệu kết quả. Nhiều sản phẩm được quảng cáo như “thần dược”, khiến người tiêu dùng rơi vào “ma trận”, sẵn sàng chi nhiều tiền để mua.

Tú Linh (t/h)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu