04:19 ngày 25/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

Cơ cấu "dân số vàng", cơ hội và thách thức lớn cho Việt Nam

| 07:45 03/12/2017

(THPL) - Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu "dân số vàng” từ năm 2007, với lực lượng lao động trẻ dồi dào. Sau 10 năm, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong tăng trưởng kinh tế.

Thách thức lớn

Việt Nam đang đứng trước một thách thức vô cùng to lớn, đó là nguy cơ “chưa giàu đã già”. Để làm giảm nguy cơ đó, Việt Nam phải huy động và khai thác đồng bộ các nguồn lực, nâng cao hiệu quả lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. GS Trần Văn Thọ, Đại học Waseda (Nhật Bản) đã góp ý như trên khi đề cập đến giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” của Việt Nam. Đó là một khuyến cáo hữu ích trong bối cảnh nước ta đang nỗ lực triển khai Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

dan so vang
Cơ cấu "dân số vàng", cơ hội và thách thức lớn cho Việt Nam.

Tuy nhiên, theo phân tích của các các chuyên gia về dân số, cơ hội cũng đi liền với thách thức. Việt Nam đang ở trong giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” khi có 69% dân số trong tuổi lao động và 1,5 triệu người bước vào độ tuổi lao động mỗi năm nhưng tỷ lệ tham gia lực lượng lao động chưa cao. Thống kê năm 2015 cho thấy, tỷ lệ này mới chiếm khoảng 78,8% dân số.

Đặc biệt, thị trường nhân lực Việt Nam còn nhiều yếu kém. Trình độ lực lượng lao động còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, cả về kiến thức lẫn kỹ năng nghề nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo theo các trình độ khác nhau hiện nay mới chỉ trên 31%. Thị trường lao động cũng mới chỉ đáp ứng 15-20% nhu cầu của người lao động. Ngay cả những người có cơ hội công việc thì nơi sử dụng vẫn phải cho đi đào tạo lại. Chính sách tiền lương còn bất hợp lý, an sinh xã hội còn yếu kém… Đó là chưa nói tới chất lượng dân số ở nước ta vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Chỉ số phát triển con người vẫn ở mức thấp, chiều cao, cân nặng và sức bền vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn tăng nhanh và liên tục ở mức báo động.

Theo thống kê vẫn có 45 tỉnh, thành phố có sự chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh. Cụ thể, ở những nơi này, tỷ lệ bé trai sinh ra cao hơn nhiều so với số bé gái, có khi tới 148,4 trẻ em trai/100 trẻ em gái… Sự biến đổi “dữ dội” đó của cơ cấu dân số, chất lượng dân số chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ trong quá trình tận dụng thời kỳ “dân số vàng”, đẩy nhanh sự phát triển cho đất nước, thậm chí nếu không có chính sách dân số phù hợp còn dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng về mặt an ninh và xã hội. 

Tận dụng thời cơ “vàng” để tạo ra “vàng”

dansovang_TAKS
Việt Nam đang ở thời kỳ "dân số vàng".

Việt Nam đang ở thời kỳ "dân số vàng". Vấn đề là chúng ta khai thác nguồn lực đáng quý ấy như thế nào để đem lại lợi thế cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước khi mà thời kỳ dân số vàng - một cơ hội hiếm gặp, chỉ xuất hiện một lần và kéo dài trong khoảng 30 năm?

Theo PGS-TS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý (trường Đại học Kinh tế Quốc dân) đã chia sẻ theo vòng đời, thu nhập từ lao động sẽ tăng nhanh từ 14-31 tuổi, sau đó bắt đầu giảm dần tới năm 51 tuổi và tiếp tục giảm nhanh đến 70 tuổi và về 0 khi đến tuổi 90. Với nước ta,“chính sách, chiến lược cụ thể và phù hợp” ấy dù được xây dựng như thế nào cũng không thể “thoát ly” nhân tố con người và các chính sách thiết thân dành cho họ như giáo dục và đào tạo; lao động, việc làm, dân số và y tế, bảo hiểm, an sinh xã hội; đặc biệt khai thác và phát huy tính năng động, nhạy bén, hiếu học, cầu tiến của con người Việt Nam.

Còn với ông Richard Marshall, cố vấn chính sách về an sinh xã hội của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng trong giai đoạn này, các nước như Việt Nam cần có những bước đi quyết định nhằm tối đa hóa lợi tức dân số, thúc đẩy định hướng việc làm và tạo ra những công việc chất lượng và năng suất cao hơn. Bên cạnh đó, cần giải quyết vấn đề mất cân đối về giới, huy động các nguồn tiết kiệm và chuyển hướng hoạt động sản xuất cho phù hợp.

Thực tế chứng minh, nhiều nước trong khu vực và thế giới đã phát triển rất mạnh ở giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đã tận dụng tốt cơ hội nhân khẩu học nhờ sớm đề ra những chính sách đào tạo và phát triển phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của mình, làm nền tảng cho những bước phát triển thần kỳ và trở thành những “con rồng châu Á”.

Thời gian không chờ đợi. Thời gian đòi hỏi chúng ta nhanh chóng tìm giải pháp khai thác có hiệu qua nguồn lực “vàng” trong thời kỳ "dân số vàng". Nếu chậm chân, chúng ta sẽ tụt hậu, đánh mất cơ hội to lớn của mình. Việt Nam đã thực hiện thành công chương trình Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, nhưng chủ yếu tập trung vào mục tiêu giảm sinh để giải quyết vấn đề quy mô dân số. Trong giai đoạn tới, theo yêu cầu phát triển KTXH, phải chú trọng nâng cao chất lượng dân số - phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm tận dụng hiệu quả cơ hội cơ cấu "dân số vàng".

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu