03:16 ngày 29/03/2024 | HOTLINE : 0911.344.555 | Email: bbt.thpl@gmail.com
Liên hệ quảng cáo: 0942.106.666

DÒNG SỰ KIỆN

Cần đổi mới chiến lược xét nghiệm COVID-19 trong tình hình thực tế

07:22 04/09/2020

(THPL) - Ngày 03/9/2020 tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trước thực tế vừa phải thực hiện chống dịch, vừa phải duy trì hoạt động kinh tế, đồng thời nguy cơ lây nhiễm vẫn tồn tại trong cộng đồng, Ban Chỉ đạo cùng các đại biểu đã có những thảo luận sâu về chiến lược xét nghiệm để phù hợp với tình hình mới.

Đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết,  tính đến 15 giờ ngày 03/9/2020  thế giới đã có hơn 26,1 triệu người mắc COVID-19,  trong đó có hơn 865.500 người tử vong tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam ghi nhận 1.046 người mắc COVID-19, trong đó có 748 người khỏi bệnh, 35 người tử vong. Đồng thời,  nguy cơ mầm bệnh trong lãnh thổ Việt Nam vẫn chưa dừng, như ở các trường hợp nhập cảnh nhiễm virus SARS-CoV-2, hoặc các trường hợp mắc bệnh nhưng không có triệu chứng. Cùng với đó, theo quy luật tự nhiên, thời tiết thu đông trong thời gian tới cũng là một nguyên nhân lớn khiến các bệnh truyền nhiễm về hô hấp phát triển mạnh. Dù vậy, nhiệm vụ đặt ra là vẫn phải vừa bảo đảm mục tiêu chống dịch vừa phải phát triển kinh tế. Trước mắt là yêu cầu phải mở các chuyến bay thương mại để đón chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài, tăng cường các hoạt động giao lưu đem lại lợi ích kinh tế, cùng những hoạt động chính trị,  văn hóa, xã hội…Muốn vậy, phải thực hiện rất nhiều biện pháp, trong đó có chiến lược xét nghiệm.

(Hình minh họa)  

Trước thực tế nêu trên, các đại biểu, chuyên gia tại cuộc họp thống nhất cần tăng cường năng lực xét nghiệm trong nước để sàng lọc nhanh, chính xác, phân loại, theo dõi sức khỏe từng nhóm đối tượng khác nhau. Chiến lược xét nghiệm trong thời gian tới sẽ sử dụng sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên tại những địa điểm công cộng như sân bay, khu cách ly tập trung… kết quả chính xác, tiết kiệm thời gian, giảm chi phí xét nghiệm, sàng lọc người trong các khu cách ly, người nhập cảnh vào Việt Nam… góp phần chống dịch hiệu quả.

Về công nghệ test kháng nguyên, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đơn vị đang tích cực phối hợp với Hoa Kỳ, nhận chuyển giao quy trình để sớm thử phương án này trên thực địa Việt Nam. Đồng thời Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đang liên hệ các đơn vị có máy đọc kết quả xét nghiệm từ phương án này.

Hiện tại, đã có 3 đơn vị tại Việt Nam đang nghiên cứu các kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên và đang ở những khâu cuối cùng để có sản phẩm gồm: Công ty cổ phần Sao Thái Dương; Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; Công ty Medicon. Đại diện các đơn vị nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm xét nghiệm khẳng định năng lực hoàn toàn có thể nghiên cứu, sản xuất được các bộ sinh phẩm xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có chất lượng tương đương với sản phẩm các nước phát triển. Những đơn vị này mong muốn có cơ chế đặt hàng nghiên cứu, sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận các mẫu bệnh phẩm lâm sàng để đẩy nhanh quá trình nghiên cứu.

Lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định, sẽ ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị trực thuộc Bộ phối hợp, hỗ trợ các đơn vị đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên phục vụ công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cũng yêu cầu Bộ Y tế hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp triển khai tập huấn sử dụng các loại kit xét nghiệm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất hiện nay. Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định, trong tuần này, Bộ sẽ tham vấn các doanh nghiệp,  tuần sau sẽ báo cáo với các cấp có thẩm quyền về việc triển khai đề tài nghiên cứu sản xuất kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên.

Các chuyên gia đề xuất, trong khi chờ sản phẩm sản xuất trong nước. Trước mắt, Việt Nam có thể xem xét nhập khẩu kit xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên có chất lượng cao từ một số nước tiên tiến để sử dụng tại các sân bay, cảng hàng không. Về các phương án sản xuất vaccine chống COVID-19, các chuyên gia thống nhất, trên tinh thần tự lực, tự cường, các đơn vị trong nước tăng cường nghiên cứu, tăng tính chủ động trong việc sản xuất vaccine trong phòng, chống dịch COVID-19.

Cũng tại cuộc họp các đại biểu đã đưa ra tổng kết, tính tới thời điểm hiện tại, với quy mô dân số gần 100 triệu dân, nhưng tổng chi phí dành cho công tác chống dịch của Việt Nam vẫn chưa đến 400 triệu USD. Điều đó cho thấy Việt Nam đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó có vai trò quan trọng của công tác xét nghiệm, nghiên cứu, sản xuất sinh phẩm, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch. Việt Nam không chỉ ngăn chặn dịch hiệu quả mà còn là một trong những nước chống dịch tiết kiệm nhất.

Quốc Cường

Bình luận

Bình luận

Tin khác

Quảng bá thương hiệu Việt

Tôn vinh thương hiệu toàn cầu