19:24 ngày 19/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Công ty thể thao Hà Nội : "Hóa phép" 1,9ha đất nông nghiệp làm khuôn viên sân golf?

08:36 05/07/2017

(THPL) – Người dân cho rằng Công ty thể thao Hà Nội chiếm dụng trái phép 1,9ha đất nông nghiệp và con kênh khiến việc sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.

Mới đây, Thương hiệu & Pháp luật nhận được thông tin phản ánh của người dân xóm Thanh Trì (xã Phù Linh, Sóc Sơn, Hà Nội) về việc Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ vui chơi Giải trí thể thao Hà Nội (gọi tắt là Công ty thể thao Hà Nội) chiếm đất nông nghiệp để sử dụng trái phép.

Công ty thể thao Hà Nội đã tự ý mua 1,9ha đất nông nghiệp của người dân. Nhưng không hiểu công ty này sẽ hợp thức hóa ra sao với số đất nói trên cho đúng quy định?

Ghi nhận của PV Thương hiệu & Pháp luật cho thấy, gần 2ha đất cỏ mọc um tùm và được bao quanh bởi hai hàng rào xây dựng kiên cố với chiều cao gần 3m. Phía trong hàng rào màu trắng là sân golf, còn phía ngoài hàng rào màu vàng là công trình làm đường bê tông.

Theo phản ánh của người dân xóm Thanh Trì, khu đất cỏ mọc um tùm nói trên đã bị Công ty thể thao Hà Nội tự ý mua 83 thửa đất nông nghiệp của nhiều hộ với tổng diện tích là 1,9ha. Con đường nhựa là tuyến đường đi chính của làng và đã có từ lâu đời. Tường rào màu vàng được xây dựng trên con kênh tưới tiêu và mặt đường bê tông đang thi công cũng nằm trên con kênh và đường bờ kênh phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Ông D.T.Ph. (64 tuổi) lắc đầu nói: "Người dân xóm Thanh Trì chủ yếu làm nghề nông nghiệp vậy mà con kênh tưới tiêu cũng bị Công ty thể thao Hà Nội ngang nhiên lấp đi. Giờ người dân chúng tôi không biết lấy nước tưới tiêu cho ruộng lúa từ đâu nữa?".

Người dân cho rằng chủ đầu tư đã ngang nhiên xây dựng một bức tường và làm đường trên đất của nhân dân, khiến ruộng lúa ở đây chỉ mong chờ vào những hạt mưa.

Ông Ph. nói thêm: "Đường nhựa là tuyến đường của làng hay con gọi là đường du lịch nhưng nay đã bị Công ty thể thao Hà Nội ngang nhiên chiếm dụng một cách trắng trợn để làm đường vào khu sân golf của họ. Kênh thủy nông được đào từ năm 1970 để chống tràn nước ngập nhà dân, ngăn tiêu úng và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Với tổng diện tích theo bản đồ 1996 thì hơn 1ha, thế nhưng cũng bị Công ty thể thao Hà Nội chiếm dụng vô tội vạ". 

Cũng bức xúc với nhân dân trong xóm, ông Nguyễn Văn Quý (xóm trưởng xóm Thanh Trì) thì cho rằng, chủ đầu tư đã mua 83 thửa ruộng của người dân theo hình thức thỏa thuận với tổng diện tích khoảng 1,9ha đất nông nghiệp là không đúng với quy hoạch. Chủ đầu tư còn xây dựng công trình lên mương tưới tiêu cho ruộng lúa của nhân đân là không được. Người dân thì nghèo, chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp, giờ đây mương lấp hết rồi thì lấy nước đâu để tưới cho cây trồng.

"Ngoài ra, chủ đầu tư sân golf đã tự ý xây dựng một bức tường rào trên đất công. Nếu dân mà xây như thế chính quyền ở đây đập tan luôn, thế mà công ty này xây một bức tường cao và dài như vậy không bị phá dỡ", một số người dân thông tin.

Sự việc khiến người dân nơi đây không khỏi băn khoăn về việc chủ đầu tư là Công ty thể thao Hà Nội sẽ hợp thức hóa 1,9ha đất nông nghiệp bằng cách nào? Việc mua bán như vậy có đúng với quy định của pháp luật hay không? Chính quyền sở tại có "làm ngơ" trước sai phạm hay không? 

Cống thoát nước cũng bị ai đó cố tình ngăn đi, mà người dân thì cho rằng chủ đầu tư đã lấp dòng chảy này.

Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Quy – Chủ tịch UBND xã Phù Linh. Ông Quy cho hay: “Việc mua đất giữa người dân và doanh nghiệp là không thông qua UBND xã mà tự thỏa thuận với nhau. Trong quyết định phê duyệt 786 chỉ có 152ha là khuôn viên sân golf, do đó 1,9ha đất mà chủ đầu tư mua của người dân không nằm trong quy hoạch”.

Vị Chủ tịch UBND xã nói thêm, đâu chỉ 1,9ha đất này không nằm trong quy hoạch mà còn cả lô đất nằm ngoài bức tường mà chủ đầu tư đang làm công trình đường giao thông cũng vậy. Sau khi phát hiện được việc mua bán này, UBND xã Phù Linh đã yêu cầu chủ đầu tư báo cáo thành phố để điều chỉnh quy hoạch, còn về công trình nào vi phạm UBND xã sẽ xử lý nghiêm.

Mặc dù lãnh đạo UBND xã nói rằng sẽ xử lý nghiêm nếu có công trình vi phạm. Trên thực tế, bức tường dài khoảng 1km với chiều cao gần 2m đã được chủ đầu tư xây dựng không phép và tồn tại lâu nay nhưng không bị chính quyền sở tại xử lý triệt để.

PV Thương hiệu & Pháp luật đã liên hệ với UBND huyện Sóc Sơn nhưng chưa nhận được câu trả lời. Có lẽ, UBND huyện Sóc Sơn, UBND TP. Hà Nội cần nhanh chóng vào cuộc để tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân xóm Thanh Trì sản xuất lúa trong vụ mùa.

Thương hiệu & Pháp luật sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 

>>> Thanh Hóa: Phá rừng phòng hộ cho kịp...mùa nuôi ngao?

UY VŨ

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu