04:34 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Công an Bình Dương cảnh báo thủ đoạn lừa đảo kêu gọi từ thiện mùa dịch

Thanh Tâm (tổng hợp) | 09:40 14/09/2021

(THPL) - Mới đây, Công an TP. Dĩ An, tỉnh Bình Dương thông báo việc người dân cần cảnh giác trước các thủ đoạn lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để lừa đảo tiền từ thiện qua mạng xã hội.

Báo VTV News đưa tin, các đối tượng tạo dựng những nội dung không có thật về một số hoàn cảnh đang gặp khó khăn cần được giúp đỡ hoặc giả mạo các trang mạng xã hội chuyên làm từ thiện được Nhà nước cho phép, rồi đăng tải các bài viết kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ.

Tuy nhiên, sau khi tiếp nhận số tiền các nhà hảo tâm chuyển đến, các đối tượng không bàn giao tiền từ thiện cho các gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn mà sử dụng hết vào mục đích cá nhân; hoặc chỉ chuyển một phần rất nhỏ để làm hình ảnh nhằm tiếp tục "kêu gọi từ thiện"... Ngoài ra, còn dụ dỗ nạn nhân đóng góp cho hoạt động phát triển vaccine phòng, chống COVID-19, hoặc tặng khẩu trang miễn phí đã được tẩm thuốc mê...

Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo kêu gọi từ thiện mùa dịch. Ảnh: Internet

Trước thực trạng trên, công an TP.Dĩ An đề nghị người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi ủng hộ từ thiện lừa đảo trên mạng xã hội. Thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội; yêu cầu công khai, minh bạch thông tin về người cần giúp đỡ hoặc liên hệ với chính quyền địa phương, bệnh viện nơi họ điều trị để kiểm chứng thông tin. Trường hợp nghi ngờ về hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, người dân cần thông báo đến cơ quan công an để kịp thời xử lý.

Liên quan đến các hành vi lừa đảo trong mùa dịch, báo Công an nhân dân đưa tin, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, đơn vị trực thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phân loại thành 5 hình thức lừa đảo trực tuyến để khuyến cáo đến người dùng.

Trong đó, hình thức đầu tiên là giả mạo công chức chính quyền để lừa đảo (bên lừa đảo giả danh nhân viên, cán bộ từ cơ quan Chính phủ để tuyên truyền thông tin về COVID-19).

Thứ hai là bán sản phẩm y tế không minh bạch (bán các bài chữa bệnh, bộ đồ nghề kiểm tra bệnh án, nước rửa tay hoặc khẩu trang chưa được kiểm chứng về chất lượng).

Thứ ba là ăn cắp dữ liệu cá nhân (giả mạo nhân viên bảo hiểm để yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân như địa chỉ, chi tiết tài khoản ngân hàng, số pin thẻ ngân hàng để giúp khách hàng sửa hợp đồng bảo hiểm, hoặc giả danh nhân viên y tế để truy tìm tiếp xúc liên quan tới COVID-19).

Thứ tư là giả mạo kêu gọi ủng hộ từ thiện (kêu gọi từ thiện tổ chức phi chính phủ, bệnh viện hoặc các tổ chức khác liên quan đến COVID-19 không có giấy chứng nhận).

Và cuối cùng là thủ đoạn tiếp thị các sản phẩm và dịch vụ (các bên thứ ba sẽ mời chào với các giảm giá lớn cho khách hàng về các loại khẩu trang hoặc thuê bao/gói cước hàng tháng để truy cập vào các trang dịch vụ giải trí).

Các cuộc tấn công lừa đảo này đều sử dụng kỹ thuật cũ nhưng lợi dụng các nội dung, thông tin thể hiện theo cách mới, đặc biệt là các thông tin liên quan đến tình hình dịch COVID-19 để làm cho người dân hoang mang, mất cảnh giác và dễ mắc bẫy.

Thanh Tâm (tổng hợp)

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu