20:32 ngày 23/11/2024 | HOTLINE : 0983.883.366 | Email: bbt.thpl199@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666
DÒNG SỰ KIỆN

"Chữ Tâm" một đời của người giám thị

| 00:00 01/03/2017

(THPL) - Từ phó giám thị phân trại K5 (TX. Long Khánh), K4 (Xuân Lộc) cho đến cương vị mới Trưởng trại giam Xuân Lộc, với 31 năm công tác của mình, giám thị Thái Duy Hồng đã dùng "chữ Tâm" để đưa những con người lầm lỡ quay đầu với nẻo thiện.

Ấn tượng đồng chí Thái Duy Hồng để lại cho chúng tôi từ những ngày đầu đó là sự mạnh mẽ, quyết đoán. Gặp nhau khi anh còn giữ cương vị phó giám thị phân trại K4, với bộ quân phục và chiếc nón cối giản dị, hiếm khi được gặp anh trong phòng làm việc bởi anh thường xuyên có mặt bên ngoài để nắm tình hình phạm nhân.

Giờ đây khi đã là trưởng trại giam Xuân Lộc, quản lý hơn 6.000 phạm nhân, vẫn vẻ giản dị đó không thay đổi, nếu có khác đi thì chỉ là trách nhiệm nặng nề hơn, anh phải quan tâm lo lắng đến nhiều vấn đề hơn. Nhưng trên tất cả, trên mọi vấn đề, ngoài pháp luật, chữ Tâm trong con người anh vẫn vậy, vẫn dùng nó để đưa những con người trót lầm lỡ quay về nẻo thiện.

Đồng chí Thái Duy Hồng khi còn công tác tại phân trại K4

Không biết câu nói “Cha mẹ sinh con trời sinh tính” có từ bao giờ, chỉ biết rằng dù thời thế có thay đổi đến đâu thì câu nói này luôn đúng. Giữa một xã hội đầy cạm bẫy, mỗi người mỗi hoàn cảnh, một cuộc sống khác nhau, sức mạnh của đồng tiền rất khó để phủ nhận, chỉ vì đồng tiền mà con người ta dễ dàng vứt bỏ lương tâm đạo đức, xem thường pháp luật. Để rồi khi phải chịu bản án với tội danh mình gây ra, việc quay đầu về với nẻo thiện sẽ rất khó khăn nếu không ai cho họ thấy một con đường mới, dang đôi tay ra bao dung với họ. Cuộc sống trong phân trại, lời đàm tiếu của xã hội, nỗi đau của gia đình, nếu tất cả cùng chối bỏ  thì việc làm lại cuộc đời đối với họ là chuyện rất khó khăn.

Bắt đầu với cương vị phó giám thị tại phân trại K5, rồi chuyển đến K4 và bây giờ là trưởng  trại giam Xuân Lộc, với 31 năm công tác của mình, giám thị Thái Duy Hồng luôn được các phạm nhân kính trọng. Bởi anh luôn sống và làm việc với tâm niệm “Cuộc sống có lúc, dòng sông có khúc”, không ai trong đời này sinh ra lớn lên và mong muốn mình trở thành một phạm nhân. Có nhiều con đường để họ lựa chọn cho mình một cách sống, nhưng nếu không đủ bản lĩnh trước những cám dỗ của cuộc đời, họ sa ngã. Trong tâm niệm của tôi và các anh em khác đang công tác, dù họ từng phạm tội, là phạm nhân, nhưng họ vẫn là con người. Mà con người với nhau thì cần dùng cái tâm để đối xử. Chúng tôi thống nhất cùng một quan điểm là phải cảm thông, giúp đỡ, chia sẻ cùng họ, từng bước cảm hóa, giáo dục họ sớm nhận thức ra lỗi lầm, tạo sự chuyển biến về tư tưởng, tình cảm. Để họ có động lực cao quyết tâm trong lao động cải tạo, không vi phạm kỷ luật, giành lấy những cơ hội được giảm án, đặc xá, sớm được trở về với gia đình, xã hội làm lại cuộc đời. Chúng tôi không biến mình thành những người quản giáo nghiêm khắc, mà xem họ cũng như những người anh, người em, người bạn để hiểu tâm lý của họ”.

Trước đây khi còn công tác tại phân trại K5, K4, một phân trại như vậy sẽ chia thành nhiều đội sản xuất, xây dựng, mộc, rau xanh, chăn nuôi, điều, may, nhà bếp… trách nhiệm của phó giám thị Thái Duy Hồng  rất lớn, đảm bảo được tình hình trật tự an ninh, điều hành cán bộ quản giáo sao cho hợp lý, để cán bộ quản lý chặt chẽ các phạm nhân ở đội mình, năng suất lao động không giảm sút và luôn đạt hiệu quả cao trong công việc. Có án 20 năm, 30 năm và kể cả chung than, thời gian thụ án dài, tâm lý đôi khi không ổn định thường gây rối trật tự an ninh trong phân trại, chuyện phạm nhân đi kèm hay còn gọi biệt giam 30 ngày – 60 ngày – 90 ngày là chuyện bình thường, đối với họ chẳng có gì phải sợ. Nhưng đa số với những trường hợp này, bằng tình người, phó giám thị Thái Duy Hồng đã cảm hóa, phân tích điều hay lẽ phải để họ hiểu rõ vấn đề, vào tù không phải là chấm hết nếu như mình cải tạo tốt được về với gia đình và xã hội, mình vẫn là người có ích cho xã hội.

Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp phạm nhân mất hết tất cả. Đơn cử như trường hợp có phạm nhân vừa nhập trại 1 tháng với mức án tù chung thân, vợ vào trại và đưa đơn ly hôn đã rất sốc. Về trại quậy phá bất cần đời, nhưng cũng bằng tấm lòng, sự thân mật chia sẽ an ủi, để những phạm nhân đó lấy lại vị trí cân bằng không khủng hoảng tinh thần để cải tạo cho tốt. Hoặc với  những phạm nhân trong thời gian cải tạo, cha mẹ, người thân mất khi biết tin cũng có những phản ứng xúc động tức thời, những lúc đó,  giám thị Thái Duy Hồng cũng phải có cách xử lý về mặt tâm lý, bằng tình cảm của mình để phạm nhân có niềm tin vào cuộc sống, để cải tạo tốt không gây mất trật tự trong trại ảnh hưởng tới các phạm nhân khác.

Suốt quá trình dài từ một người quản giáo, khi về công tác tại Trại giam Xuân Lộc, giám thị Thái Duy Hồng cùng với tất cả cán bộ tại Trại giam Xuân Lộc đã xây dựng nên một tập thể đoàn kết bằng chính những công sức và mồ hôi của mình. Thắm đẫm yêu thương và luôn mong muốn cho những phạm nhân khi hết án trở về với xã hội được hòa nhập, có công ăn việc làm trả nghĩa với vợ, trả hiếu với cha mẹ. Với giám thị Thái Duy Hồng,  nhân cách và đạo đức luôn đặt lên hàng đầu trong quá trình công tác của mình.  Đằng sau đó, hình bóng của người vợ cùng các con luôn là nguồn động viên an ủi cũng là nguồn động lực để giám thị Thái Duy Hồng yên tâm công tác, làm tốt nhiệm vụ được giao của mình.

Hiện tại với cương vị công tác mới, nhiều lo toan hơn, trách nhiệm hơn khi trại giam Xuân Lộc có thời điểm lên đến 6.000 phạm nhân. Nhưng chúng tôi tin rằng,  với "chữ Tâm" của mình, Giám thị Thái Duy Hồng - Trưởng trại giam Xuân Lộc cùng toàn thể cán bộ tại đây sẽ làm tốt nhiệm vụ được giao.

Nhóm PVMĐ

 

TIN LIÊN QUAN
Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu