00:29 ngày 20/01/2025 | HOTLINE : 0983.88.33.66 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 090.1111.388
DÒNG SỰ KIỆN

Công ty Mã hóa Việt Nam: Tự ý sao chép, chỉnh sửa bài viết, vi phạm nghiêm trọng Luật Sở hữu trí tuệ

15:20 26/03/2017

(THPL) - Tự ý sao chép, xuyên tạc nội dung gây ảnh hưởng đến uy tín quyền tác giả, sau hơn một tháng, hành vi vi phạm pháp luật này vẫn chưa được công ty Mã hóa Việt Nam khắc phục.

Như thông tin trước đó, ngày 20/2/2017, trên Thuonghieuvaphapluat.vn đăng tải bài viết: "Bùa hộ mệnh" chống hàng giả hữu ích cho nhà nông". Bài viết đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo độc giả. Tuy nhiên, trên website: Mahoavietnam.vn của Công ty cổ phần Mã hóa Việt Nam đã tự ý sao chép và chỉnh sửa nội dung trong bài viết mà không được sự đồng ý của Ban biên tập Thương hiệu và Pháp luât. 

Phần mềm "Checkvn" chụp giao diện trên Thương hiệu và Pháp luật.

Liên quan đến sự việc trên, phóng viên đã có buổi trao đổi và làm việc với luật sư Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc công ty TNHH Luật Việt In (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) được biết, theo nghị định số: 100/2006/NĐ-CP, Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của bộ luật Dân sự luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan.

Đã bị công ty Mã hóa Việt Nam xuyên tạc, sửa lại thành "VietCheck" đăng trên website của công ty này.

Tại Điều 11 của Nghị định này, xác định rõ hơn định nghĩa về tác phẩm báo chí, gồm các thể loại: "Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác".

"Do đó, bài viết "Bùa hộ mệnh" chống hàng giả hữu ích cho nhà nông" của tác giả Thanh Huyền - Lê Hương đăng trên báo Thuonghieuvaphapluat.vn là loại hình "tác phẩm báo chí". Theo quy định tại Điều 14, khoản 1, điểm C, Luật Sở hữu trí tuệ, đây là đối tượng được bảo hộ quyền tác giả", luật sư Phạm Thanh Tuấn phân tích. 

Ảnh chụp màn hình website của công ty Mã hóa Việt Nam.

Tác phẩm báo chí thuộc đối tượng bảo hộ của Luật Sở hữu trí tuệ, mặt khác, do pháp luật quy định về quyền tác giả đối với các tác phẩm (trong đó có tác phẩm báo chí) được bảo hộ tự động khi tác phẩm đó được thể hiện dưới hình thức vật chất nhât định (khi được viết ra) không phụ thuộc vào việc tác phẩm đó đã công bố hoặc đã đăng ký hay chưa (Điều 6, khoản 1, Luật Sở hữu trí tuệ, năm 2005).

Công ty cổ phần Mã hóa Việt Nam có hai hành vi đồng thời là: sao chép bài viết của Thương hiệu và Pháp luật; tự ý sửa chữa nội dung bài viết. Các hành vi trên đều không được sự đồng ý trước của chủ sở hữu quyền tác giả.

Luật sư Phạm Thanh Tuấn, GĐ công ty TNHH Luật Việt In.

Tại khoản 5, 6, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ quy định hành vi xâm phạm quyền tác giả khi "sửa chữa", "sao chép" tác phẩm không được sự đồng ý của tác giả, là hành vi xâm phạm quyền tác giả. Các hành vi xâm phạm quyền tác giả nói riêng và quyền sở hữu trí tuệ nói chung tùy thuộc vào mức độ sẽ bị xử phạt và áp dụng các chế tài tương thích.

Cụ thể, đối với hành vi "sao chép" bài viết của công ty cổ phần Mã hóa Việt Nam, đối chiếu theo quy định tại Nghị định số: 131/2013/NĐ-CP, ngày 16/3/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả quyền liên quan. Điều 18 của Nghị định này, có quy định hành vi xâm phạm quyền "sao chép" tác phẩm sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đến 35 triệu đồng.

Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm dưới hình thức điện tử trên môi trường internet.

Cũng theo LS Phạm Thanh Tuấn tác phẩm không cần đăng ký với Cục bản quyền tác giả, vẫn được pháp luật bảo hộ. "Cơ quan quản lý nhà nước cần có trách nhiệm xử lý vấn đề nêu trên. Đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng, xem thường tác giả", LS Tuấn mạnh mẽ nêu quan điểm.

Xuân Hân

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu